Trong đoàn người đón anh trở về sau chuyến công tác còn có Trung úy QNCN Đỗ Thu Hà, nhân viên Ban Tài chính, Phòng Tham mưu, Lữ đoàn 918. Chị Hà là vợ anh Hải. Sau nhiều ngày xa cách, câu chuyện giữa vợ chồng có nhiều niềm vui hơn. Anh kể về những chuyến bay vận tải đến các sân bay khác nhau. Còn chị thông báo tình hình gia đình, chuyện công việc. Thế rồi anh chị tâm sự về quãng thời gian hơn 10 năm về chung một nhà. 

 Vợ chồng anh Hải - chị Hà xem lại cuốn album ảnh kỷ niệm.

Năm 2005, anh Hải tốt nghiệp Trường Sĩ quan Không quân và nhận công tác tại sân bay Gia Lâm. Một hôm, anh ra nhà đồng đội ở phường Phúc Đồng (quận Long Biên). Anh nghe mọi người kể nhà đối diện có cô gái xinh xắn, đang độ tuổi xuân hồng. Vậy là anh nhờ đồng đội giới thiệu rồi sang nhà chơi. Buổi đầu trò chuyện, anh được phụ huynh tiếp đón chu đáo với những lời “thẩm tra” chi tiết từ quê quán, gia đình, công việc. Bố mẹ cô gái cũng là bộ đội nên dễ cảm thông với điều kiện công tác của anh. Nhờ đánh vào tận “sở chỉ huy” nên “trận chiến” có phần thuận lợi hơn. Những ngày sau đó, anh Hải thường xuyên ra thăm nhà và có cơ hội trò chuyện với cô gái Đỗ Thu Hà.

Những buổi hò hẹn đã gắn kết hai người với nhau. Anh chị nhớ mãi kỷ niệm lần đầu cùng về thăm quê anh. Đó là một buổi chiều hè, anh chở chị về ra mắt người thân. Về gần đến nơi, trời nhá nhem tối, đường quê vắng vẻ bỗng trời sầm sập đổ mưa. Hai người thấy có quán nhỏ ven đường liền gọi cửa nhưng không có người, đành đứng ở ngoài hiên. Trời ầm ào tiếng sấm sét. Cột điện cao thế bên cạnh tóe lửa. Chứng kiến cảnh đó, chị Hà sợ run người, chỉ biết ôm anh Hải chờ cơn mưa mau qua.

Trở về đơn vị, anh Hải đi công tác phía Nam một đợt dài 8 tháng. Còn 20 ngày nữa là trở ra Hà Nội, bố anh nhắn rằng đã xem ngày giờ, khi nào ra sẽ tổ chức lễ cưới. Vậy là mọi việc được triển khai khẩn trương. Họ nhà trai ra Hà Nội để bàn chuyện trăm năm của đôi trẻ. Lễ cưới giản dị của anh Hải và chị Hà được tổ chức trong niềm vui chúc phúc của gia đình, người thân, đồng đội. Về chung một nhà nhưng anh lại đi xa. Đó là những chuyến bay cất cánh trên bầu trời Thủ đô rồi vươn xa đến mọi miền Tổ quốc. Có đợt anh sang Tây Ban Nha học chuyển loại máy bay mới, chị ở nhà một mình chăm hai con nhỏ. Chị Hà tâm sự: “Việc chung, việc riêng tuy có vất vả nhưng tôi luôn cố gắng thu xếp để anh yên tâm công tác”.

Do đặc thù nhiệm vụ của chồng không có thời gian chăm sóc gia đình, chị lại bận bịu công việc cơ quan, thế nên chị Hà có nguyện vọng được vào đơn vị công tác. Được sự quan tâm của Quân đội, năm 2016, chị có quyết định tuyển dụng vào Lữ đoàn 918. Trở thành nữ quân nhân nơi chồng công tác, chị hiểu thêm về đơn vị cũng như những vất vả của phi công. Vì vậy, chị càng cố gắng để anh không phải lo lắng về hậu phương. Anh Hải chia sẻ: “Mình như cánh chim bay khắp miền đất nước. Gia đình là nơi trở về sau hành trình vất vả và cũng là điểm tựa để vững tay lái”.

Sân bay Gia Lâm là nơi gắn kết tình đồng đội, còn mái ấm nhỏ giữa Thủ đô trở thành bến đỗ sau mỗi chuyến anh đi công tác trở về. Hạnh phúc của anh chị Trọng Hải-Thu Hà được xây đắp từ những điều giản dị như vậy.

Bài và ảnh: THƯỜNG LỢI