Tên phố Hàng Khay đã có từ lâu và được đặt theo ngành nghề chủ đạo của phố khi ấy, nghề làm đồ gỗ khảm trai, trong đó có cả mặt hàng: khay. Ngày nay, phố chỉ dài có 160m, nối liền với phố Tràng Tiền và phố Tràng Thi, thế nhưng khi xưa, địa phận phố Hàng Khay còn bao gồm cả đoạn cuối phố Tràng Tiền, thuộc đất làng Cựu Lâu. Phố Hàng Khay cũng còn được biết đến với tên gọi phố Thợ Khảm.

leftcenterrightdel

Phố Hàng Khay chạy cạnh bờ nam hồ Gươm, nối liền phố Tràng Tiền và phố Tràng Thi.

Khảm trai - Nguồn gốc nghề xưa trên đất kinh kỳ

Trong cuốn sách Lịch sử Việt Nam (Nhà xuất bản Khoa học xã hội xuất bản năm 1971) có viết về phố Hàng Khay như sau: “Trước đây (1884-1890) suốt cả một phố của Hà Nội đã trưng ra nhiều cửa hiệu của những người thợ khảm. Họ lặng lẽ làm việc, miệt mài... để những quân nhân mang về Pháp làm kỷ niệm”. Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu - nhà Hà Nội học - Nguyễn Vinh Phúc trong cuốn “Phố và Đường Hà Nội”, cho tới trước khi thực dân Pháp xâm lược, dọc phố Hàng Khay là những cửa hàng chuyên làm và bán các mặt hàng tủ chè, khay, sập, ghế, bàn,… bằng gỗ có khảm xà cừ. Trên con phố này trước đây còn có đền thờ ông Tổ nghề khảm, mà tương truyền là ông Nguyễn Kim, người làng Thuận Nghĩa thuộc tỉnh Thanh Hóa, sống vào đời Lê Cảnh Hưng, nửa cuối thế kỷ 18. Trong dân gian có lưu truyền câu chuyện về người dân thuyền chài quê Thuận Nghĩa ở đời vua Lê Hiến Tông (1740-1786), trong một lần đi đánh cá, ông thấy vỏ mảnh trai có màu sắc ánh lên nên đã mang về gắn lên gỗ, sau đó, ông tiến ra Chuyên Mỹ (làng Chuôn, thuộc huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây) truyền nghề cho dân làng, để rồi nghề khảm từ đó lan rộng đi nhiều nơi, trong đó có Thăng Long.

Nói về nguồn gốc nghề khảm trai trên đất kinh kỳ lại cũng có truyền ngôn rằng: Vị tướng Trương Công Thành ở thời nhà Lý được cử đi bình Chiêm chiến thắng trở về thì xin phép đi ngao du thắng cảnh. Ông đến bãi sông, bãi biển thấy vỏ trai, vỏ ốc bị mưa gió bào mòn lớp vỏ bên ngoài lộ ra phần lõi nhiều màu sắc óng ánh vô cùng đẹp mắt, liền mang về mày mò cưa cắt, ghép thành hình hoa lá sinh động khiến nhiều người trầm trồ. Khi về thăm quê nhà, ông truyền dạy dân làng cách làm và nghề khảm trai xuất hiện ở Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên) từ đó. Năm 1831, khi vua Minh Mạng thực hiện cải cách hành chính chia lại địa giới các tỉnh, xã Chuyên Mỹ thuộc tỉnh Hà Nội. Đến đầu thế kỷ 20, người Pháp lập tỉnh Hà Đông thì Chuyên Mỹ, Phú Xuyên bị cắt về Hà Đông, rồi khi Hà Đông sáp nhập với tỉnh Sơn Tây thì huyện Phú Xuyên lại thuộc tỉnh Hà Tây. Sau này, vào năm 2008, khi Hà Tây hợp nhất với Hà Nội thì Phú Xuyên lại trở về thuộc Hà Nội. Dù qua nhiều lần cải cách hành chính, địa giới các tỉnh có thay đổi ra sao thì người dân xã Chuyên Mỹ vẫn làm khảm trai, vẫn sản xuất các mặt hàng khảm và luôn có mối liên hệ chặt chẽ với Hà Nội.

Ngoài Nguyễn Kim và Trương Công Thành, chính người dân làng Chuôn lại kể lại rằng, ông tổ nghề khảm trai là người họ Vũ, quê tại nơi đây. Cụ Vũ Văn Trấn (người làng Chuôn) kể: Tổ năm đời nghề khảm làng Chuôn họ Vũ, tên là Vũ Văn Kim. Con cụ Kim là Vũ Văn Ngân cùng gia đình và một số thợ giỏi trong làng ra Hà Nội làm ăn và lập nên phố Hàng Khay, thời gian này được xác định vào khoảng thế kỷ 19. Theo quan điểm của nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, chia sẻ trong cuốn “Phố và Đường Hà Nội”: “Rất có thể đó là 3 người đã có công phổ biến hoặc cải tiến nghề khảm tại ba địa phương khác nhau. Trong thực tế lịch sử, từ thế kỷ XIII, đồ khảm của nước ta đã có tiếng tăm. Ngày ấy, sử sách Trung Quốc đã ca ngợi những loại khay và cơi trầu khảm xà cừ của ta là bảo vật”. Chính một giáo sĩ người Pháp tới Đàng Ngoài năm 1732 và sống ở Thăng Long 8 năm đã ghi chép rất nhiều về nơi này và trong bản tường trình lên quan Chưởng ấn khi đó, giáo sĩ Charles Thomas de Saint Phalle gọi khảm trai là “thứ sản phẩm tuyệt vời”. Điều này càng chứng tỏ, mặt hàng khảm trai đã được bán tại Thăng Long từ trước khi ông tới mảnh đất này.

leftcenterrightdel
 Giáo sĩ Charles Thomas de Saint Phalle gọi khảm trai là “thứ sản phẩm tuyệt vời”.

Trong cuốn “Hà Nội còn một chút này” của nhà báo - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến, người được mệnh danh là một sử nhân của Hà Nội, một nhà nghiên cứu Hà Nội, ông chia sẻ quan điểm: “Căn cứ vào tài liệu của Charles Thomas, dân gian đã nói không đúng về Nguyễn Kim vì trước khi Nguyễn Kim ra Thăng Long thì dân Kẻ Chợ đã bán sản phẩm khảm trai rồi”. Sử nhân nặng lòng với Hà Nội, nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến cũng đặt ra câu hỏi: “Truyền thuyết về Trương Công Thành và Nguyễn Kim có điểm chung là đều nhắc đến Chuyên Mỹ, nhưng thợ khảm trai ở Cựu Lâu có phải là người Chuyên Mỹ?”.

Phố nghề Thợ Khảm theo dòng lịch sử Thăng Long

Bản đồ Hà Nội năm 1873 do Phạm Đình Bách hoàn thiện năm 1902 không có phố Thợ Khảm hay phố Hàng Khảm, mặc dù đây là thời điểm có rất nhiều thợ tại các thôn Cựu Lâu, Thị Vật, Vũ Thạch (nay là Hàng Khay và một phần phố Hai Bà Trưng, Tràng Thi) làm khảm trai, sản xuất khay, hộp, tranh khảm,... và bày bán trước nhà. Trong cuốn “Hà Nội giai đoạn 1873-1888” của tác giả Andre Masson có đoạn nói từ năm 1873 đến năm 1883, nghề khảm trai rất phát triển vì quân lính và nhân viên người Pháp tham gia xây dựng các công trình trong khu Đồn Thủy mua rất nhiều. Tuy nhiên, bản đồ năm 1883 do trung úy Launay vẽ lại có phố Thợ Khảm (Rue des Incrusteurs), bắt đầu từ Đồn Thủy kéo dài ra đến tận vị trí phố Cửa Nam của ngày nay. Sở dĩ vị trung úy đặt tên phố là Thợ Khảm là do trên trục đường này có quá nhiều gia đình làm nghề khảm, nhưng người dân thủ đô lại không gọi theo tên này mà gọi là phố Hàng Khay như một sự tiếp nối các con phố Hàng của mảnh đất kinh kỳ, và cũng bởi một lý do hết sức giản dị: Tất cả đồ nghề của thợ khảm từ cưa, đục nhỏ, giũa, mảnh trai đã mài, sơn,... đều để trong khay gỗ.

Ngày 1-11-1886, sau khi nhà động vật học - sinh lý học - chính trị gia người Pháp Paul Bert qua đời, phố Thợ Khảm được đặt tên chính thức là Paul Bert, bắt đầu từ vị trí Nhà hát Lớn đến đầu phố Gia Long (bao gồm cả phố Tràng Tiền và Hàng Khay ngày nay). Lúc này phố đã được mở rộng và lát vỉa hè, bá hộ Kim - hào mục làng Vũ Thạch tặng 2 biển tên phố được khảm trai trên vóc bằng chữ Pháp và chữ Hán. Ngày 9-7-1887, chính quyền đã cho treo biển tên ở đầu và cuối phố. Đây cũng chính là biển tên phố đầu tiên ở Hà Nội.

leftcenterrightdel
 Paul Bert là phố đầu tiên được treo biển tên ở Hà Nội.

Về sau, khi làm đường quanh Hồ Gươm, người dân làng Cựu Lâu không còn đất khiến vài chục hộ phải di dời, có người trở về quê sản xuất hàng khảm trai theo đơn đặt hàng. Theo tác giả Nguyễn Văn Uẩn viết trong cuốn “Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20”, đoạn đầu phố Gia Long còn sót lại một số dân gốc làng Vũ Thạch, di tích còn lại là ngôi đình, những ngôi nhà bên số chẵn từ số 2 đến số 10, số 24 và 28 là nhà của người làng Chuôn vẫn giữ nghề, làm và bán đồ khảm.

Sau cách mạng, phố Paul Bert được tách riêng, gọi tên là phố Hàng Khay. Trong thời tạm chiến, phố đổi tên thành phố Anh Quốc (Great Britain Street). Từ ngày thủ đô được giải phóng, phố mang tên gọi như ngày nay: Phố Hàng Khay, thuộc phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm.

Nghề khảm trai “độc quyền ở Viễn Đông” trên phố Hàng Khay xưa

Trên thực tế, đã có không ít bài viết hồi cuối thế kỷ 19 của một số tác giả người Pháp cho rằng, nghề khảm trai, khảm xà cừ được du nhập từ Trung Hoa hoặc từ Trung Kỳ lan ra. Song, chính Toàn quyền Đông Dương Paul Domer đã khẳng định trong cuốn “Xứ Đông Dương (L’Indochine Francaise)” như sau: Tủ chè, đồ gỗ nhỏ khảm xà cừ thật sự được chú ý và nổi tiếng ở vùng Viễn Đông. Những thợ khảm Trung Hoa ở Quảng Châu hình như đã học tập nghệ thuật của người An Nam nhưng tài nghệ còn kém xa. Sự nhầm lẫn của các tác giả người Pháp có thể xuất phát do vội vã đánh giá nhận định mà chưa tìm hiểu kỹ khi nhìn ngắm các bức tranh khảm thể hiện những tích truyện của Trung Hoa, và khi nhìn thấy bàn ghế, hoành phi câu đối, khay đựng chén trà khảm trai trong cung đình Huế họ vội cho rằng người Trung kỳ đã làm ra những sản phẩm này. Kỳ thực, lời nói đầu của bản hương ước làng Chuôn Trung, xã Chuyên Mỹ đã làm rõ sự hiểu nhầm này: “Thời Nguyễn, nhiều tốp thợ của làng đã vào làm cho cung đình Huế và cụ Phạm Văn Xiêm đã được vua nhà Nguyễn phong chức cửu phẩm”.

Vốn là một nghề thủ công mỹ nghệ cao cấp, các thợ khảm trai chủ yếu làm hoành phi, câu đối phục vụ cho đình chùa, bên cạnh đó là khảm trên những đồ dùng đặc biệt như sập gụ, tủ chè, bình phong, điếu ống, tráp trầu, hộp đựng thuốc lá… Nội dung khảm trai thường được chọn trong các tích xưa theo đặt hàng của tầng lớp thượng lưu hoặc quyền quý trong xã hội. Trên phố Hàng Khay, các cửa hiệu khảm trai đồng thời sản xuất và bán hàng ngay tại chỗ với đội ngũ thợ khảm hành nghề theo quy mô từng gia đình, hoặc từng nhóm nhỏ, bao gồm thợ cả, thợ đục, thợ giũa, tách và vài thợ phụ.

“Thợ khảm là nhà nghệ thuật chân chính, nhẫn nại và khéo tay vô cùng. Họ biết phối hợp các màu sắc của vỏ trai để có sự hòa sắc đẹp mắt, làm cho bức khảm trở nên rực rỡ. Chính vì thế mà nghệ thuật khảm Việt Nam nổi trội lên gần như độc quyền ở Viễn Đông. Những sản phẩm của người thợ khảm Việt Nam tốt hơn nhiều nếu so với sản phẩm của người thợ khảm Quảng Đông” (trích cuốn sách “Kỹ thuật của người An Nam” in năm 1909 - tác giả Oger).

leftcenterrightdel
 Trên phố Hàng Khay chỉ còn lại một vài cửa hiệu ít ỏi bán sản phẩm khảm trai.

Trải qua nhiều biến thiên, xã hội có nhiều đổi thay nhưng xuyên suốt lịch sử, suốt thời kỳ bao cấp và tới tận bây giờ, phố Hàng Khay vẫn có những cửa hàng mỹ nghệ bán các sản phẩm khảm trai tinh xảo của xã Chuyên Mỹ. Đã từng có thời kỳ Hàng Khay được coi là con phố “Tây” nhất Hà Nội, song số lượng cửa hàng bán đồ khảm trai lại ngày một thưa thớt. Tuy hiện tại phố Hàng Khay chỉ còn sót lại một hai cửa hàng bán mặt hàng này, nhưng bù lại, trên khắp thủ đô Hà Nội lại xuất hiện rải rác nhiều cửa hàng buôn bán sản phẩm khảm trai, một phần phát huy tinh hoa sản phẩm dân tộc, một phần giúp nghề xưa không bị mai một.

Bài và ảnh: NHÃ UYÊN