Sau ba tháng huấn luyện tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (đóng ở xã Lê Lai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng), ông được biên chế về Đại đội 1, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Cao Lạng (sau này tách ra thành Cao Bằng và Lạng Sơn) đóng quân tại thị trấn Đồng Đăng. Tình hình biên giới lúc đó rất căng thẳng, Đại đội 1 của Triệu Quang Điện nhận nhiệm vụ bảo vệ tình hình trật tự trị an, trấn áp tội phạm ở nhiều mục tiêu. Các chiến sĩ gần như phải tuần tra suốt đêm, ban ngày lại phải học các bài chiến thuật bộ binh rất vất vả.

Nhớ lại những ngày tháng ấy, ông Điện tâm sự: “Lúc đó có sức trẻ, lại được nhập ngũ vào công an theo đúng nguyện vọng nên tinh thần tôi rất vui, không cảm thấy mệt mỏi. Anh em đồng đội lại quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, nỗi nhớ nhà cũng vơi bớt. Tết Kỷ Mùi qua từ lúc nào không hay. Chỉ nhớ rằng qua Giao thừa mấy ngày, có đồng đội nói rằng hôm nọ là Ba Mươi Tết, biết thế thôi, cũng chẳng tiếc, chẳng buồn”.

leftcenterrightdel
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Triệu Quang Điện và vợ.

Trong tổ ba người của Triệu Quang Điện có Trần Thái và Vi Văn Cao. Vi Văn Cao có tài thổi sáo rất hay. Đêm đó tổ ba người đi gác ca từ 3 giờ đến 4 giờ sáng trở về, Điện còn hẹn với Cao: "Sáng mai nhớ thổi một bài sáo chào mùa xuân nhé!". Cao vui vẻ nhận lời, rồi cả ba cùng tìm chỗ ngủ. Vừa mới chợp mắt được tích tắc thì tiếng pháo nổ ran trời. Đại đội 1 bất ngờ nhưng không bị động, tất cả lập tức bật ngay dậy theo giao thông hào chiến đấu ra các vị trí phòng ngự kế hoạch diễn tập từ trước. Bộ đội cùng công an vũ trang, cảnh sát cơ động lập tức hình thành một vành đai bảo vệ các tuyến đường 05, 06 để dân chạy về sơ tán tại pháo đài Đồng Đăng xây dựng từ thời Pháp thuộc.

Tôi tìm thấy bài viết về chiến công của Triệu Quang Điện đăng trên Báo Quân đội nhân dân trong những ngày Tết Kỷ Mùi. Với chiến công xuất sắc trong việc bảo vệ nhân dân, chống địch xâm lấn, Binh nhì Triệu Quang Điện đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. “Anh hùng tuổi 20” là từ mà bà con Lạng Sơn vẫn trìu mến gọi Triệu Quang Điện; còn đối với bọn giang hồ, côn đồ, tội phạm, ông là “mãnh hổ vùng biên ải”. Từng có tên tội phạm rất ngông cuồng, gửi thư đe dọa đại ý sẽ ám sát, trả thù. Rất bình tĩnh và đĩnh đạc, Triệu Quang Điện gửi thư phúc đáp: “Bay sẽ bị tiêu diệt trước khi làm được việc đấy!”. Đó là câu chuyện diễn ra vào Tết Kỷ Tỵ 1989. Năm đầu tiên ra trường, tốt nghiệp Trường Đại học Cảnh sát, Triệu Quang Điện về nhận công tác tại Công an tỉnh Lạng Sơn. Chuyên án này kéo dài suốt Tết, ký ức của người anh hùng về cái Tết năm đó là những đêm trắng. Cuối cùng tên cướp đã bị tiêu diệt vào những ngày xuân chưa tàn. Suốt thời gian 39 năm công tác, Anh hùng Triệu Quang Điện đã phá thành công nhiều vụ án lớn.

Năm 2017, Đại tá Triệu Quang Điện nghỉ hưu trên cương vị Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm, Công an tỉnh Lạng Sơn. Trở về cuộc sống đời thường, ông thanh thản bên người vợ hiền và cháu nội, ngoại. Ông còn có “nghề phụ” là bốc thuốc nam chữa bỏng. Từ dạo nghỉ hưu, ông chữa được cho gần một trăm bệnh nhân, trong đó có cả những em bé chưa đầy tuổi. Khi hỏi ông học được từ đâu cái nghề quý hóa ấy, ông nói là thuốc ấy từ ngày ở quê đã biết rồi. Thuốc toàn lá cây rừng mà phải người rành lắm mới  biết được, vậy nên đến thăm người anh hùng này, nếu có nghe ông vào rừng tìm thuốc thì mọi người cũng không lấy làm lạ.

Bài và ảnh: NGUYÊN PHONG