Từ ngày 21-1 đến 15-2, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) sẽ có hoạt động sắp đặt không gian đón Tết xưa trong ngôi nhà truyền thống Đồng bằng Bắc bộ của người Việt và trưng bày tranh với chủ đề “Hổ” của các họa sĩ Hà Nội.
Tại ngôi nhà di sản (số 87 Mã Mây) sẽ có hoạt động giới thiệu không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa, như: Gói bánh chưng, cúng ông Công, ông Táo và ngày tất niên; giới thiệu nghệ thuật gọt, tỉa và chơi hoa thủy tiên... Trong khi đó, tại không gian bích họa Phùng Hưng sẽ có chợ hoa Tết, giới thiệu một số sản phẩm nghề truyền thống và nghệ thuật thư pháp.
 |
Tái hiện không gian Tết truyền thống tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội. |
Trong những sự kiện kể trên, trưng bày tranh với chủ đề “Hổ” là một hoạt động nổi bật, mới lạ. Theo quan niệm Á Đông, hổ là biểu tượng của phẩm giá, vinh quang sức mạnh, lòng nhiệt huyết và quả cảm. Thông qua trưng bày này, ban tổ chức mong muốn người dân sẽ có cái nhìn khác về con hổ. Không chỉ xuất hiện nhiều trong các tác phẩm mỹ thuật và những bức tranh thờ Hàng Trống, hình ảnh con hổ đi vào nền văn hóa dân gian Việt Nam với những biểu hiện, hình thức phong phú và đặc sắc.
Để bảo đảm quy định phòng, chống dịch Covid-19, chuỗi các hoạt động trên được tổ chức theo hình thức trực tiếp (dành cho thành viên ban tổ chức), tuyên truyền trực tuyến bằng video hình ảnh trên trang hoankiem360.vn và phát trực tiếp trên trang Facebook “Phố cổ Hà Nội”.
Bà Trần Thị Thúy Lan, Phó trưởng ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: “Thông qua hình thức tuyên truyền trực tuyến, chúng tôi mong muốn người dân cả nước hiểu thêm về những nét văn hóa đặc sắc của Tết cổ truyền dân tộc. Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động cũng nhằm tuyên truyền, giáo dục và nâng cao ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên đối với những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông, tích cực tham gia bảo vệ di sản văn hóa của Thủ đô”.
Thời gian qua, ngoài việc lưu giữ, phát huy tốt các di sản, Ban quản lý phố cổ Hà Nội đã có nhiều hoạt động hướng tới việc giáo dục di sản cho học sinh, sinh viên. Theo bà Trần Thị Thúy Lan, trong thời gian tới, Ban quản lý phố cổ Hà Nội sẽ phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm nhằm đưa tiết học di sản vào các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. "Tiết học di sản nhằm tạo hứng thú, kích thích học sinh tìm hiểu thêm về lịch sử, truyền thống văn hóa của mảnh đất ngàn năm văn hiến Thăng Long-Hà Nội", bà Trần Thị Thúy Lan khẳng định.
Bài và ảnh: THANH XUÂN