Con đường ấy lúc nào cũng đẹp, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông đi qua đều gieo nhớ nhung trên từng góc phố. Nhưng có lẽ, đối với những ai đi xa Hà Nội, mùa thu sẽ là mùa nhớ nhất.
Một Phan Đình Phùng trong veo mỗi sớm mai và bảng lảng hoàng hôn qua kẽ lá mỗi khi chiều tà. Đẹp nhất trên con đường ấy phải kể đến đoạn phố giao cắt với đường Hoàng Diệu và đường Lý Nam Đế, nơi tập trung những xe đạp hoa mỗi khi mùa về.
 |
Con đường trải thảm lá vàng mùa thu sang. Ảnh: VŨ ĐẠT |
Đường Phan Đình Phùng mùa thu gợi nhiều vấn vương, thương nhớ. Thu sang, người ta lại muốn được ngắm những chiếc lá vàng rơi xào xạc, thả bộ trên con phố ấy để ngẩn ngơ với những sắc vàng của mùa thu Hà Nội. Con đường “trải thảm” lá vàng phủ bóng tán sấu già tạo nên bức tranh tuyệt đẹp về mùa thu Hà Nội, chẳng thế mà nơi đây đã trở thành điểm “check-in” lý tưởng cho những ai yêu thích vẻ đẹp mộng mơ, quyến rũ của thu Hà Nội.
Những ngày đầu thu, con đường Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu trở nên nhộn nhịp hơn. Những chiếc xe đạp hoa chở theo những đóa hoa đủ sắc màu rực rỡ, chở theo niềm hy vọng cho những người mẹ, người chị bao tháng ngày rong ruổi cùng chiếc xe đạp hoa, mang đến nhiều niềm vui đong đầy trong ánh mắt, trong thần thái của những bạn trẻ.
Thu về trên những tà áo dài thướt tha, trên những “bộ cánh” đẹp nhất, mùa thu về chở những hân hoan, xua tan đi biết bao mệt mỏi, để yêu thương lại về đầy trong mùa nhớ. Các mẹ, các chị dù phải vất vả sớm hôm chở những xe hoa đi bán, nhưng chắc hẳn những lo toan sẽ được vơi bớt khi nhìn thấy người người tấp nập lưu lại những khoảnh khắc tươi đẹp bên những chiếc xe đạp hoa.
Đang đi trên những con phố đông đúc, rẽ vào đường Phan Đình Phùng, một cảm giác dễ chịu xâm chiếm tâm hồn, những xô bồ thường nhật chợt tan biến để nhường lại một không gian của yên bình và yêu thương.
 |
Đường Phan Đình Phùng thu về trên những tà áo dài thướt tha. |
 |
Con đường lưu giữ khoảnh khắc thanh xuân của biết bao bạn trẻ. |
Bạn sẽ còn gặp cả một khung trời tuổi thơ khi thu về trên con đường Phan Đình Phùng thơ mộng, đó là những chiếc xe đạp chở những mẹt quả thị, thứ quả mà thời xưa bọn trẻ con chúng tôi rất thích. Trong ký ức của thế hệ “7X” chúng tôi ngày ấy, những quả thị mang đến thật nhiều niềm vui. Ngoài hít hà hương thơm, quả thị chín còn là món ăn vặt ưa thích, nhớ nhất khi ăn xong, hạt thị sẽ được cạo lớp vỏ bên ngoài, chỉ còn trơ nhân trắng đục để nhai, ấy thế mà chúng tôi đứa nào cũng thấy ngon ơi là ngon. Trái thị thơm đã dệt nên tuổi thơ đáng nhớ của biết bao người.
Những xe thị hôm nay, người đi mua chắc hẳn không phải để ăn, mà có lẽ, họ muốn “mua lại” miền ký ức dịu ngọt. Các mẹ, các chị là những người đang đi “bán ký ức” cho những ai muốn quay trở về một thời tuổi thơ vô lo vô nghĩ, một thời tuổi thơ bên trái thị thơm mọng được bỏ trong chiếc túi tự tết bằng dây dù hoặc dây cước, treo lủng lẳng trên ghi đông xe đạp…
 |
Trái thị thơm đã dệt nên tuổi thơ đáng nhớ của biết bao người. |
Không chỉ thế, đường Phan Đình Phùng còn là con đường của những hàng sấu cổ thụ. Những hàng sấu già đứng đó, mang bóng mát che rợp con đường. Nhớ mỗi mùa sấu đến, khung cảnh con đường càng trở nên lãng mạn hơn. Bên đường, bạn sẽ mua được một vài túi sấu. Sấu chín, sấu xanh đều có vị ngon riêng của nó.
Chợt nhớ người bạn của tôi, một thời sinh viên sống ở Hà Nội, giờ quay về quê nhưng lúc nào cũng nhớ đến mùa sấu Hà Nội, nhớ đến con đường Phan Đình Phùng chở đầy ước mơ của tuổi trẻ. Mỗi mùa sấu đến, tôi lại gửi về tặng bạn, dù giá trị vật chất không nhiều, nhưng đó là cả một trời ký ức tuổi xuân của chúng tôi. Mỗi ngày đi làm qua trên con đường ấy, cảm xúc chợt về trong tiếng lá sấu nhẹ rơi…
 |
Di tích Cửa Bắc tọa lạc trên đường Phan Đình Phùng. |
Đường Phan Đình Phùng còn nổi tiếng với Di tích Cửa Bắc, là một trong những địa điểm quan trọng thuộc Hoàng thành Thăng Long. Đây là điểm đến ý nghĩa đối với du khách mỗi dịp đến với Thủ đô. Di tích gắn liền với tên tuổi của hai vị Tổng đốc là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu, những người đã anh dũng chỉ huy quân và dân Hà Nội trong cuộc chiến giữ thành Hà Nội.
"Thương hiệu" mùa thu Hà Nội dường như đã “ăn” sâu vào tiềm thức của những người đã từng "đi qua" mùa thu ở Hà Nội. Và những con đường Hà Nội mùa thu còn se duyên cho những đôi lứa bằng những điều giản dị: Có phải em mùa thu Hà Nội/ Ngày sang thu anh lót lá em nằm…
Đi xa, người ta vẫn luôn nhớ về những mùa thu ấy, những mùa thu dịu ngọt trên những con đường của Hà Nội, nơi mà sự đẹp đẽ đã đi vào thơ ca: Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng/ Cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau/ Phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu/ Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội/ Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió/ Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ/ Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua.
 |
Đường Phan Đình Phùng với hai hàng sấu cổ thụ cùng trên một vỉa hè. |
Mùa thu về trên con đường Phan Đình Phùng như đan dày thêm những tháng ngày tươi đẹp, để sau này, khi thế hệ “gen Z” già đi, họ lại bắt đầu kể với con cháu của mình về một thời thanh xuân rạng rỡ, về những khoảnh khắc thu được lưu lại trên con đường Phan Đình Phùng rợp bóng cây. Và cứ thế, thế hệ tiếp nối nhau dệt nên “hoa gấm” trên con đường thật đặc biệt với hai hàng sấu cổ thụ cùng trên một vỉa hè.
Một mùa thu nữa lại về trên phố, giữa những ồn ào, náo nhiệt của thủ đô, tôi vẫn đi trên con đường ấy, ngắm nhìn những xe đạp hoa sắc màu rong ruổi, để cảm nhận sắc thu Hà Nội với những bình yên, dịu dàng…
Tản văn của TƯỜNG VY
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.