 |
Ảnh minh hoạ: internet |
QĐND- Rất lâu nay và rất thường xuyên người Hà Nội tự hào về phố. Chắc không hẳn chỉ là ba mươi sáu phố cổ nhưng tuyệt đối không thể là những phố mới vừa được xây đang ngông nghênh trọc phú. Nó chằn chặn lổn nhổn những ngôi nhà không cá tính sáng choang bê tông. Người ở Tràng An cũ kỹ vẫn quen gọi những phố ấy là đường. Và ở những đường ấy hầu như không có ngõ, chỉ có ngách. Bây giờ, Hà Nội vẫn giữ được là Hà Nội là nhờ những ngõ.
Vào Thu, lá vàng rơi đầy ngõ nhỏ, kiểu như ngõ Lý Thường Kiệt đoạn gần phố Hỏa Lò. Thỉnh thoảng mặt lá lại lấp xấp lăn theo gió heo may làm nền cho những vời vợi mấy cành cơm nguội gầy guộc đã chun chút một ít lá xanh non buồn bã in lên bầu trời vẩn mây nhấp nhô mái phố xám trĩu. Phố để người Hà Nội tha thiết nhớ thường có dáng dấp đã nằm ở thơ của thi sĩ lao đao đi bộ Phan Vũ, hoặc ở tranh sơn dầu của ông họa sĩ còm sống trên gác xép nhà lòng ống Thuốc Bắc Bùi Xuân Phái. Phải như thế thì những người quê không Hà Nội mới lãng đãng xúc động cảm được cái mái ngói âm dương thảm nâu bên cạnh cây bàng sót vài lá đỏ của buổi tàn thu hồ Tây phía đầu Yên Phụ. Những phố như vậy ở Hà Nội bây giờ hiếm lắm. Xót xa hoài nhớ phố cổ những người Hà Nội cũ khó tính đành phải ở giật lùi vào ngõ.
Ngõ ở Hà Nội tuyệt đối khiêm nhường. Nó mảnh dẻ lưa thưa cây nối vào hai hoặc ba phố lớn. (Những ngõ loằng nhoằng dài kiểu như ngõ Văn Chương ở phố Khâm Thiên hay cụt ngủn như ngõ Hàng Chỉ ở phố Hàng Hòm thường không có nhiều). Tên ngõ Hà Nội phong phú đa dạng, cũng có khi đặt theo tên phố, ví như ngõ Huế ở phố Huế, ngõ Nhà Chung ở phố Nhà Chung nhưng đa phần không thèm a dua ví như ngõ Hàng Hành ở phố Bảo Khánh ngõ Tạm Thương ở phố Hàng Bông. Nhân nhắc tên ngõ này lại nhớ một hàng phở khoảng thập niên bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước. Cái quán phở của thời bao cấp ấy đúng ra là gánh có đóng quầy gắn bánh xe chuyên bán phở tái. Thịt bò đỏ tươi băm nhuyễn miết theo bản rộng dao hắt lên mặt sợi phở to thái tay rắc hành tây rồi mới chan nước dùng trong sôi đậm. Ông chủ phở kinh niên đau mắt hột, một đứa con đích thực của văn hóa ngõ. Vô phúc cho ai vào quán ông gọi phở gà. Cũng ở ngõ đó có hàng xôi thịt kho Tàu của một bà răng đen ngon lạ lùng, cách đây dăm năm không thấy còn có bán.
Ẩm thực trong ngõ tinh tế không kém gì ngoài phố, chưa kể nó còn thú vị và phóng khoáng hơn vì ít bị công an giao thông thu giữ ghế bàn. Những kẻ sành điệu nông nổi thường tỏ ra huênh hoang về cái ăn mặt phố. Bọn họ không kịp nhớ rằng thật ra cái gọi là phố văn hóa ẩm thực của Hà Nội khởi nguyên từ thói quen ăn đêm của dân chơi khuya đến ngõ Cấm Chỉ đầu phía Hàng Bông lờ ra vườn hoa Cửa Nam. Giờ đây, người đích đáng ở Hà Nội đến đây ăn rất thưa và những lúc nhộn nhịp nhất là ồn ào mấy xe du lịch chen chúc người tứ xứ. Chính giữa khu phố này hơn hai chục năm trước có một hàng mì vằn thắn rất biết nấu, sau đấy lưỡng lự chuyển sang bán bánh cuốn. Đại loại giống như văn học trên mạng internet, mì và bánh cuốn chỉ còn hay hay chứ không tuyệt vời chót vót.
Dân Hà Nội sống lâu trong ngõ đều có một phong thái rất riêng. Người ở trong một ngõ đa phần biết nhau. Đầu ngõ cuối ngõ chuyện trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã tường. Chính vì thế người ở ngõ đôi khi có cãi nhau nhưng vẫn luôn thảng thốt biết thương nhau. Nhân văn làm sao là sau những xô xát với hàng xóm tưởng mất mặn mất nhạt người trong ngõ nhỏ đến lúc giỗ chạp lễ tết hiếu hỉ, tuy hơi ngượng nghịu, nhưng vẫn lò dò cầm chai rượu sang nhà nhau chén chú chén anh. Một hành vi trong trắng cao thượng của văn hóa sám hối. Những căn nhà mặt phố lạnh lẽo sẫm mầu tiền lấy quái đâu ra cái ấm cúng của tình người ấy. Bài thơ đậm đà chất sến “Người hàng xóm" của thi sĩ dày chất ngoại ô Nguyễn Bính không có chỗ ở mặt tiền. Thanh niên ở phố bây giờ quên hẳn cái kiểu yêu nhà nàng ở cạnh nhà tôi, nên khi tranh chấp vài mi-li-mét vuông xây dựng họ ngấm ngầm đem “thằng hàng xóm” lạnh lùng kiện thẳng ra công đường.
Rất nhiều hào hoa và tài năng của Hà Nội ở ẩn trong ngõ nhỏ. Sẽ rất không nên kể vì đích thực văn hóa ngõ ghét sự phô phang. Nhưng có điều này thì cần phải nhắc, trong mọi ngõ đều rất đông nhà thơ, nhà văn và nhà giáo, hai trong vài kiểu nghề xưa cũ có truyền thống tử tế. Có phải thế chăng mà giá ngõ Hà Nội những năm gần đây lên hơn hai cây một mét. Ngõ Hà Nội là phần hồn sâu của phố Hà Nội. Với cái kiểu xây dựng ồn ào thời nay, chắc chừng mươi năm nữa những người hoài cũ chỉ còn thấy trầm lắng hình hài phố của Thăng Long cổ khi đi ngang qua những ngõ.
Trần Khôi Việt