Nhà nghệ nhân Nguyễn Lành nằm yên bình ở cuối con đường nhỏ. Ở tuổi 87, nhưng trông lão nghệ nhân vẫn khỏe khoắn và minh mẫn lắm. Khi chúng tôi hỏi chuyện về gốm Thanh Hà, đôi mắt của ông bỗng sáng lên lạ thường. Nhấp ngụm nước chè, nghệ nhân Nguyễn Lành chia sẻ: “Khi còn là một đứa trẻ, tôi cùng lũ bạn hay ra đồng vắt những khối bùn đất non rồi học theo người lớn nhào nặn heo đất, tò he, đồ chơi... Đó vừa là thú vui, vừa là dịp để chúng tôi thi thố xem ai khéo tay hơn. Lớn thêm chút nữa, hễ ai chỉ bảo thêm gì về nghề là tôi ham lắm”.

leftcenterrightdel
Nghệ nhân Nguyễn Lành (bên trái) đau đáu với nghề gốm truyền thống Thanh Hà. 

Không có một văn tự, văn bản nào ghi chính xác thời điểm gốm Thanh Hà ra đời. Theo lời kể của ông cha thì vào khoảng thế kỷ 16 hoặc 17, những người thợ thủ công từ Nghệ An, Thanh Hóa vào Thanh Hà lập làng, xây dựng nên nghề gốm và truyền lại cho con cháu đến ngày nay. Sản phẩm chính của làng là gốm thô, nung không men với các loại như: Nồi, chậu, ấm, hũ, cối, chum vại, bình hoa… Thời thịnh, nhà nhà người người dùng đồ gốm Thanh Hà như một vật dụng không thể thiếu. Có thời điểm, gốm Thanh Hà xuất hiện ở mọi ngõ ngách ở Quảng Nam và một số tỉnh lân cận. “Thân em như gái Thanh Hà/ Như chiếu Bàn Thạch trải đà khắp nơi”, nghệ nhân Nguyễn Lành ngân nga câu thơ về gốm Thanh Hà thời thịnh.

Gốm Thanh Hà từng có thời điểm ngồi "chung mâm" với gốm Bát Tràng (Hà Nội) và gốmThổ Hà (Bắc Giang). Nhưng theo sự phát triển của xã hội, các vật dụng sinh hoạt được làm bằng gốm Thanh Hà dần bị các vật dụng bằng nhôm, nhựa, inox… thay thế. Thời gian qua, nhờ sự nỗ lực của cơ quan chức năng, làng gốm Thanh Hà đã chuyển mình thành địa điểm du lịch, thu hút du khách đến tham quan. Những sản phẩm được tạo ra từ đôi tay mềm mại của thợ lành nghề luôn mang hồn cốt, phong cách, sự tinh xảo riêng mà không một khuôn mẫu nào có thể bắt chước. Nghệ nhân Nguyễn Lành là một trong số ít người ở làng gốm Thanh Hà vẫn giữ được phương pháp làm gốm bằng tay truyền thống. “Ngày nào tôi cũng làm gốm, vừa là giữ lấy nghề và vừa để thể hiện tình yêu với gốm Thanh Hà. Mỗi ngày tôi kiếm được ngót nghét trăm nghìn đồng, tuy không nhiều nhưng cũng đủ để trang trải sinh hoạt”, nghệ nhân Nguyễn Lành cho biết.

Nhìn những vật dụng gốm được làm bằng tay rất đẹp mắt, chúng tôi ngỏ ý muốn được xem kỹ thuật làm gốm truyền thống Thanh Hà. Không chút do dự, nghệ nhân Nguyễn Lành xắn tay áo và bắt đầu nhào, nặn. Chỉ trong phút chốc, lão nghệ nhân này đã làm ra một chiếc bình hoa rất đẹp khiến chúng tôi vỗ tay tấm tắc. Đột nhiên, lão nghệ nhân như chạnh lòng: “Cô cậu khen đẹp mà có ai chịu giữ lấy nghề đâu. Nhà tôi có 4 người con nhưng chẳng đứa nào muốn làm gốm. Cháu chắt đi học xong rồi tìm việc làm ở cơ quan, xí nghiệp, làm công nhân”. Chúng tôi an ủi nghệ nhân Nguyễn Lành và hỏi: “Ông có muốn truyền nghề cho người ngoài không?”. “Tôi rất sẵn lòng. Nhưng ai chịu học bây giờ? Nghề này vất vả, khó học, thu nhập thấp nên mấy người trẻ không chịu nối nghề đâu”, giọng nghệ nhân Nguyễn Lành chùng xuống, đôi mắt nhìn xa xăm. Phía bên kia sông Thu Bồn, mặt trời sắp xuống núi...

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG, PHƯƠNG THẢO