PGS, TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tuy có được lớp nghệ sĩ mới tài năng, nhưng sân khấu nghệ thuật truyền thống vẫn đang đối mặt với nguy cơ thiếu lớp kế cận nhỏ tuổi hơn cho tương lai. Để duy trì đam mê, nhiệt huyết với nghề, ngoài sự nỗ lực của nghệ sĩ, các thế hệ đi trước truyền lửa, còn cần nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách thiết thực, cụ thể cho nghệ thuật truyền thống.

Thời gian tới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị cơ quan, đơn vị chức năng phụ trách các đơn vị nghệ thuật tiếp tục quan tâm, bồi dưỡng, đào tạo những lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ tài năng làm lực lượng kế cận. Cục Nghệ thuật biểu diễn cần tích cực nghiên cứu, tham mưu cơ chế, chính sách cải thiện chế độ đãi ngộ đối với nghệ sĩ, diễn viên nghệ thuật truyền thống; mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật biểu diễn cho diễn viên; xây dựng đề án, đặt hàng vở diễn cho các đơn vị nghệ thuật truyền thống; tăng cường tổ chức các cuộc thi tìm kiếm tài năng cho nghệ thuật truyền thống để họ được tiếp thêm động lực cống hiến, tỏa sáng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông. 

NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam: “Thầy già, con hát trẻ” vốn là đặc thù của nghệ thuật truyền thống nói chung. Nhưng hiện nay sân khấu Việt Nam đang đối diện với chuyện “tre già” nhưng “măng chưa mọc” và chỉ mươi năm nữa sẽ có nguy cơ đứt nguồn. Thời gian qua có quá nhiều chính sách thay đổi từ đào tạo tới biên chế, sáp nhập tại các đơn vị nghệ thuật địa phương khiến cho nhiều tài năng sau khi ra trường, định biên của nhà hát không tăng, hợp đồng cũng không được ký; chưa kể, nếu có được ký hợp đồng thì nhà hát cũng không đủ sức để chi trả lương cho các em. Từ đó, nhiều nhà hát buộc phải chấp nhận mất đi thế hệ kế cận đầy nhiệt huyết và tài năng. Muốn văn hóa phát triển thì phải có con người.

Vì vậy, ngành sân khấu rất cần đến sự quan tâm, đầu tư hơn nữa và có các cơ chế đặc thù theo đặc thù của nghệ thuật biểu diễn sân khấu, bảo đảm đời sống, giảm bớt khó khăn cho nghệ sĩ. Sân khấu nghệ thuật truyền thống càng bị đẩy vào thế khó, người làm sân khấu càng phải dẹp bỏ tư tưởng than vãn, mà bắt tay vào thực hiện ngay những việc cần thiết, vận dụng nhiều sáng tạo độc đáo, đưa sân khấu trở lại với những đêm diễn chật kín khán giả như sân khấu thời hoàng kim, trong đó có số đông khán giả trẻ.

Với cách làm mới trong đề án tiếp cận khán giả trẻ, các chương trình “Sân khấu học đường” cần được đầu tư, chăm chút đúng với tiêu chí của từng vùng, miền, đồng thời các đơn vị nghệ thuật sẽ dàn dựng tác phẩm đúng chuẩn dành cho khán giả trẻ, hướng đi này sẽ giúp nghệ thuật sân khấu tăng cường phát triển nguồn lực khán giả trẻ, bởi đây là tương lai của mỗi loại hình nghệ thuật sân khấu.

NSND Trịnh Thúy Mùi. 

NSƯT, nhạc sĩ Hoàng Trọng Cương, Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế: Để có nguồn lực tài năng trẻ, kinh nghiệm của Nhà hát chúng tôi là vận động các nghệ sĩ, diễn viên trong đoàn giới thiệu con, cháu trong gia đình có năng khiếu sẽ được ưu tiên nhận vào các lớp truyền dạy. Bên cạnh việc học, trong chương trình biểu diễn sẽ cho các tài năng thực hành biểu diễn cùng với các thế hệ đi trước để trong tương lai gần họ là những người kế cận cho các loại hình diễn xướng truyền thống. Có nguồn tài năng thì chỉ yên tâm một phần, phần nữa chúng tôi cũng quan tâm tới lớp khán giả kế cận.

Thành phố Huế có lợi thế về hoạt động biểu diễn, nhưng lại chỉ phục vụ du khách. Còn đối tượng khán giả trẻ, khán giả tại chỗ lại chưa thu hút được. Vậy làm thế nào để đào tạo được thế hệ khán giả kế cận? Nói đào tạo khán giả nghe có vẻ vô lý nhưng thực sự cần thiết. Vì sao sân khấu nghệ thuật truyền thống thời kỳ trước phát triển rực rỡ như thế? Là vì chúng ta có khán giả yêu mến, ủng hộ. Nhưng đến nay, thế hệ khán giả ấy cũng đã “già” theo thời gian.

Bạn trẻ hôm nay sở dĩ không thích nghệ thuật truyền thống, ngoài nguyên do từ việc du nhập của các loại hình văn hóa hiện đại trên thế giới thì căn cơ chính là việc bạn trẻ xa lạ với nghệ thuật truyền thống. Vậy nên, việc đưa nghệ thuật truyền thống vào học đường là điều cần thiết, được Nhà hát quan tâm và đang triển khai tới các trường học.

 NSƯT, nhạc sĩ Hoàng Trọng Cương.

NSƯT Lộc Huyền, Trưởng đoàn Thể nghiệm, Nhà hát Tuồng Việt Nam: Xem các bạn trẻ diễn trên sân khấu thấy rất mừng, xúc động. Các bạn đã tiếp tục kế nhiệm được lớp trước, điều đáng mừng, mặc dù nghề khó khăn nhưng các bạn đã rất năng động để dàn dựng, sáng tạo nhiều kịch mục diễn phục vụ khách du lịch, biểu diễn online hoặc làm các sản phẩm nghệ thuật truyền thống phát trên YouTube, đam mê bám trụ và yêu nghề.

Nhưng từ cuộc thi thấy rõ sự thiếu hụt trầm trọng đội ngũ tài năng nghệ thuật tuồng. Rất mong Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục tổ chức phối hợp giữa Nhà hát và các trường nghệ thuật để tuyển người, đào tạo truyền nghề để các nhà hát có đội ngũ kế cận duy trì, phát triển nghệ thuật truyền thống. Nếu tình trạng như thế này, 3 năm nữa tổ chức cuộc thi sẽ rất ít tài năng, thiếu vắng nguồn nhân lực.

NSƯT Lộc Huyền. 

CHÂU XUYÊN - MINH ANH (thực hiện)