Cô cháu gái gạt màn hình nghe máy: “A lô! Tớ đây. Hôm nay các cậu cứ ra shop đi, đang sale đấy. Nhà tớ có khách không đi được với các nàng nhé. Bye bye!”. Cả nhà ngồi lặng vài phút nghe cháu gái nói chuyện, chắc là bạn bè rủ đi chơi gì đó nhưng vì có khách nên đành từ chối. Câu chuyện lại rôm rả, cô cháu nhanh miệng khoe: “Hôm nay bà đến chơi, con đặt online vài thứ, họ sẽ ship hàng đến nhà ạ”.

Học sinh luyện viết chữ. Ảnh minh họa: TTXVN 

Mẹ tôi nghe loáng thoáng câu được câu chăng liền hỏi lại. Tôi giải thích rằng, cháu đặt hàng trực tuyến bằng điện thoại, không phải đi đâu, cửa hàng sẽ mang đến tận nhà. Lúc đó, mẹ tôi mới cất tiếng khe khẽ: “À ra thế”. Các cháu thỉnh thoảng lại xen vài ba tiếng nước ngoài vào thành thử câu chuyện giữa bà và cháu đôi lúc phải ngừng lại để tôi giải thích.

Tôi bảo giờ bọn trẻ thế đấy, ngoài ngoại ngữ, còn tiếng lóng, rồi ngôn ngữ trên mạng xã hội, nhiều khi thấy các cháu nói chuyện bằng ngôn ngữ riêng rồi cười phá lên khiến người nghe chẳng hiểu đang nói điều gì.

Hôm đến cơ quan, tôi gặp một cậu đồng nghiệp đã du học ở Mỹ 3 năm. Mặc dù vốn ngoại ngữ rất tốt nhưng cậu chỉ sử dụng vào công việc chuyên môn và giao tiếp với người nước ngoài, còn lại trong đời sống hằng ngày, chẳng bao giờ tôi nghe thấy nói kiểu “nửa nạc nửa mỡ” chêm một vài từ tiếng Anh vào những câu hội thoại tiếng Việt.

Cậu ấy bảo ngày trước học bên nước ngoài thèm nói tiếng Việt lắm, nhưng vì yêu cầu nâng cao trình độ tiếng Anh nên rất hạn chế sử dụng tiếng mẹ đẻ, nay trở về nước được nói thoải mái sao cứ phải cài thêm ngoại ngữ vào cho phức tạp.

Thực tế hiện nay, trong giao tiếp hằng ngày và khi sử dụng mạng xã hội, một số bạn trẻ hay sử dụng tiếng Việt, tiếng Anh đan xen. Nhiều từ do quen miệng được dùng vô tư như: Selfie, MC, online, ship, homestay, fan, show, thanks...

Có bạn cho rằng thỉnh thoảng nói một vài từ tiếng Anh để chứng tỏ là người trẻ trung, hiện đại, hiểu biết. Một số bạn trẻ coi việc nói chêm tiếng nước ngoài để câu chuyện thêm “sang”, thể hiện “đẳng cấp” cao, tỏ ra “nguy hiểm” hơn. Thế nhưng “đẳng cấp”, “nguy hiểm” đâu chẳng thấy mà chỉ khiến người nghe khó hiểu, gây tâm lý khó chịu, thậm chí còn phản cảm...

Giao tiếp để truyền tải thông tin, thông điệp giữa người nói với người nghe thông qua ngôn ngữ. Tuy vậy, việc sử dụng đan xen ngôn ngữ không đúng đối tượng, không phù hợp với hoàn cảnh sẽ gây ra sai lệch, khó hiểu, không đạt được mục đích giao tiếp. Không thể phủ nhận một số từ nước ngoài được sử dụng phổ biến rộng rãi, nhiều người đã hiểu được ý nghĩa của từ đó. Tuy nhiên, còn rất nhiều từ khi chêm vào kiểu “xôi đỗ” sẽ gây ra khó hiểu cho người nghe, khiến ngôn ngữ bị méo mó, biến dạng.

Việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trong thời đại công nghệ số, mạng xã hội phát triển là điều rất cần thiết. Thực tế tiếng Việt rất giàu và đẹp, có đủ từ ngữ để biểu đạt suy nghĩ, tình cảm của con người, gọi tên các sự vật, sự việc...

Chính vì vậy, các bạn trẻ nên lựa chọn ngôn ngữ sao cho phù hợp với hoàn cảnh và đối tượng tiếp nhận, luôn giữ gìn "lời ăn tiếng nói" hằng ngày khi giao tiếp, ứng xử trong cộng đồng. Giáo sư Đặng Thai Mai từng nói: Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc. Thế hệ trẻ chung tay gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt cũng chính là bảo vệ nét đẹp văn hóa truyền thống, phát huy cội nguồn sức mạnh của dân tộc Việt Nam.

VŨ DUY