Quân đội là trường học lớn để thanh niên rèn luyện. Vào quân ngũ, mỗi chiến sĩ tự ghép mình vào kỷ luật, điều lệnh, điều lệ của quân đội, hình thành cho mình những chuẩn mực của người quân nhân cách mạng… Nhiều quân nhân có nhận thức đúng đắn, tự giác rèn luyện ngay từ đầu, mọi lúc, mọi nơi, phấn đấu trở thành quân nhân tốt, chiến sĩ tiêu biểu của đơn vị…
Tuy nhiên, một số chiến sĩ chưa tự giác rèn luyện, từ bỏ những thói quen xấu… Tình trạng quân nhân văng tục, chửi thề vẫn còn, ngay cả nơi đông người, trong giờ giải lao, vui chơi, thi đấu thể thao... Lúc đầu, có thể chỉ là những câu nói “lỡ mồm” của một số quân nhân trong giao tiếp, trao đổi, trò chuyện… Tuy nhiên, do cán bộ không chú ý chấn chỉnh, nhắc nhở kịp thời, để trở thành thói quen xấu khó sửa. Thói xấu này từ một số ít quân nhân, trong quá trình học tập, huấn luyện, giao tiếp… có xu hướng “lây lan”, ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng nếp sống văn hóa, chuẩn mực đạo đức của quân nhân. Có trường hợp do những lời cãi cọ, văng tục, chửi thề của chiến sĩ mà dẫn đến các vụ việc mâu thuẫn, mất đoàn kết trong đơn vị, thậm chí xô xát đáng tiếc.
Hầu hết các đơn vị, khi đón nhận chiến sĩ mới, cán bộ đều hướng dẫn tỉ mỉ cách xưng hô, chào hỏi đúng điều lệnh. Khi bắt gặp quân nhân phát ngôn thiếu chuẩn mực, chỉ huy giáo dục, nhắc nhở ngay, nếu tái phạm, có hình thức xử lý kỷ luật.
Khó chấp nhận những quân nhân mang mặc, tác phong chỉnh tề, lại phát ngôn thiếu văn hóa. Văng tục, chửi thề là thói quen xấu mà một số thanh niên đã mắc phải, “quen miệng” từ trước khi nhập ngũ, nhưng không phải không sửa được. Ở đây, có phần trách nhiệm không nhỏ của chỉ huy các cấp trong việc giáo dục, nhắc nhở thường xuyên. Khi chỉ huy sâu sát, chấn chỉnh kịp thời, gắn với xây dựng nếp sống đẹp, môi trường văn hóa trong đơn vị, thì những thói quen xấu trên sẽ dần hạn chế, tiến tới không còn “đất” tồn tại trong đơn vị và tập thể quân nhân…
DƯƠNG HẢI THÔNG (Hà Đông, Hà Nội)