Giữa bao thử thách của nhịp sống hiện đại, vẫn có những người trẻ kiên trì vun đắp và giữ gìn di sản ấy, như một mạch nguồn chảy mãi không ngừng.
Câu ca dẫn lối về làng
"Hỡi cô thắt cái bao xanh
Có về Chuôn Ngọ với anh thì về
Chuôn Ngọ có cây bồ đề
Có sông tắm mát có nghề khảm khay".
Từ xa xưa, những câu ca dao bình dị cứ thế theo chân người Việt len lỏi vào từng ngõ xóm, thôn quê, nhẹ nhàng mà thấm sâu vào ký ức của bao thế hệ. Nhắc đến làng Chuôn Ngọ (xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), người ta không khỏi nhớ ngay đến nghề khảm trai đã làm nên tên tuổi cho một vùng quê yên ả ven đô.
Có lẽ, chính sự êm đềm ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn người thợ, để mỗi sản phẩm khảm trai đều đậm hồn cốt quê hương. Nguyễn Thanh Tuấn, một nghệ nhân trẻ ở Chuôn Ngọ đã và đang tiếp nối di sản cha ông bằng tình yêu mãnh liệt với từng mảnh trai óng ánh sắc màu, dung hòa giữa truyền thống và hơi thở hiện đại.
Sinh ra trong gia đình nhiều đời làm nghề khảm trai, từ nhỏ, Tuấn đã quen với tiếng lách cách của dùi, của đục, quen với mùi vỏ trai ngai ngái và những miếng vỏ ốc lấp lánh sắc màu nằm la liệt trên nền nhà. Anh lớn lên trong tiếng thở dài đầy ưu tư của những người cao tuổi khi làng nghề dần mai một, nhưng cũng lớn lên trong sự kiên nhẫn, bền bỉ của cha ông, quyết giữ nghề bằng mọi giá.
13 tuổi, Nguyễn Thanh Tuấn bắt đầu cầm trên tay những dụng cụ đầu tiên, được cha chỉ dạy từng nét khảm vụng về. 25 năm ròng, anh đi qua bao thăng trầm cùng nghề, nếm trải đủ cung bậc cảm xúc vui buồn.
 |
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn.
|
Hiểu rằng sống còn với nghề phải có cách làm khác biệt, anh tìm hướng đi mới cho chính mình. Sản phẩm khảm trai của anh giờ đây không chỉ đơn thuần mang vẻ đẹp truyền thống, mà được chăm chút kỹ càng hơn, tinh xảo hơn, hướng tới nhóm khách hàng có gu thưởng thức cao cấp. Đôi bàn tay tài hoa của người nghệ nhân trẻ cũng không ngần ngại tận dụng những lợi thế của thời đại số để lan tỏa nghề truyền thống.
Anh từng gặp không ít khó khăn khi bắt đầu tập quay video, quảng bá sản phẩm trên các mạng xã hội như Youtube, Tiktok. Nhưng chính bước đi táo bạo ấy đã giúp các tác phẩm khảm trai của Tuấn vượt khỏi ranh giới làng quê, vươn xa vào thị trường rộng lớn của internet. Không chỉ thu hút hơn 13.000 lượt đăng ký, hàng nghìn lượt xem mỗi video, điều quý giá hơn cả là Tuấn đã tìm được cách âm thầm “giữ lửa” nghề truyền thống mà cha ông nhiều đời vun đắp. Tuấn tâm sự: “Khảm trai là nghề của tổ tiên, chúng tôi chỉ là người tiếp bước. Việc của thế hệ tôi là giữ nghề, truyền nghề và đưa giá trị ấy đi xa hơn giữa thời đại mới”.
Tinh hoa từ những mảnh trai
Để làm ra một sản phẩm khảm trai thực sự có hồn, có thần là cả một hành trình dài đầy kỳ công và nhẫn nại của người thợ. Dưới bàn tay tài hoa của Nguyễn Thanh Tuấn, mỗi mảnh trai, từng vụn ốc đều trở thành chất liệu sống động để anh kể câu chuyện văn hóa, gửi gắm thông điệp nghệ thuật đầy ý nghĩa.
Theo lời anh Tuấn, khảm trai không đơn thuần là nghề thủ công kỹ thuật, nó đòi hỏi người thợ phải có con mắt của họa sĩ, cảm nhận sâu sắc về sắc độ, đường nét và bố cục. Từ bước đầu chọn lựa chất liệu gỗ phù hợp, cho đến thiết kế mẫu mã, tạo dáng sản phẩm đều là những công đoạn đòi hỏi óc sáng tạo và tính kiên trì rất cao. Mỗi tác phẩm, dù lớn hay nhỏ đều phải trải qua hàng loạt công đoạn phức tạp: Cưa, cắt, tạo hình, rồi khảm các mảnh ốc nhỏ bé vào khung gỗ một cách tỉ mẩn. Khâu đục, vạch dùi để tạo ra đường nét, hình khối cũng phải được thực hiện cẩn trọng, chi tiết, không sai lệch dù chỉ một chút.
 |
Dụng cụ chế tác những tác phẩm khảm trai. |
Đặc biệt, trong quá trình chế tác, người thợ phải khéo léo điều chỉnh độ sâu, độ nổi chìm của từng mảnh ốc, tạo hiệu ứng ánh sáng đa chiều. Khi các chi tiết khảm đã được sắp xếp hài hòa, nghệ nhân sẽ tiến hành phủ lên sản phẩm một lớp sơn nền màu tối để làm nổi bật vẻ đẹp lấp lánh, huyền ảo của vỏ trai. Bước cuối cùng là đánh bóng bằng sáp hoặc dầu chuyên dụng, để bức tranh thực sự tỏa sáng với những gam màu tinh tế, rực rỡ nhất.
Anh Tuấn tự hào nhất là chiếc đĩa khảm trai mang chủ đề "Bát tiên quá hải", hiện được định giá khoảng 95 triệu đồng. Tác phẩm có đường kính chỉ hơn 40cm, nhưng từng chi tiết nhỏ đều được trau chuốt đến hoàn mỹ, từ đường nét biểu cảm của nhân vật cho đến làn sóng nước sinh động, chân thực như đang lay động trước mắt người xem. Tác phẩm ấy, ngoài giá trị vật chất, còn chứa đựng cả tâm hồn, tinh thần của người nghệ nhân, là biểu tượng cho sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, kỹ thuật và cảm xúc.
 |
Tác phẩm “Bát Tiên quá hải”. |
“Có thể công nghệ hiện đại sẽ hỗ trợ cho người nghệ nhân làm nhanh hơn, tốt hơn ở một vài công đoạn, nhưng để sản phẩm thực sự có thần thái riêng, thì luôn cần bàn tay người thợ. Đó mới là cái hồn của nghề khảm Chuôn Ngọ”- anh Tuấn khẳng định.
Cứ như vậy, từng mảnh trai, từng vụn ốc qua đôi bàn tay Nguyễn Thanh Tuấn và những người thợ làng Chuôn Ngọ vẫn đang kể tiếp câu chuyện về một nghề thủ công đầy tự hào. Giữa những biến động của thời đại số, nhiều người lo nghề khảm trai sẽ khó lòng trụ vững nhưng Nguyễn Thanh Tuấn nghĩ khác. Với anh, nghề truyền thống giống như cây lâu năm, chăm sóc đúng cách thì cây sẽ tiếp tục đơm hoa, kết trái. Tuấn hiểu rằng nghề phải được nuôi dưỡng trong tâm hồn thế hệ trẻ, như chính anh từng yêu từng miếng ốc, từng nét khắc chạm từ thuở bé.
Anh dự định tổ chức thêm nhiều buổi giao lưu tại làng nghề để người trẻ tận mắt cảm nhận sự kỳ công trong từng tác phẩm. Đồng thời, Tuấn cũng xem livestream và bán hàng trực tuyến là chìa khóa để lan tỏa sản phẩm khảm trai Chuôn Ngọ ra thế giới.
“Nghề nào cũng cần ý chí và tinh thần bền bỉ”, anh nhẹ nhàng tâm sự. “Giữ được hồn cốt của nghề mới là điều quan trọng nhất”. Và chắc chắn, với tâm huyết ấy, Tuấn cùng những người trẻ làng Chuôn Ngọ sẽ giữ được nghề, để di sản cha ông mãi óng ánh sắc màu trong từng tác phẩm khảm trai.
Nghệ nhân Nguyễn Thanh Tuấn tên khai sinh là Nguyễn Văn Thanh. Anh được công nhận là Hội viên Hiệp hội làng nghề Việt Nam và được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” năm 2018.
|
Bài và ảnh: NGUYỄN LAN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.