Vào những ngày xuân, khi mở hội, người ta thường hát trống quân sau phần lễ đình cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. So với những vùng miền khác, lề lối hát trống quân ở Khánh Hà đặc biệt hơn ở chỗ kép hát luôn tuân thủ chặt ở các chặng hát. Đó là, chặng chào hỏi mở đầu, chặng đối đáp tâm tình, chặng hát hẹn giã biệt. Với họ, hát trống quân đã trở thành nét văn hóa đẹp, là chất keo kết nối tình làng nghĩa xóm. Nói về hát trống quân, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Điệp, xã Khánh Hà cho biết: “Người hát hay được chọn làm người đứng đầu, biết vận những câu thơ và bài thơ đó phải dí dỏm để khêu gợi người bên nam, bên nữ hát trả lời nhau. Từ năm 2018 đến nay, chúng tôi đã dạy được 20 lớp và lưu lại được hơn 200 làn điệu hát xã Khánh Hà để lưu truyền, bảo tồn truyền thống của cha ông”.

   Làn điệu trống quân được người dân xã Khánh Hà trao truyền, gìn giữ. 

Được lựa chọn vào đội hát là những nam thanh, nữ tú hát hay, có tài ứng biến. Mỗi nhóm tham gia hát có từ 5 đến 7 người. Nhạc cụ cho lối hát này rất đơn giản, chỉ cần một chiếc thùng gỗ úp ngược trên một tấm gỗ dài giữa sân đình, căng một sợi dây mây rất săn trên một chiếc chạc nhỏ bằng gỗ ổi, ghim chặt hai đầu dây vào tấm gỗ dài có đặt thùng gỗ là có thể chơi được. Khi hát, mỗi bên cất lên một câu hát thì gõ vào dây mây điểm nhịp. Dây mây tác động vào thùng gỗ tạo ra những tiếng thùng thình, âm vang cả một vùng không gian. Nhạc điệu uyển chuyển, lên bổng xuống trầm, đầy tùy hứng và sáng tạo, thông minh và dí dỏm, giản dị và gần gũi của lời hát trống quân như đưa hình ảnh quê hương hiện về trước mắt người nghe, với lũy tre, giếng nước, với hò hẹn, tình yêu...

Đã có lúc, hát trống quân tưởng như bị mai một, nhưng nhờ có Câu lạc bộ hát trống quân Khánh Hà, loại hình nghệ thuật dân gian này vẫn được duy trì và ngày càng được nhiều người biết đến. Không chỉ người lớn đam mê hát trống quân mà hiện ở thôn Đan Nhiễm, nhiều em nhỏ cũng tranh thủ lúc cuối tuần rảnh rỗi để học loại hình âm nhạc này. Đã có nhiều ca nương nhí sinh hoạt tại Câu lạc bộ hát trống quân Khánh Hà. Các em rất hào hứng vì được biết thêm một loại hình văn hóa truyền thống, đồng thời thông qua lời ca, tiếng hát mà hiểu hơn về đời sống văn hóa của cha ông. Cháu Nguyễn Thùy Linh, xã Khánh Hà, cho biết: “Ông con là nghệ nhân dạy hát trống quân nên từ nhỏ con thường được nghe ông hát, cảm thấy làn điệu này rất cuốn hút. Con tham gia câu lạc bộ học hát được hơn hai năm, lúc đầu thấy hát rất khó nhưng nhờ sự hướng dẫn tỉ mỉ của các ông, các bà nên con dần thấy dễ hơn. Ngoài việc học hát, đây còn là hoạt động giúp con giải tỏa căng thẳng”.

Tuy không “bác học” như ca trù, không phổ biến như chèo, nhưng hát trống quân đã góp phần làm giàu kho tàng văn học dân gian và âm nhạc truyền thống ở mỗi vùng quê. Mỗi nơi có những nét đặc trưng, ca ngợi về một làng quê tươi đẹp, thể hiện sự đa dạng của nghệ thuật hát này.

Bài và ảnh: BÍCH NGỌC