Hòa nhịp với công cuộc đổi mới của đất nước, làng Bùi Xá-một làng cổ của vùng đất Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) nay đã “thay da, đổi thịt”. Bây giờ, đường xá trong làng Bùi Xá không phải là những viên gạch thẻ lát nghiêng xưa cũ, nhỏ hẹp như khi trước, mà đã được thay bằng đường bê tông rộng, đẹp. Những ao, chuôm đúc đặc bèo ngày nào giờ đã nhường chỗ cho những công trình, nhà cao tầng. Thế nhưng, điệu hát trống quân không thể lẫn với những miền quê khác và còn mãi với người dân làng Bùi Xá...

Sau chén nước trà ngọt dịu, theo thỉnh ý của tôi, cụ Vũ Thị Kiểm (88 tuổi) hít sâu lấy hơi, tay gõ vào thành ghế lấy nhịp và cất giọng hát trống quân đối đáp nam nữ dập dìu, luyến láy: Nàng ơi có hát thì ra/Để tôi hát mãi sương sa lạnh lùng/Khi lạnh còn có khi lùng/Khi đắp áo ngắn khi chung áo dài/Bây giờ nàng đã nghe ai/Áo ngắn chẳng đắp áo dài chẳng chung.

Dừng một lát, cụ hát tiếp: Nhẽ ra em chẳng ở nhà/ Nghe thấy chàng hát em đà ra ngay/Mặc áo chưa kịp xỏ tay/Cài khuy đóng khuyết ra ngay với chàng.

Cụ Vũ Thị Kiểm là vợ của nghệ nhân trống quân Phạm Công Ngát đã mất cách đây hơn một năm và cụ cũng là một thành viên cao tuổi trong Câu lạc bộ trống quân làng Bùi Xá. Thỉnh thoảng, cụ vẫn nhiệt tình truyền dạy hát trống quân cho học sinh Trường Tiểu học và THPT xã Ninh Xá. Cụ Kiểm tự hào khoe rằng, tính đến nay, gia đình cụ đã có truyền thống 4 đời hát trống quân và đều trở thành những “ông trùm” của gánh hát. Nghệ nhân Phạm Công Ngát- chồng của cụ Kiểm đã theo cha đi hát khắp nơi để hát trống quân từ năm 14 tuổi...

Tháng 1-2016, hát trống quân làng Bùi Xá được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, khiến cụ và bao người dân nơi đây thêm tự hào, hãnh diện. 

Theo cụ Vũ Thị Kiểm, đặc sắc của hát trống quân Bùi Xá là lời và đôi mắt lúng liếng cùng miệng cười duyên dáng chứ không nằm ở nhạc cụ. Bởi như cụ kể thì nhạc cụ hát trống quân Bùi Xá khi xưa được làm vô cùng đơn giản, được gọi là trống đất. Người ta đào một cái hố to như cái chum lớn, giữa hố cắm một chiếc cọc cao khoảng 80cm và xung quanh để các xâu vỏ ốc nhồi. Miệng hố được lát ván. Hai bên hố cắm 2 chiếc cọc cao khoảng 50cm sao cho nằm thẳng hàng với cọc ở giữa. Người ta dùng một sợi dây thừng thanh mảnh buộc vào đầu 3 chiếc cọc. Khi hát trống quân, người hát vừa hát vừa gõ nhịp vào sợi dây ấy để tạo ra phách và nhịp.  

Câu lạc bộ trống quân Bùi Xá biểu diễn tại đình làng. Ảnh: Phạm Hoàng.

Hát trống quân Bùi Xá đã có từ rất lâu đời. Không cầu kỳ như quan họ mà thường nôm na theo kiểu ngẫu hứng phổ theo thơ lục bát, mỗi đám hát trống quân ngày xưa trong làng Bùi Xá đều khiến các đôi trai gái khắp vùng mê mải, hát thâu đêm tới sáng, tiếng hát trống quân râm ran từ trong làng ra đến ngoài đồng... 

Theo các bậc cao niên trong làng, hát trống quân của làng đã có từ thế kỷ XIII, thời nhà Trần. Thời đó, người Bùi Xá đã từng có những gánh hát trống quân nổi tiếng khắp kinh thành Thăng Long, sánh ngang với các gánh hát ở Bá Đạt (Vĩnh Phú), Dạ Trạch (Hưng Yên). Hát trống quân Bùi Xá đã được vua Trùng Quang đời Trần mến mộ mời về kinh biểu diễn nhiều lần. Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, cứ độ tháng Tám âm lịch hằng năm, khi dịp nông nhàn, vào những đêm trăng sáng, người làng Bùi Xá tập trung ở sân rộng trước cửa đình làng để hát và nghe hát trống quân. Dịp ấy, con trai, con gái từ các địa phương khác cũng dập dìu kéo đến để so tài đối đáp hết đêm này qua đêm khác. Từ hội hát trống quân này, nhiều đôi nam thanh nữ tú nên duyên vợ chồng... Sau năm 1945, cùng với nhiệm vụ chống giặc cứu nước của toàn dân tộc, nghề hát nơi đây lắng dần, chỉ còn một số nghệ nhân mang theo những tiếng hát, lời ca đi khắp các chiến trường. Năm 1993, những người tâm huyết với trống quân trong làng đã thành lập câu lạc bộ hát trống quân gồm 5 thành viên. Đến nay, câu lạc bộ đã có hơn 20 người, giúp cho các làn điệu trống quân tiếp tục được gìn giữ, lan tỏa. Các thành viên câu lạc bộ đã sưu tầm được hơn 100 bài hát trống quân cổ, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn môn nghệ thuật trình diễn độc đáo trên quê hương Kinh Bắc-Bắc Ninh. 

Theo các chuyên gia nghiên cứu âm nhạc dân gian, hát trống quân Bùi Xá có bản sắc riêng vì được thực hiện theo lối văn thập cửu (10/9) nhưng vẫn giữ được tiết tấu lục bát của trống quân. Khi tham gia hát trống quân phải tuân thủ đúng nguyên tắc chung là chào, mừng, chúc, hỏi, giao duyên, giã bạn. Trong quá trình đối ứng, các bên sẽ mở rộng ra các chủ đề như “đi chơi đi tìm”, “cầm kỳ thi họa”… Theo cụ Kiểm, để hát trống quân hay thì yếu tố mấu chốt là giọng, sự đam mê, khả năng ứng đối nhanh nhẹn. Nhiều chuyên gia nghiên cứu đã chỉ ra, lời và nhịp của các điệu hát trống quân Bùi Xá mang âm hưởng của quan họ cổ, và từng ví hát trống quân Bùi Xá là thể loại quan họ thứ hai.

Bà Lê Thị Cúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Trống quân Bùi Xá cho biết: Hiện nay, nhạc cụ hát trống quân Bùi Xá chỉ gồm một thanh gỗ nằm ngang, hai bên có hai cọc, một bên cọc là phe nam, một bên cọc là phe nữ đứng đối đáp. Hai cọc được nối với nhau bằng sợi dây thép, chính giữa sợi dây đặt một cái trống, mặt rỗng úp xuống thanh ngang, mặt đáy sát sợi dây. Người ta gõ vào đầu dây ở phía cọc, dây bật vào đáy trống mà kêu thành tiếng.

Hiện nay, Câu lạc bộ trống quân Bùi Xá có gần 30 thành viên ở độ tuổi từ 39 đến 88, hoạt động đều đặn vào buổi tối thứ 6, 7 và chủ nhật hằng tuần, trong đó có nhiều gia đình có 2-3 thế hệ cùng đi biểu diễn. Điều mừng nhất là mỗi buổi sinh hoạt, ngoài sự có mặt của đông đủ các thành viên trong câu lạc bộ, còn có sự quan tâm rất lớn từ các cháu thanh, thiếu nhi trong làng.

Có thể nói, hát trống quân Bùi Xá đã thể hiện được những nét đẹp chân - thiện - mỹ thông qua những lời hay ý đẹp trong lời hát của người hát và cộng đồng dân cư, đồng thời còn truyền lại cho các thế hệ sau những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của quê hương, đất nước. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị độc đáo của hát trống quân ở Bùi Xá hiện đang gặp khó khăn vì thành viên câu lạc bộ ít, nhiều cụ cao tuổi, không đủ sức khỏe để hát và truyền dạy, thế hệ kế cận cũng đã ngoài 50 tuổi. Trong khi đó, với sự phát triển mạnh mẽ của internet, sự bùng nổ của thông tin và mạng xã hội, giới trẻ ở làng cũng bị tác động mạnh bởi nhiều dòng nhạc khác nhau. Thế nên, về lâu dài, rất cần có sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng của ngành văn hóa địa phương trong gìn giữ, phát triển di sản độc đáo này. 

Thiết nghĩ, muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát trống quân Bùi Xá hiệu quả hơn nữa trong đời sống đương đại cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó chú trọng đến việc tôn vinh nghệ nhân, khuyến khích cộng đồng tích cực giữ gìn, truyền dạy và phát huy giá trị của di sản độc đáo này. Song song với truyền dạy theo kiểu truyền nghề, truyền khẩu truyền thống trong các gia đình thì cũng cần xây dựng các chương trình, giáo trình truyền dạy kỹ thuật hát trống quân theo lề lối hát truyền thống và các phương pháp để hát trống quân thích ứng với sự phát triển của của đời sống âm nhạc đương đại; đưa vào truyền dạy trong các trường học phổ thông, trường nghệ thuật của tỉnh... nhằm phát huy, tăng cường nguồn lực cho phong trào.

Đặc biệt, để hát trống quân có sức sống vươn lên trong môi trường xã hội hiện đại đang tồn tại nhiều loại hình ca nhạc và giải trí, thì phải đưa được loại hình dân gian độc đáo này đi vào tâm lý, sở thích, đời sống của đông đảo tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ, bằng nhiều hình thức giới thiệu, quảng bá khác nhau. Theo đó, bên cạnh truyền thanh, truyền hình, cần phải tăng cường biểu diễn trực tiếp nhiều để người xem cảm thụ như: Tích cực tổ chức, tham gia các hội thi, hội diễn của huyện, của tỉnh và toàn quốc; tổ chức biểu diễn tại các điểm văn hóa - du lịch, các di tích di tích lịch sử trọng điểm để giới thiệu về hát trống quân...

Có như vậỵ, hát trống quân Bùi Xá mới dần dần thu hút được khán giả cũng như các nghệ nhân biểu diễn và đặc biệt, làm cho loại hình nghệ thuật dân gian này trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của miền quê Kinh Bắc. Điều này không chỉ tôn vinh, bảo tồn, phát huy được giá trị hát trống quân mà còn làm cho người yêu nghề có thể sống được bằng nghề và người yêu hát trống quân có không gian để diễn xướng, để điệu hát cổ truyền này thực sự được duy trì, phát triển, giữ mãi trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây và còn vang xa, vang mãi....

PHƯƠNG HẰNG