“Văn hóa của mình mà mình không tự giữ lấy thì chẳng ai giữ cho mình!” - đó là lời mở đầu của nhà thiết kế (NTK), họa sĩ Sĩ Hoàng, Chủ tịch Viện Nghiên cứu trang phục Việt trong câu chuyện với phóng viên Báo Quân đội nhân dân xung quanh vấn đề về trang phục trên những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật.

Hơi thở văn hóa của người Việt

Phóng viên (PV): Là người tâm huyết và bền bỉ nghiên cứu, thiết kế nên những bộ trang phục thể hiện bản sắc của người Việt, ông có đánh giá như thế nào về giá trị lịch sử, văn hóa trang phục của người Việt?

NTK Sĩ Hoàng: Trang phục của người Việt mang một giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc, phản ánh được nhiều đặc trưng không chỉ của dân tộc Kinh (Việt) mà còn là sự phong phú, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Sự kết hợp giữa yếu tố thẩm mỹ và ý nghĩa đạo đức, tinh thần, từ bộ trang phục cho đến phụ kiện... đều thể hiện sự tinh tế và đặc trưng của văn hóa mặc Việt Nam.

leftcenterrightdel
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng.

Trang phục chính là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là hơi thở văn hóa của các thế hệ người Việt, giữ cho vẻ đẹp truyền thống không bao giờ phai mờ. Chúng không chỉ là một phần văn hóa, lịch sử của một cộng đồng mà còn thể hiện sự kế thừa và bảo tồn truyền thống qua các thế hệ. Đó là biểu tượng văn hóa di sản tinh thần của một dân tộc.

PV: Ngay cả với những trang phục là vốn có của người Việt, nhưng đôi khi dư luận vẫn cho rằng trang phục của chúng ta vay mượn quốc gia khác. Phải chăng, Việt Nam chưa có những đơn vị, tổ chức chính danh đủ uy tín để bảo vệ thương hiệu trang phục Việt?

NTK Sĩ Hoàng: Trong một thế giới ngày càng “phẳng”, việc giao thoa rất nhiều mặt trong một châu lục, khu vực hay chung đường biên giới, trong đó có trang phục truyền thống được coi là một yếu tố của di sản văn hóa phi vật thể. Hiện tượng đồng hóa ở các mức độ một phần hay toàn phần do hoàn cảnh lịch sử, việc thông thương dễ dàng... Từ đó, những gì phù hợp, thuận tiện với đời sống văn minh, thời đại mới đều được chấp nhận.

Ví như các nước Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia, Ấn Độ, trang phục tương tự nhau là váy quấn. Phụ nữ các nước châu Âu đều mặc váy đầm. Chữ viết của người Việt nhờ theo mẫu tự Latin mà tiếp cận với việc học ngôn ngữ thế giới thuận tiện. Cho nên việc vay mượn cái hay của thế giới để làm giàu bản sắc dân tộc chính là sự vận động của quy luật tự nhiên, được chắt lọc qua thời gian để biến cái của người thành của ta. Đây là một sự tiếp biến cần thiết.

Vấn đề đặt ra là Việt Nam chưa có những đơn vị, tổ chức chính danh để bảo vệ thương hiệu trang phục Việt. Nhưng dòng chảy văn hóa vẫn đang là hiển nhiên trong sự vận động của đời sống, bởi vậy, nhiều chục năm qua, người Việt mặc áo dài dường như còn là trách nhiệm công dân, nên áo dài đã trở thành biểu tượng văn hóa mặc khi nhắc đến Việt Nam.

Vẫn hướng kiểu dáng truyền thống thành quốc tế hóa, dung hòa nền văn hóa bản địa của từng quốc gia cộng hưởng được với bản sắc văn hóa Việt. Người nước ngoài có thể làm quen, yêu mến và mặc áo dài như một trang phục thời thượng mà ta không cần phải lo ngại có thể bị ngộ nhận bởi một sự chiếm đoạt nào.

PV: Mục đích cũng như tâm nguyện của ông khi sáng lập nên Viện Nghiên cứu trang phục Việt mang ý nghĩa gì?

NTK Sĩ Hoàng: Sáng lập nên Viện Nghiên cứu trang phục Việt, chúng tôi hướng tới việc nghiên cứu-kế thừa-đào tạo-phát huy bền vững, lấy đó làm giá trị cốt lõi. Mở rộng phạm vi nghiên cứu những vấn đề cơ bản về văn hóa mặc của người Việt Nam, bao  gồm người Việt và các dân tộc thiểu số. Cung cấp luận cứ khoa học về lịch sử phát triển trang phục, định hình phong cách trang phục Việt truyền thống và hiện đại. Điều này giúp cho trang phục của người Việt được đánh giá cao và tôn trọng trên thị trường quốc tế. Người Việt tự tin hơn với nền văn hóa trang phục truyền thống của mình, đồng thời góp phần tăng cường văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú trên trường quốc tế.

Đừng để khán giả quay lưng bởi... trang phục

PV: Trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật, rõ nét nhất là trên phim ảnh, trang phục thể hiện câu chuyện văn hóa, lịch sử của người Việt. Nhất là mỗi khi có những bộ phim mang chủ đề lịch sử, dã sử, cách mạng ra mắt thì “mặt tiền” thể hiện về bộ phim đó chính là những bộ trang phục. Cũng có những bài học khi bộ phim không thể phát hành với lý do trang phục. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

NTK Sĩ Hoàng: Trang phục trong phim ảnh không chỉ là một phần quan trọng của việc tái hiện bối cảnh thời kỳ mà còn là yếu tố quyết định sự thành công của bộ phim. Trang phục có thể tạo nên sự thật cho câu chuyện, giúp người xem hòa mình vào không gian và thời đại mà bộ phim muốn truyền tải.

leftcenterrightdel

Trang phục của nhà thiết kế Sĩ Hoàng thiết kế cho vở chèo “Vương nữ Mê Linh”, Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp bộ phim không được công bố do vấn đề trang phục. Điều này cho thấy tầm quan trọng của việc lựa chọn và thiết kế trang phục đối với sự thành công của một bộ phim. Việc đầu tư vào trang phục không chỉ thể hiện sự chuyên nghiệp mà còn để tôn vinh và bảo tồn văn hóa, lịch sử của một dân tộc.

Việc lựa chọn trang phục phù hợp vừa đòi hỏi cố vấn chuyên môn về mặt lịch sử và văn hóa vừa đòi hỏi sự tinh tế và sáng tạo trong việc biến tấu để tạo ra sự ấn tượng, độc đáo. Từ năm 2007 đến nay, tôi đã thiết kế trang phục cho gần 100 vở diễn của sân khấu kịch nói, cải lương, chèo... của các đạo diễn Doãn Hoàng Giang, Hoàng Dũng, Thúy Mùi, Giang Mạnh Hà, Hoa Hạ, Thành Lộc... và những bộ phim lịch sử, dã sử. Việc dày công nghiên cứu kiểu dáng, hoa văn, chất liệu, màu sắc từ nhiều tư liệu lịch sử trang phục các thời đại trong các vở diễn lịch sử mới bảo đảm tôn chỉ phải đúng mới đẹp.

PV: Vay mượn trang phục dẫn đến sai lệch văn hóa, lịch sử, gây tranh cãi và cuối cùng là khán giả quay lưng với các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật diễn ra khá nhiều. Phải chăng cũng thể hiện nguồn nhân lực, đội ngũ đủ trình độ thiết kế, thẩm định của ta đang bị thiếu hụt?

NTK Sĩ Hoàng: Tôi không nghĩ nguồn nhân lực, đội ngũ đủ trình độ thiết kế, thẩm định đang bị thiếu hụt để dẫn đến hệ lụy vay mượn trang phục, làm sai lệch văn hóa, lịch sử, gây tranh cãi và cuối cùng là khán giả quay lưng với các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật. Có lẽ do những yếu tố như kinh phí, tư duy, tầm nhận biết, nhận thức của ê kíp sản xuất... nên các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đã xem nhẹ, bỏ qua việc mời các nhà chuyên môn, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, lịch sử về trang phục trong vai trò cố vấn.

PV: Nhắc đến các nước trong khu vực, họ có những trang phục mang tính đại diện như: Kimono (Nhật Bản), hanbok (Hàn Quốc)... Việt Nam nhắc đến trang phục sẽ gắn với áo dài. Vậy ông có mong muốn như thế nào với trang phục Việt, trong đó là việc định danh áo dài là di sản văn hóa và là quốc phục Việt Nam-điều mà nhiều năm nay các nhà nghiên cứu, NTK thời trang vẫn đang nỗ lực đề nghị?

NTK Sĩ Hoàng: Đất nước ta đã trải qua bao thăng trầm, đối phó với thiên tai, địch họa, biến động trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước khiến nhiều giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể bị phá hủy hay phai nhạt. Tuy vậy, điều đáng mừng là những di sản này được hồi sinh khi có chủ trương, chính sách phát huy nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Sự hồi sinh đó hầu hết đều là nhờ được gìn giữ ngay trong lòng đời sống, tâm nguyện của người dân.

Những lễ hội áo dài định kỳ nhiều năm qua tại Hà Nội, Festival Huế, Lễ hội duyên dáng áo dài TP Hồ Chí Minh; các câu lạc bộ di sản áo dài Việt Nam thành lập tại các tỉnh, thành phố và trong các cuộc thi hoa hậu, người mẫu...; đồng phục trong một số cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, trường học... phổ biến cả với nam giới, cho thấy mặc nhiên áo dài là biểu tượng văn hóa đẹp của người Việt.

Niềm tin của tôi và cũng là mong muốn của bao người dân, việc định danh áo dài là di sản văn hóa và là quốc phục Việt Nam-điều mà nhiều năm nay các nhà nghiên cứu, NTK thời trang vẫn nỗ lực đề nghị-sẽ có một văn bản chính thức từ cấp Trung ương, từ đó làm cơ sở để tổ chức UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.