 |
Màn múa hát "Hành khúc đoàn Sao Vàng" do cán bộ, chiến sĩ của đoàn biểu diễn mở đầu đêm giao lưu |
Đã thành một thông lệ đẹp, những năm gần đây báo Quân đội nhân dân thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu giữa những người làm báo quân đội và cán bộ, chiến sĩ các đơn vị toàn quân. Năm nay, hoà vào không khí cả nước đang nô nức thi đua lập thành tích chào mừng 52 năm ngày Giải phóng Thủ đô, 56 năm ngày truyền thống báo Quân đội nhân dân và hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày Toàn quốc kháng chiến, 62 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, cuộc giao lưu “Người cầm súng-Người cầm bút” vừa được báo Quân đội nhân dân, đoàn bộ binh Sao Vàng và Hội Nhà báo Thành phố Hà Nội tổ chức tại đơn vị 2 đoàn Sao Vàng…
Tâm sự người viết
Với chúng tôi-những người làm báo Quân đội nhân dân, mỗi lần có cơ hội đến với chiến sĩ các đơn vị trong toàn quân đều là những chuyến đi để lại nhiều ấn tượng sâu sắc. Với cá nhân mỗi phóng viên, chu kỳ đến công tác, về rồi quay trở lại có khi cách nhau đến vài năm và lần nào cũng vậy: Cảnh quan thay đổi đẹp lên từng ngày, đời sống bộ đội được cải thiện và những người lính năm nào gặp gỡ nay đã ra quân hoặc thuyên chuyển đơn vị. Mừng đấy nhưng trong lòng không khỏi một chút bâng khuâng: Anh lính trẻ chiều ấy thương nhà báo vượt đồi ra bãi tập chìa tay vác hộ túi máy ảnh giờ làm gì? Anh cán bộ trung đội cách đây 10 năm giờ chắc đã là cán bộ cấp trung đoàn ở một đơn vị nào đó… Cuộc sống là thế, luôn vận động! Đơn vị quân đội-trường đại học lớn-đón tiếp hết đợt chiến sĩ mới này đến đợt chiến sĩ mới khác đến rồi trở về quê hương với những kiến thức về quân sự, về quản lý con người, về tình đồng đội, đồng chí, tình yêu quê hương đất nước. Và người làm báo, mỗi chuyến đi làm dày thêm kinh nghiệm, vốn sống, dày thêm những kỷ niệm về những cán bộ, chiến sĩ thân yêu từng gặp gỡ, gắn bó... để từ đó sắc thêm ngòi bút, đem lại cho người đọc những bài viết đúng, sát với cuộc sống bộ đội, mang lại cho họ và xã hội những cảm xúc vui, buồn, yêu thương, phổ biến những kinh nghiệm quý để chiến sĩ vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ…
Với những nam, nữ nhà báo trẻ của Hội Nhà báo Hà Nội, cảm xúc lần đầu được đặt chân đến một đơn vị quân đội thật khác xa với những gì họ từng đọc, từng nghe, từng xem. Tại đơn vị 2, đoàn Sao Vàng, những chiếc chăn gấp vuông thành sắc cạnh, những chiếc ba lô ngay ngắn trên giá, những đôi dép, đôi giày thẳng hàng tăm tắp như hàng quân…rồi đến cả những sợi dây phơi và cách phơi quần áo của bộ đội cũng thật khác với cuộc sống thường nhật dân sự. Họ, những nhà báo trẻ: Hoàng Anh, Ánh Mai, Thu Hằng… ngay sau giờ “chạy chương trình” giao lưu đã xuống với chiến sĩ hỏi chuyện, ghi chép, chụp ảnh và theo như lời Đại tá Nguyễn Huy Thành, Chủ nhiệm chính trị đoàn Sao Vàng, đến giờ ăn trưa mà các nhà báo trẻ vẫn còn mải mê, tranh thủ giao lưu với chiến sĩ. Và có lẽ, chính những cuộc “giao lưu” bên lề này đã để lại cho họ những cảm xúc riêng, những góc nhìn riêng, những phát hiện lý thú của riêng mình về đời sống quân ngũ, về hình ảnh của Bộ đội Cụ Hồ hôm nay. Họ được tận mắt gặp những con người mà hằng ngày chỉ thấy từ xa lăn lê trên bãi tập, rèn luyện thành thục các kỹ năng chiến đấu; thấy những bộ quân phục màu xanh nổi bật trên sân khấu trong các buổi giao lưu, các kỳ hội diễn nghệ thuật quần chúng; thật khỏe mạnh, chững chạc giữa đám đông và nơi đâu, chỗ nào có bão, lũ, sạt núi, tai nạn, chỗ nào dân còn thiếu đói, dân cần là họ có mặt, gánh vác, sẻ chia, giúp dân nhanh chóng ổn định cuộc sống. Những nhà báo trẻ thấm thía hơn lời thề “Vì nhân dân phục vụ!” được in đậm trên măng-sét mỗi ấn phẩm báo Quân đội nhân dân hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng, điện tử và trong tim mỗi chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam nhiều thế hệ. Với các nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ, viết về Bộ đội Cụ Hồ, về lực lượng vũ trang-chiến tranh cách mạng là đề tài hứa hẹn nhiều điều bổ ích ở phía trước…
Ấm áp cuộc giao lưu “Người cầm súng-Người cầm bút”
Với người cầm bút, lời phát biểu của Chính uỷ đoàn Sao Vàng, Đại tá Phạm Công Me, với thông tin: Đoàn Sao Vàng thành lập ngày 2-9-1965 tại rừng Bà Bơi, xã Ân Nghĩa, Hoài Ân, Bình Định. Trong kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đơn vị đã đánh 5.600 trận với nhiều đối tượng tác chiến, hoàn thành nhiệm vụ. Với truyền thống “ Trung dũng kiên cường, bám đất, bám dân, tự lực tự cường, đoàn kết chiến thắng”, đoàn Sao Vàng và 3 đơn vị, 4 tiểu đoàn, 10 đại đội và 15 cá nhân được Nhà nước tuyên dương Anh hùng LLVT nhân dân… là điều cần khám phá khi đặt vấn đề viết về truyền thống sư đoàn. Nhiều câu hỏi như: Tại sao đơn vị thành lập trên đất võ Tây Sơn, chiến đấu, giải phóng miền Nam rồi giờ lại đang đảm đương nhiệm vụ trong biên chế của quân khu nơi địa đầu Tổ quốc; những đóng góp của đơn vị trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam; nhiệm vụ của đơn vị trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay… tuy đã được Đại tá Nguyễn Ngọc Sơn, quyền Đoàn trưởng đoàn Sao Vàng trả lời nhưng với các nhà báo đến từ Hội Nhà báo Hà Nội thì vẫn là chưa đủ và nhiều người trong số họ đã có những dự định cho những cuộc tìm hiểu, thâm nhập thực tế “hậu” giao lưu tại đơn vị này.
Cùng chung tâm trạng muốn khám phá, tìm hiểu về những người làm báo quân đội, về báo Quân đội nhân dân - "tờ báo của chúng ta”-nhiều câu hỏi từ phía các chiến sĩ tuổi đời mới mười chín, đôi mươi của đoàn Sao Vàng khiến chúng tôi không khỏi vui, tự hào. Vui vì những bài báo đăng tải trên báo Quân đội nhân dân được chiến sĩ đón nhận, được chiến sĩ coi là một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu. Bộ đội theo dõi sát tờ báo, có những nhận xét, những câu hỏi rất “thẳng” như: Các vấn đề nêu trên trang “Ý kiến chiến sĩ” có được giải quyết triệt để không? Các bài báo đó do chiến sĩ viết hay do nhà báo “chắp bút”? Báo Quân đội nhân dân làm gì để “bảo vệ” cộng tác viên khi nêu những vấn đề “nóng” từ đơn vị? Tâm sự cùng các chiến sĩ-khán giả-chúng tôi còn được anh em nêu nhiều vấn đề, đòi hỏi, yêu cầu thêm trang, thêm mục, thêm cả những "Góc giao lưu”, “Câu lạc bộ làm quen” cho những người lính từ đơn vị với ban bè, gia đình nơi hậu phương… Vấn đề chiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng nêu: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đồng chí muốn quân đội tạo điều kiện để học nghề và trở về xây dựng địa phương đã được các chiến sĩ nhiệt liệt hưởng ứng qua những tràng vỗ tay kéo dài. Mong muốn giản đơn ấy cho chiến sĩ sau khi rời quân ngũ là trăn trở của các cấp lãnh đạo toàn quân và trở thành một trong những chuyên trang quan trọng của báo Quân đội nhân dân-trang “Dạy nghề-Lao động- Việc làm” đăng trên trang 6 thứ tư hằng tuần. Đây cũng là những vấn đề mà đại tá Hồ Quang Lợi, Phó tổng biên tập báo Quân đội nhân dân tổng quát lại quá trình 56 năm xây dựng và phát triển của tờ báo: Nơi nào cuộc sống cần, vấn đề gì có lợi cho dân cho nước, phóng viên báo Quân đội nhân dân có mặt và phản ánh như tiêu chí, như quyết tâm của bài xã luận nổi tiếng “Có” đăng trên trang nhất số báo Quân đội nhân dân đầu tiên. Và đến hôm nay, phương châm: Đúng, hay, gần bạn đọc vẫn được lớp lớp những người làm báo Quân đội nhân dân quán triệt phấn đấu…".
Nhà báo Nguyễn Gia Quý, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Hà Nội trong cuộc giao lưu đã bồi hồi nhớ lại cảm xúc cách đây tròn 33 năm khi ông được bộ đội đặc công vùng ven Sài Gòn chiêu đãi những bữa cơm chiến lợi phẩm. Đó là trong chiến tranh, còn hôm nay, trong bữa cơm ông lại được chiêu đãi những món ăn do chính tay bộ đội làm ra từ vùng đất cằn sỏi đá. Ông ví von: “Hội Nhà báo Hà Nội xin được gắn bó với bộ đội đoàn Sao Vàng như cây gắn với đất!” Ngắn gọn vậy nhưng chúng tôi và cả những chiến sĩ xin cảm ơn những tình cảm gắn bó quân-dân cá-nước mà những người làm báo Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung luôn giành cho các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam...
Có những tiếng cười, những tràng vỗ tay và cả những phút xao xuyến giữa các chiến sĩ với các nhà báo, đặc biệt là các nữ nhà báo trẻ. Hẳn là như thế khi các chàng sĩ quan trẻ ngày thường “hét ra lửa” nay ra làm "người mẫu" dưới ánh đèn sân khấu lại lúng túng, là vậy. Ngượng nghịu, trước những nhà báo trẻ xinh đẹp và thường “bắn” liên thanh như AK mỗi lần phỏng vấn cũng là điều dễ thông cảm! Bộ đội là vậy, dũng cảm trước quân thù, xả thân vì nhân dân, đất nước nhưng trước những bóng áo dài, họ là những chàng trai ít nói… Khép lại một cuộc giao lưu chúng ta chờ đón ở thêm nhiều cuộc giao lưu khác với tinh thần của “Người cầm súng-Người cầm bút”!
TUẤN ANH