Trong khó khăn, người lính đặc công có nguồn động viên rất lớn từ hậu phương gia đình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trước giờ gặp mặt, chúng tôi thấy gia đình Trung úy QNCN Nguyễn Thị Hải Linh, y sĩ Đại đội Quân y, Lữ đoàn Đặc công biệt động 1 đang chuyện trò vui vẻ. Bé trai gần 4 tuổi nở nụ cười tươi khi được cùng bố mẹ vào đơn vị. Đây là những giây phút hạnh phúc gắn kết tình thân gia đình. Do tính chất công việc, chị Linh thường xuyên đi công tác xa nhà dài ngày. Chồng chị là Đại úy Lê Công Thành, giảng viên Khoa quân sự chung, Trường Sĩ quan Lục quân 1. Vì nhiệm vụ nên vợ chồng ít có điều kiện gặp nhau.

leftcenterrightdel

Người lính đặc công và thân nhân chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động, ý nghĩa. 

Những khi xa cách, bao nhớ thương chỉ biết gửi gắm qua sóng điện thoại. Nhớ thời điểm chị Linh tham gia luyện tập phục vụ diễu binh kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gia đình nhỏ xa cách mấy tháng, con nhớ mẹ, vợ nhớ chồng. Cậu bé Lê Hoàng mỗi lần gọi điện lại hỏi: “Sao mẹ đi lâu về thế? Bao giờ mẹ về?”. Những câu nói của con chạm đến nỗi nhớ, tình thương của người mẹ. Khi được hỏi về tổ ấm của mình, Đại úy Lê Công Thành cho biết: “Là người lính, tôi rất đồng cảm, sẻ chia với vợ. Tôi thường xuyên động viên giúp vợ vượt qua khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ và giữ gìn hạnh phúc”.

Trong Binh chủng Đặc công, những bóng hồng xinh đẹp qua rèn luyện trở nên mạnh mẽ hơn. Nhiều bài tập khắc nghiệt ngay cả nam giới cũng gặp khó khăn như: Võ thuật, bắn súng, leo tường bằng sào tre, kỹ thuật chống khủng bố nhưng các nữ quân nhân đều vượt qua. Thiếu úy QNCN Nguyễn Thị Thùy Dung, chiến đấu viên Đội 11, Liên đội 9, Lữ đoàn Đặc công bộ 113 là một trong những “bông hồng thép” xuất sắc đã tham gia Hội thao quân sự quốc tế năm 2021, là gương mặt trẻ tiêu biểu của Binh chủng Đặc công. Biết được quá trình rèn luyện khắc nghiệt cùng những thành tích của con gái, bà Phạm Thị Thu Hồng không giấu được niềm xúc động, tự hào. Bà Hồng chia sẻ: “Khi gửi gắm con gái vào môi trường quân ngũ, tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm, không biết có vượt qua được nắng gió gian khổ hay không. Và thật bất ngờ, con gái bé nhỏ, mảnh mai ngày nào, giờ đã trở thành nữ chiến sĩ mạnh mẽ, năng động. Tôi rất tự hào về con!”.

Trong chương trình, 20 gia đình quân nhân tiêu biểu đại diện cho hàng nghìn gia đình quân nhân trong Binh chủng Đặc công vừa được biểu dương. Tại đây, bộ đội và người thân cùng trao đổi để cảm thông, thấu hiểu những đặc thù nhiệm vụ cũng như chuyện hậu phương. Nhiều bí quyết cũng được chia sẻ trong chăm lo xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ. Người lính đặc công thực hiện nhiệm vụ đặc biệt nên sự vất vả, khó khăn luôn hiện hữu. Những khi đó, gia đình êm ấm thực sự là điểm tựa và động lực để họ vượt qua.

Đại tá Hoàng Ngọc Thanh, Phó chính ủy Binh chủng Đặc công cho biết: “Những năm qua, Binh chủng đã làm tốt công tác hậu phương Quân đội, đầu tư xây dựng nhà công vụ, tạo điều kiện để bộ đội hợp lý hóa gia đình, giải quyết các chế độ, chính sách, giúp bộ đội chăm lo tốt hơn cho gia đình”. Chính sự quan tâm động viên cùng nhiều chính sách phù hợp đã bù đắp những hy sinh thầm lặng của người lính đặc công. Quan tâm chăm lo gia đình cũng chính là tạo điểm tựa vững chắc để bộ đội đặc công rèn mình đồng, chí thép, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bài và ảnh: ĐĂNG KHOA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.