Loại hình nghệ thuật thấm mồ hôi, nước mắt người tập
Bắt nguồn từ cuộc sống, phản ánh hiện thực cuộc sống, gắn liền với mọi hoạt động của con người trước thiên nhiên và xã hội, xiếc là nghệ thuật tổng hợp sử dụng xảo thuật kết hợp âm thanh, ánh sáng, phục trang... để tạo ra hình tượng bất ngờ, kỳ lạ, đem đến cho người xem cái đẹp cao cả có ý nghĩa thẩm mỹ nhân văn; khích lệ con người vươn lên giành chiến thắng trước khó khăn, nguy hiểm và phát huy những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc.
Xiếc là loại hình nghệ thuật mang tính khắt khe, nghiệt ngã. Tuy được quyền phô bày đường nét cơ thể diễn viên rất hấp dẫn, tuy không lời nhưng xiếc vẫn luôn ở trạng thái động. Động và mạo hiểm khiến nghệ sĩ xiếc phải rất cẩn trọng, dũng cảm và khéo léo, tinh xảo. Chưa nghe nói một cô đào, anh kép chèo trong khi hát múa giao duyên tỏ tình mà bị tai nạn. Nhưng diễn viên xiếc khi ngậm kiếm đu quay, răng cắn miếng da ở trên cao quay tít, thì chỉ sơ ý một phần nghìn giây cũng có thể “nát một đời hoa”. Vì thế, người làm xiếc còn có một đức tính là gan dạ, xả thân vì nghề.
Xiếc xứ Đông từng vàng son một thuở
Đầu những năm 30 của thế kỷ 20 ở Cao Thắng (Thanh Miện, Hải Dương) có một thanh niên nghèo đi làm thuê cho một gánh xiếc. Sau 5 năm sống nhờ gánh xiếc rong, anh nắm được một số bí quyết cơ bản của nghề và quyết tâm trở về quê, lập một gánh xiếc mưu sinh. Đó là gánh xiếc của nghệ nhân Trương Văn Sản (sinh năm 1916). Ban đầu, diễn viên chính là Trương Văn Sản biểu diễn những tiết mục uốn dẻo, đi trên dây chão... thu hút người xem rất đông, đến nỗi viên tri huyện sở tại thời đó còn cấp giấy cho phép gánh xiếc đi lưu diễn trong vùng.
Gánh xiếc phát triển, tiết mục càng phong phú. Sau này ông Sản có 9 người con, người nào cũng thạo biểu diễn xiếc. Năm 1958, ông Sản xin thành lập Đoàn xiếc Cao Thanh Hải (ghép chữ đầu của Cao Thắng, Thanh Miện, Hải Dương). Từ xiếc gia đình dần mở rộng, phát triển tiến tới sự ra đời của Đoàn xiếc Hải Hưng sau này. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975, Đoàn xiếc Hải Hưng được cử vào các tỉnh miền Nam biểu diễn, được chọn những tiết mục xuất sắc mang sang Liên Xô, các nước Đông Âu, Lào... lưu diễn dài ngày. Xiếc Hải Hưng nổi tiếng một thời và mang về nhiều giải thưởng trong các hội diễn xiếc toàn quốc.
Lênh đênh đời xiếc
Từ khi có cơ chế mới phải tự chủ kinh phí hoạt động kinh doanh và khi xuất hiện nhiều loại hình giải trí mới thì xiếc hoạt động cầm chừng rồi teo tóp dần. Đến năm 1992 giải thể Đoàn xiếc Hải Hưng. Nghệ sĩ xiếc bỗng hẫng hụt, xẻ nghé tan đàn. Nhưng máu nghề vẫn sôi sục trong huyết quản nghệ sĩ xiếc. Một số người kiên quyết tìm mọi cách giữ nghề. Họ thành lập các nhóm, các đoàn xiếc tư nhân mà chủ yếu là những người có quan hệ gia đình, anh em, bạn bè tin cậy. Họ được một số cơ quan nhà nước bảo lãnh và được pháp luật bảo hộ. Họ dắt nhau lên đường, vào các địa bàn xa xôi tìm điểm diễn phù hợp.
 |
Tiết mục xiếc tại Liên hoan Ca nhạc-xiếc-tạp kỹ chuyên nghiệp ngoài công lập tỉnh Hải Dương, được tổ chức trước thời điểm dịch Covid-19.
|
Họ bươn chải trên con đường sinh nhai. Tất cả đồ nghề, trang thiết bị như loa đài, sân khấu lỉnh kỉnh hòm đồ, trang phục, điện máy... cả vợ chồng con cái, nồi soong bát đĩa đều chất lên xe tải, xe ca. Có người không quên mang theo chiếc xe máy Honda 79 cà tàng đi tiền trạm, liên hệ điểm diễn. Đối với xiếc thì khán giả "là tiền, là gạo, là hạnh phúc" của người nghệ sĩ. Bởi vậy khẩu hiệu “đi tìm khán giả” của các đoàn xiếc trong những năm qua là cuộc trường chinh rất gập ghềnh, gian nan và cũng đáng khâm phục.
Những trăn trở không nguôi
Xiếc bây giờ đang thăng trầm, trôi nổi. Chỉ ở tỉnh Hải Dương, lúc đỉnh cao có gần 20 đoàn, nay chỉ còn 6 đoàn xiếc tư nhân. Trong đó Đoàn xiếc Đại Dương (một thời mang tên Bông Hồng Trắng) tiêu biểu cho sự thăng trầm và giàu nghị lực. Đoàn xiếc Đại Dương có 12 người, họ là vợ chồng, anh em trong gia đình, họ mạc. Trụ sở giao dịch tại phố Trần Văn Giáp (TP Hải Dương). Đấy là trên giấy tờ pháp lý, còn quanh năm họ tung hoành khắp nơi lưu diễn. Họ bươn chải, mua sắm đạo cụ, trang phục, phương tiện vận chuyển, luyện tập, xây dựng tiết mục. Vé bán từ 20.000 đến 40.000 đồng/suất, có điểm diễn thu được khoảng 4 đến 5 triệu đồng, có khi còn ít hơn. Anh Khương Đình Kiên, 54 tuổi, Trưởng đoàn xiếc Đại Dương kể: “Em là trưởng đoàn, phải làm diễn viên kiêm người dẫn chương trình và hoạt náo viên; còn vợ là nghệ sĩ Nam Phương đảm nhiệm biểu diễn tiết mục đu bay, ngậm kiếm. Đoàn thành lập từ năm 1997, thế mà tồn tại 25 năm nay, khi trong Nam ngoài Bắc, lên ngược xuống xuôi, đâu có điểm diễn là đến. Khi các con còn nhỏ, gửi ông bà nuôi để cha mẹ lưu diễn, thỉnh thoảng vợ chồng em mới về thăm con. Nay chúng đã trưởng thành".
Đã hai năm nay, do dịch Covid-19, các đoàn xiếc tạm ngừng hoạt động nên cuộc sống của nghệ sĩ xiếc vô cùng khó khăn. Tuy vậy, họ vẫn luôn khổ công “văn ôn võ luyện” chờ thời, chờ ngày qua dịch yên bình để tiếp tục rong ruổi trên đường diễn xiếc.
Thật khâm phục, chỉ tính 6 đoàn xiếc tư nhân ở Hải Dương đã âm thầm tổ chức biểu diễn hàng chục nghìn lượt buổi, đã nuôi sống hơn trăm con người trong ngần ấy năm. Quý hơn là họ đã góp phần gìn giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật không bị mai một giữa buổi kinh tế thị trường.
Vẫn biết nhờ xã hội hóa mà xiếc Hải Dương tồn tại đến nay. Dẫu thế, cần có chính sách và ngân sách để bảo tồn loại hình nghệ thuật đặc biệt này. Nghệ sĩ xiếc ở cả khu vực công và tư đều đáng tôn vinh, vì họ đang góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho xã hội và công chúng.
Bài và ảnh: KHÚC HÀ LINH