Niềm vui lan tỏa trên gương mặt mọi người là minh chứng cho thành quả xứng đáng của hệ thống chính trị ở các địa phương; đặc biệt là công lao của đồng bào dân tộc Thái trong việc gắn kết cộng đồng để bảo tồn, phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái trong đời sống đương đại.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu tại buổi lễ. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam...

Niềm vui rộn ràng khắp thôn bản

Vui mừng, xúc động và tự hào là cảm xúc chung của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc khi Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh. Vượt quãng đường gần 90km từ huyện Mù Cang Chải đến theo dõi trực tiếp chương trình, anh Lò Văn Hoàng phấn khởi nói: “Đây là sự kiện quan trọng của người Thái nên cả nhà chúng tôi có mặt ở thị xã Nghĩa Lộ từ sáng 24-9. Mong rằng sau sự kiện này, Xòe Thái sẽ được quan tâm và được biết đến rộng rãi hơn”.

Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng lãnh đạo địa phương đón nhận bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái.  

Dù đã ở tuổi 90, nhưng hằng ngày Nghệ nhân Ưu tú Lò Văn Biến (phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ) vẫn đau đáu với điệu xòe. Ông đã dành nhiều năm để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng 6 điệu xòe cổ. Tại sự kiện đón bằng ghi danh của UNESCO, ông Biến tham gia 3 vai trò, gồm: Chỉ huy dàn nhạc dân tộc, châm lửa mở màn cho điệu xòe và đóng vai người dẫn dắt bộ tộc Thái tìm vùng đất mới. Theo nghệ nhân Lò Văn Biến, từ cấp trên đến cấp dưới, từ người già đến người trẻ muốn gần gũi và chia sẻ với nhau thì chỉ có xòe. Điệu xòe thể hiện sự bình đẳng rất cao, nên trong các cuộc vui của người Thái luôn có xòe. “Những ngày qua, nơi chúng tôi ở như mở hội. Mọi người cùng nhau vui mừng hướng tới sự kiện đón bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái. Là người gắn bó với điệu xòe đã lâu nên tôi rất mừng vì điều đó, và giờ có nhắm mắt xuôi tay thì tôi cũng đã mãn nguyện rồi”, ông Lò Văn Biến cho hay.

20 giờ, trời tạnh rồi lại mưa nhưng lòng người vẫn hào hứng. Buổi lễ bắt đầu bằng nghi thức trang trọng trao bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái. Phát biểu tại buổi lễ, bà Pauline Tamesis khẳng định: “Nghệ thuật Xòe Thái nhắc nhở chúng ta về những mối quan hệ sâu sắc với gia đình, bạn bè, cộng đồng và hơn thế nữa. Hôm nay, chúng ta hãy cùng chia sẻ niềm tự hào rằng Xòe Thái không chỉ được vinh danh vì những khán giả có mặt ở đây, hoặc vì cộng đồng người Thái, mà vì toàn thế giới bởi đây là một biểu hiện độc đáo trong sự sáng tạo văn hóa đa dạng của nhân loại”.

Vui mừng, tự hào khi Nghệ thuật Xòe Thái trở thành di sản thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ, nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh? Chúng ta cần làm gì, có trách nhiệm như thế nào để gìn giữ nét đẹp truyền thống quý giá của loại hình nghệ thuật này? Có thể khẳng định, Nghệ thuật Xòe Thái đã vượt qua nét đẹp của loại hình múa truyền thống với thẩm mỹ sáng tạo, khát vọng vươn tới những giá trị chân-thiện-mỹ của mỗi thành viên trong cộng đồng các dân tộc Tây Bắc. Đó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc, sự sẻ chia, tình yêu thương sâu sắc giữa con người với con người, sự hài hòa giữa con người với văn hóa, bản sắc dân tộc và thiên nhiên hùng vĩ với những triết lý sống cao đẹp.

Hơn thế nữa, Nghệ thuật Xòe Thái còn là thông điệp về trách nhiệm, tình yêu của tất cả chúng ta phải giữ gìn truyền thống lịch sử của các thế hệ đồng bào các tỉnh Tây Bắc. Thủ tướng khẳng định: Tôn vinh Nghệ thuật Xòe Thái là tôn vinh những giá trị cao đẹp của văn hóa nghệ thuật, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, tinh thần lạc quan, tư duy bảo tồn và phát triển, nét sống hòa hợp với thiên nhiên và tinh thần trách nhiệm lịch sử không chỉ của các dân tộc Tây Bắc mà của tất cả người dân Việt Nam.

Để tiếp tục tạo sức sống mới lan tỏa mạnh mẽ giá trị của Nghệ thuật Xòe Thái trong đời sống đương đại, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, chính quyền, nhân dân và cộng đồng người Thái ở các tỉnh Tây Bắc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp triển khai nghiêm túc, hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái để những lời ca, âm nhạc các điệu xòe được trao truyền qua các thế hệ, được nuôi dưỡng và lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng; giá trị cao đẹp của nghệ thuật Xòe Thái cần được bảo tồn, phát huy không chỉ ở trong nước mà cả trên thế giới...

Điệu xòe như cơm ăn, nước uống

Sự kiện đón bằng UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái nổi bật bằng không gian văn hóa đặc sắc, hoành tráng với Chủ đề “Xòe Thái-Tinh hoa miền di sản”, được thể hiện qua 3 chương, gồm: “Thiên di, dựng bản lập mường”, “Miền di sản”, “Tinh hoa lễ hội Xòe”. Điều đặc sắc nhất trong chương trình là màn đại xòe quy tụ sự tham gia của 2.022 người. Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cho hay: “Mặc dù thời tiết nắng mưa thất thường nhưng người dân rất háo hức, chờ đợi ngày đại lễ vinh danh Xòe Thái. Nhiều bà con phải tạm gác lại công việc đồng áng, có người phải đi bộ rất xa nhưng đều đến tập luyện đúng giờ. Ai cũng cảm thấy vinh dự vì được đóng góp trong sự kiện này nên tập luyện hăng say lắm!”.

Vòng đại xòe quy tụ sự góp mặt của 2.022 người.  

Người Thái quan niệm "không xòe không vui, lúa không tốt, trai gái không thành đôi". Vì vậy, trong bất cứ hội vui nào, các vòng xòe lại được rộng mở để gắn kết cộng đồng giúp công việc trôi chảy, thuận lợi hơn. Xòe Thái hiện có nhiều điệu, nhưng tựu trung thành 6 điệu xòe cổ, gồm: Nắm tay, tung khăn, bước tiến lùi, bổ bốn, nâng khăn mời rượu và đi vòng tròn vỗ tay. 

Trung tâm của Xòe Thái được xem là ở Nghĩa Lộ, Mường Lò (Yên Bái), Mường So (Lai Châu), Thuận Châu (Sơn La), Mường Lay và TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Theo tìm hiểu được biết, từ năm 2013 đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức biên soạn cuốn "Nghệ thuật xòe cổ của đồng bào dân tộc Thái vùng Nghĩa Lộ-Mường Lò” để truyền dạy 6 điệu xòe cổ trong cộng đồng. Kết quả là ở Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn hiện nay có hơn 5.000 nghệ nhân có thể xòe hay, xòe đẹp, diễn tả được “hồn” xòe. Em Sầm Thị Thu Nhàn, học sinh lớp 10A2, Trường THPT thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Ở trường, mỗi dịp ra chơi là em và các bạn lại được thầy cô truyền dạy các điệu xòe. Đến nay, em có thể tự tin tham gia xòe cùng tập thể, hiểu được nguồn gốc và ý nghĩa từ các điệu xòe cổ của người Thái”.

Theo kế hoạch, sau khi đón nhận bằng của UNESCO ghi danh Nghệ thuật Xòe Thái vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có một chương trình hành động cụ thể để triển khai những giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh càng khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Thái tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái nói riêng. Bởi vậy chỉ có gắn kết cộng đồng, người Thái mới có thể bảo tồn, phát huy tốt giá trị Nghệ thuật Xòe Thái trong cuộc sống đương đại.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Yên Bái, đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái mong muốn địa phương tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ, phối hợp của các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trong cả nước; sự đồng tâm, đồng thuận, đồng lòng của đội ngũ nghệ nhân và cộng đồng để Nghệ thuật Xòe Thái trường tồn, ngày càng lan tỏa trong dòng chảy văn hóa nhân loại, đáp ứng mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân.

Trong khuôn khổ buổi lễ, ban tổ chức đã khai mạc Lễ hội Văn hóa Du lịch Mường Lò, khám phá Danh thắng quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2022. Chương trình có nhiều hoạt động như: Trưng bày, triển lãm ảnh di sản Nghệ thuật Xòe Thái Việt Nam và "Ảnh đẹp du lịch 8 tỉnh Tây Bắc" mở rộng; Festival dù lượn; Festival Khèn Mông; Hội chợ sản phẩm OCOP, đặc sản các vùng, miền và văn hóa ẩm thực năm 2022...

Bài và ảnh: HỮU TRƯỞNG - THÙY ĐÀO