Cho nên, số lượng họa sĩ trẻ chuyên tâm theo đuổi dòng tranh này ngày một ít dần. Lê Văn Thước là một trong những họa sĩ triển vọng, luôn thể hiện khát khao và đam mê với chất liệu sơn mài cổ truyền của dân tộc.
Cơ duyên đến với tranh sơn mài của họa sĩ Lê Văn Thước bắt đầu từ khi anh còn nhỏ, với nguồn cảm hứng từ người chú ruột là họa sĩ sơn mài nổi tiếng Lê Hữu Ích (1968-2019). Những lần bên cạnh chú, thấy ông cặm cụi mài lớp sơn để dần hiện lộ ra hình khối, không khác nào màn “ảo thuật” trong mắt trẻ thơ. Nhận thấy ở người cháu ẩn chứa tiềm năng sáng tạo, họa sĩ Lê Hữu Ích quan tâm hướng dẫn Thước quy trình làm tranh sơn mài. Được một họa sĩ tên tuổi cầm tay chỉ việc là cơ may hiếm có, nhưng dẫu sao cũng cần phải học bài bản về hội họa để vững vàng kỹ thuật, phát triển năng lực sáng tạo cá nhân. Chính vì thế, Lê Văn Thước quyết tâm học và thi đỗ Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
 |
Họa sĩ Lê Văn Thước và tác phẩm “Mùa sen 2”. Ảnh do họa sĩ cung cấp. |
Không phải ai học trường lớp bài bản cũng có thể thành tài năng lớn, nhưng có điều chắc chắn, có học có hành, ít ra tác phẩm sẽ “sạch nước cản”. Xem tranh sơn mài của Lê Văn Thước, dễ dàng thấy sự vững vàng về bố cục, kỹ thuật tạo hình. Những mảng màu, độ đậm nhạt trong bức tranh thể hiện sự chủ động và trực cảm nghệ thuật tốt của họa sĩ Lê Văn Thước trong quá trình mài lớp sơn phủ.
Muốn trở thành họa sĩ sơn mài, không chỉ cần tâm hồn bay bổng, khả năng tưởng tượng mà còn phải có phẩm chất của một nghệ nhân. Trước hết là sự cần cù, kiên nhẫn, bởi sơn mài đòi hỏi nhiều công đoạn, quy trình phức tạp, kéo dài hàng tháng trời mới hoàn thiện một bức tranh. Mài nông quá không lộ ra hình vẽ sắc nét, mài quá tay mất đi màu sắc, phá hỏng sự hài hòa của bức tranh. Kiên nhẫn và luyện nghề trong nhiều năm, tỉ mỉ trong từng bức tranh không khác nghệ nhân thực thụ. Đây cũng là lý do vì sao bắt đầu sáng tác từ năm 2004, song tới nay, họa sĩ Lê Văn Thước mới chỉ sáng tác chưa đến 30 bức tranh sơn mài.
Chủ đề trong tranh sơn mài của họa sĩ Lê Văn Thước là khung cảnh nông thôn, lấy cảm hứng từ quê hương Nông Cống, Thanh Hóa của anh. Trong đó, ấn tượng nhất là những bức tranh về sen, cuốn hút và sinh động. Để mô phỏng lại hình ảnh lá sen già, ngả màu, quăn lại rất thật là cả sự kỳ công của họa sĩ Lê Văn Thước. Tiếc là những bức tranh sơn mài của anh chưa thấy nhiều sự bứt phá về chiều sâu biểu tượng, hình ảnh. Đây không phải điều một sớm một chiều có thể thực hiện được mà cần quá trình nghiền ngẫm, chắt lọc, nâng cao hiểu biết về văn hóa dân tộc của họa sĩ.
Hiện nay, ngoài thời gian giảng dạy mỹ thuật ở Trường THCS Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), họa sĩ Lê Văn Thước chỉ biết đến sơn mài, đến mức bạn bè trêu đùa đêm ngủ còn mơ ngồi mài tranh. Bước đầu, anh đã có tranh được chọn trưng bày tại triển lãm mỹ thuật toàn quốc, triển lãm mỹ thuật Thủ đô và đoạt một số giải thưởng mỹ thuật trẻ cấp toàn quốc. Mới hơn 30 tuổi, sức trẻ cùng với sự đam mê cháy bỏng, hứa hẹn về thành công nghệ thuật sơn mài trong tương lai của họa sĩ Lê Văn Thước.
HÀM ĐAN