20 năm, một hành trình văn hóa

Con số 1,2 triệu lượt khách tham quan Đường hoa Nguyễn Huệ dịp Tết năm nay tương đương với Tết năm ngoái và cao hơn nhiều lần so với những năm trước đó. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, một bộ phận lớn người dân phải tiết giảm các khoản chi phí, trong đó có đi du lịch, việc giữ được con số ấn tượng về lượng du khách như trên là một thắng lợi lớn. Điều này cũng khẳng định, dù đã trải qua chặng hành trình 20 năm nhưng mô hình đường hoa chưa cho thấy dấu hiệu nhàm chán, ngược lại, sản phẩm văn hóa du lịch này đang ngày càng hấp dẫn du khách.

leftcenterrightdel

Đông đảo người dân, du khách tham quan Đường hoa Nguyễn Huệ dịp Tết Giáp Thìn 2024. Ảnh: LÊ HÙNG KHOA 

Bàn về vấn đề này, tại nhiều diễn đàn du lịch trên không gian mạng, một số người cho rằng, trong môi trường nghệ thuật, thật khó để một sản phẩm, chương trình nào đó có thể duy trì sức sống đến 20 năm mà vẫn hấp dẫn công chúng. Vậy mà đường hoa, một mô hình, sản phẩm văn hóa du lịch đặc trưng của TP Hồ Chí Minh mang đậm chất nghệ thuật, lại có được điều đó. Và cuộc hành trình ấy sẽ vẫn tiếp tục tái hiện vào mỗi dịp Tết đến, xuân về.

Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng xét trên góc độ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật, sự so sánh và đánh giá trên không phải không có lý. Trải qua 20 mùa xuân, hành trình ấy đủ để ngành văn hóa-du lịch và người dân Thành phố mang tên Bác tự hào về một hình thức văn hóa, một sản phẩm du lịch đặc sắc.

Ông Trần Hùng Việt, nguyên Tổng giám đốc Saigontourist Group là người có 15 năm liên tục làm Trưởng ban tổ chức Đường hoa Nguyễn Huệ. Đường hoa, với ông, vì thế đã trở thành một phần của tâm hồn, máu thịt. Ông tâm sự rằng, cứ mỗi dịp Tết đến, cùng anh em đồng nghiệp và các nghệ sĩ, nghệ nhân, chuyên gia văn hóa, nghệ thuật tham gia thiết kế, xây dựng ý tưởng, thi công đường hoa, tất cả mọi người trong guồng máy đều ăn bên hoa, ngủ bên hoa, thao thức cùng hoa... Chứng kiến dòng người nô nức trẩy hội, thưởng lãm, hình ảnh đường hoa rực rỡ trên các phương tiện truyền thông, cảm giác hạnh phúc, vui sướng thật khó tả.

Bất cứ ai khi trẩy hội đường hoa cũng đều có nhu cầu “check-in”, ghi lại những hình ảnh thật đẹp và đáng nhớ. Thật thú vị, đại đa số du khách (đặc biệt là du khách nữ) khi tham quan, chụp ảnh ở đường hoa, đều thích mặc áo dài và trang phục dân tộc. Ở bên hoa, người ta trở nên đẹp hơn, văn minh hơn, thân thiện hơn và với nhiều người, nó trở nên thánh thiện hơn. Vì thế, dù thông điệp của đường hoa mỗi mùa mỗi khác, nhưng tất cả đều chung một trục xuyên suốt, đó là nơi gặp gỡ, hội ngộ, lan tỏa tình thân. Sắc hoa, đường hoa ở Thành phố mang tên Bác theo bước chân kiều bào và du khách quốc tế, đi vào ánh mắt, tâm hồn, tâm khảm, trái tim... của bè bạn bốn biển năm châu.

Những năm gần đây, TP Hồ Chí Minh thường lấy chủ đề “Thành phố của chúng ta” trong nhiều lễ hội văn hóa mang tính quốc tế, một phần cũng chính từ những thông điệp nghĩa tình ấy. Cuốn sách mới nhất của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, tập hợp những sáng tác tiêu biểu của các hội viên viết về TP Hồ Chí Minh cũng lấy tựa “Thành phố này tôi đến, tôi yêu”. Ở đâu và lúc nào, thông điệp về tình thân, về nghĩa tình cũng bừng lên trên hành trình văn minh, hiện đại của thành phố này.

Để người dân và du khách là chủ thể sáng tạo

Đường hoa không chỉ là con đường được trang trí, sắp đặt bằng hoa. Đường hoa ở TP Hồ Chí Minh là một hành trình văn hóa. Từ cái nôi Đường hoa Nguyễn Huệ được triển khai lần đầu tiên vào dịp Tết năm 2004, mô hình đường hoa, hội hoa xuân, phố hoa, công viên hoa... dần được áp dụng, nhân rộng ở nhiều địa phương khác, tiêu biểu như Đường hoa Phú Mỹ Hưng (quận 7), các hội hoa, phố hoa, công viên hoa... ở Tân Bình, Gò Vấp, Thủ Đức... Đặc biệt, mô hình đường hoa đã được nhân rộng, lan tỏa ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại khu vực miền Nam, hầu như tỉnh, thành phố nào cũng có mô hình đường hoa vào dịp Tết.

Chính xác thì Tết Giáp Thìn vừa rồi, Đường hoa Nguyễn Huệ đã bước vào mùa xuân thứ 21. Đặc trưng xuyên suốt là mỗi dịp Tết, đường hoa lại lấy cảm hứng từ linh vật của con giáp năm đó. Năm ngoái là linh vật mèo. Năm nay linh vật rồng. Tết Ất Tỵ 2025 sẽ là linh vật rắn... Theo quy luật, vòng quay 12 năm, linh vật sẽ lặp lại. Mặc dù hằng năm, ý tưởng làm đường hoa được lên kế hoạch trước 6-7 tháng. Đường hoa là trí tuệ, tâm huyết của tập thể, quy tụ nhiều chuyên gia, họa sĩ, nhà điêu khắc, kỹ sư... dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, trong cuộc hành trình đường xa, dù Ban tổ chức có cố gắng, nỗ lực đến mấy cũng khó tránh được sự lặp lại hoặc “cạn nguồn” ý tưởng. Thực tế cho thấy, một số phân khúc, hạng mục công trình ở đường hoa qua các mùa đã có sự trùng lặp về thiết kế, tạo hình, nghệ thuật sắp đặt linh vật, tiểu cảnh... Để hành trình văn hóa có thêm nhiều ý tưởng sáng tạo, đột phá mới, cần có sự đổi mới tư duy, phương thức triển khai. Lâu nay, các đường hoa chủ yếu sử dụng kinh phí xã hội hóa. Việc xã hội hóa cần được áp dụng cả trong ý tưởng sáng tạo, xây dựng phương án thiết kế, thi công...

Nên chăng, Ban tổ chức đường hoa thông qua tiện ích, lợi thế của công nghệ thông tin và không gian mạng, cần phát động những cuộc thi thiết kế, hiến kế ý tưởng sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, kể cả kiều bào ở nước ngoài để người dân và du khách thực sự vừa là đối tượng thụ hưởng, vừa là chủ thể sáng tạo văn hóa. Đặc biệt là trong dịp Tết 2025, năm có nhiều sự kiện quan trọng: Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 50 năm đất nước thống nhất...

THANH KIM TÙNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.