QĐND - Theo đúng kế hoạch thời gian ghi trên giấy mời, hội nghị của địa phương X. sẽ tiến hành khai mạc vào hồi 7 giờ 30 phút. Nhưng đến thời điểm đó, mới có hơn hai phần ba đại biểu (mà chủ yếu là đại biểu ở xa) có mặt đúng giờ như đã quy định. Còn những đại biểu có gia đình và cơ quan gần nơi diễn ra hội nghị thì gần 8 giờ mới lục đục đến hội trường. Đúng 8 giờ, mọi người vào hội trường ổn định trật tự để chuẩn bị tiến hành khai mạc thì ban tổ chức thông báo và đề nghị mọi người chờ đợi một đồng chí đại biểu cấp trên ít phút nữa. Năm phút, mười phút... trôi qua, các đại biểu vẫn cảm thấy bình thường. Mười lăm phút, hai mươi phút... các đại biểu bắt đầu có cảm giác sốt ruột và có người tỏ ra không thoải mái. Đến 8 giờ 25 phút, vị đại biểu cấp trên mới có mặt. Vì vậy, đến 8 giờ 30 phút hội nghị mới chính thức khai mạc, chậm một tiếng so với kế hoạch.
Trên đây không phải là trường hợp cá biệt, mà thực tế vẫn còn một số hội nghị, cuộc họp ở không ít địa phương, cơ quan, tổ chức diễn ra không đúng thời gian, kế hoạch đã quy định do người tham dự đến muộn. Không chỉ “bớt xét” thời gian, có hội nghị lúc tiến hành khai mạc hay buổi sáng đầu tiên thì đại biểu đến dự và tham gia đông đủ, nhưng đến buổi chiều hay lúc bế mạc thì đại biểu tự nhiên vắng mặt... không lý do. Chưa nói đến chất lượng, nội dung, hiệu quả của cuộc họp đến đâu, chỉ bàn về ý thức chấp hành thời gian của những đại biểu (mà ở đây hầu hết đều là cán bộ, đảng viên, công chức Nhà nước) là thiếu tinh thần tự giác, nghiêm túc, nếu không muốn nói là thiếu trách nhiệm ngay cả đối với việc đi họp hành, dự hội nghị.
Năm 1945, mở đầu bài nói chuyện tại Lễ tốt nghiệp khóa V Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Bác Hồ đã thẳng thắn góp ý: “Trong giấy mời tới đây nói 8 giờ bắt đầu, bây giờ 8 giờ 10 phút rồi mà nhiều người chưa đến. Tôi khuyên anh em phải làm việc cho đúng giờ, vì thời gian quý báu lắm”. Còn trong tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc viết tháng 10-1947, khi chỉ ra những khuyết điểm vẫn còn tồn tại trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, Bác đã chỉ ra khuyết điểm chấp hành “không đúng giờ”. Bác nêu rõ: “Hẹn khai hội tám giờ thì chín, mười giờ mới đến”. Tác hại của việc thiếu ý thức tập thể đó là: “Làm mất thì giờ của người khác”.
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác là một tấm gương mẫu mực về việc chấp hành đúng thời gian, giờ giấc, nhất là khi đã hứa, đã nói đến dự hội nghị, cuộc họp nào, Bác đều không ngại khó khăn, trở ngại để đến với mọi người. Là lãnh tụ tối cao của Đảng và dân tộc, Bác không bao giờ cho mình “cái quyền” “đứng trên”, “đứng ngoài” tập thể, tổ chức, từ cái việc tưởng như cỏn con và nhỏ nhặt nhất là chấp hành chính xác giờ giấc đến từng phút. Chúng ta còn nhớ một câu chuyện xảy ra trong kháng chiến chống Pháp. Một đồng chí cán bộ đến chậm khiến Bác và những người có mặt hôm đó phải chờ đợi. Bác hỏi: “Chú đến chậm mấy phút?”. “Thưa Bác, chậm mất 10 phút ạ!”. Bác bảo: “Chú tính thế không đúng, 10 phút của chú phải nhân với 500 người đợi ở đây”. Năm 1953, Bác quyết định đến thăm lớp chỉnh huấn của anh em trí thức. Nhưng đúng lúc đó, trời đột ngột đổ cơn mưa như trút nước hàng tiếng đồng hồ mà vẫn không có dấu hiệu tạnh. Mọi người đang cảm thấy thất vọng thì bất ngờ Bác Hồ xuất hiện trong chiếc áo mưa sũng nước, quần xắn quá đầu gối, đầu đội nón. Trước khi đi, có đồng chí đã đề nghị Bác cho hoãn đến lần sau, thì Bác nói: “Đã hẹn thì phải đến, đến cho đúng giờ. Đợi trời tạnh mưa thì biết khi nào? Thà chỉ một mình Bác và một vài chú nữa chịu ướt còn hơn để cho cả lớp học phải chờ uổng công”.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta đừng quên việc học tập và làm theo tấm gương chấp hành nghiêm túc thời gian, giờ giấc một cách chính xác như Bác đã từng thể hiện trong suốt cuộc đời. Vì theo Bác, giữ đúng thời giờ là đức tính tốt của người cách mạng. “Thời gian quý hơn vàng bạc”, “Hoài phí thời gian là hoài phí của cải vô giá của con người”. Đó là những câu nói rất hay, rất ý nghĩa mà chúng ta đã được nghe nhiều. Do vậy, coi trọng, đề cao và chấp hành nguyên tắc “làm việc đúng giờ”, “giờ nào việc ấy” phải được xác định là một trong những yếu tố quan trọng làm nên phong cách văn hoá công tác của người cán bộ, đảng viên. Đó cũng là một biện pháp hữu hiệu để góp phần phòng, chống lãng phí thời gian, xây dựng tác phong làm việc khoa học, văn minh và phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.
THIỆN VĂN