Các nghệ sĩ liên quan đến vụ việc này không có dấu hiệu trục lợi trong hoạt động từ thiện. Như vậy là trắng-đen đã rõ, sự thật đã sáng tỏ. Và tất nhiên, dư luận xã hội cũng chấm dứt các chỉ trích mà trước đó, có thời điểm nó đã hóa “bão” mạng.

Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao khi sự thật chưa rõ ràng, tại sao chỉ từ một nguồn tin chưa được kiểm chứng, một bộ phận đông đảo người dùng mạng xã hội lại tham gia vào cuộc “tổng sỉ vả” một cách thái quá như vậy? Sức nóng từ dư luận khiến một số nghệ sĩ phải khóa các tài khoản cá nhân, lẩn trốn truyền thông để tránh bị “ném đá”! Qua đó để thấy, áp lực dư luận trên không gian mạng, trong những trường hợp tương tự là vô cùng khủng khiếp. Người nổi tiếng, người có địa vị xã hội một khi đã dính đến thị phi, bị dư luận mạng xã hội tấn công thì rất khó có cơ hội giải thích. Trong nhiều trường hợp, người trong cuộc càng giải thích thì lại càng bị tấn công, chỉ trích, thậm chí là bị chửi bới, thóa mạ bằng những ngôn từ nặng nề, thái độ hằn học, mạt sát khiến uy tín, danh dự, sự nghiệp của các nạn nhân và gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Tranh minh họa: Báo Dân trí. 

Những người được cơ quan chức năng kết luận trong các vụ việc có yếu tố pháp lý thì có cơ hội lấy lại danh dự, uy tín, danh tiếng. Nhưng, với những vụ việc mang tính thị phi, trắng đen không rõ ràng thì sự tấn công của dư luận mạng xã hội chẳng khác gì “giết người không dao”. Không ít người bị trầm cảm, bị sang chấn tâm lý, cuộc sống bị ảnh hưởng nặng nề.

Chúng ta đã nói nhiều đến tính hai mặt của mạng xã hội. Bên cạnh những tiện ích tích cực, sự tồn tại của những mặt trái là tất yếu. Nhưng, nếu để nó phát triển một cách thái quá, có những phân khúc mặt trái lấn át mặt phải thì hậu quả đối với đời sống cá nhân và môi trường văn hóa không gian mạng khó mà đong đếm.

Ở một phương diện khác, khi chính mỗi người trong chúng ta, vì vô tình hay hữu ý đã tham gia vào những “cơn bão mạng” theo kiểu “té nước theo mưa”, chỉ trích, chửi bới, thóa mạ... một ai đó khi chưa rõ đúng sai, chúng ta sẽ ứng xử thế nào sau khi sự thật được sáng tỏ, bản chất sự việc không phải như ta tưởng? Chúng ta có xin lỗi, bày tỏ sự ăn năn, hối hận vì đã lỡ xúc phạm, làm tổn hại tinh thần người khác không? Thực tế cho thấy, một bộ phận lớn người dùng mạng xã hội trong những hoàn cảnh này, hoặc chọn cách im lặng, hoặc xóa đi những bình luận, dòng trạng thái đã đăng. Nếu có phản ứng thì cũng chỉ là những thao tác kiểu “À, ra thế!...”. Khi chúng ta là một phần của “cơn bão mạng” với vô số ngôn từ, thái độ chỉ trích, thóa mạ ấy, chúng ta được gì? Không có gì cả ngoài việc nói cho bõ tức, nói cho “sướng miệng!”. Cái kiểu “sướng miệng” của những người có học vấn, có tri thức, nó nguy hiểm và gây hậu quả nặng nề với đời sống tinh thần của xã hội hơn nhiều so với người bình thường. Khi ta “sướng miệng”, có nghĩ đến một lúc nào đó, chính chúng ta hay người thân là nạn nhân của hội chứng “ném đá” trên không gian mạng?

Để có một môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng, phải bắt đầu bằng hành vi ứng xử có văn hóa của mỗi người dùng mạng xã hội, trước hết là từ những người có tiếng nói, có sức ảnh hưởng nhất định trong đời sống xã hội. Nếu biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, ắt người ta sẽ có những cân nhắc, tiết chế khi bày tỏ thái độ cá nhân trên mạng xã hội. Cần tẩy chay thái độ hóng hớt, a dua, chỉ trích vô căn cứ, nói cho “sướng miệng”...

PHAN TÙNG SƠN