Mới đây, Cường đã giành giải nhất ở bảng thi nhạc cụ truyền thống tại Cuộc thi âm nhạc quốc tế Trung Quốc-Singapore năm 2024.

Từ bé, Ly Mí Cường (sinh năm 2005, tại xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) đã được tiếp xúc với tiếng sáo, tiếng khèn của người Mông. Được một số nghệ nhân và đặc biệt là bố truyền dạy, Cường sớm gắn bó với âm nhạc truyền thống. Nếu như trước đây chơi sáo theo bản năng thì khi về học tập tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Cường được làm quen với cách học chuyên nghiệp, bài bản từ việc lấy hơi, đặt tay, giữ nhịp đến nhấn nhá nốt nhạc. Cùng là một loại sáo nhưng sáo trúc và sáo Mông có những điểm khác biệt, yêu cầu Cường phải làm chủ được những nốt nhạc.

leftcenterrightdel
Ly Mí Cường biểu diễn khèn Mông tại Chương trình “Tết Mông xuống phố”. 

Mặc dù được đào tạo về sáo trúc nhưng vốn là người dân tộc Mông nên Cường luôn đau đáu muốn quảng bá các nhạc cụ dân tộc mình. Tại Cuộc thi âm nhạc quốc tế Trung Quốc-Singapore năm 2024, người xem thích thú khi thấy một chàng trai trong trang phục dân tộc thiểu số tấu lên những giai điệu đẹp với cây sáo và khèn Mông. Ngoài ra, Cường còn chú trọng đưa những thanh âm chứa đựng bản sắc người Mông đến với nhiều sự kiện âm nhạc lớn, như: “Tết Mông xuống phố”, liveshow của Đen Vâu... Đau đáu việc người trẻ không mặn mà với âm nhạc truyền thống dân tộc, trong các tiết mục biểu diễn, Cường đã cố gắng kết hợp độc đáo giữa nhạc cụ truyền thống và hiphop để tạo ra những bản nhạc gần gũi với khán giả.

Thời gian này, Ly Mí Cường đang tất bật chuẩn bị các tiết mục để tham gia Cuộc thi Hong Kong International Music Festival 2024 tại Trung Quốc. Cường muốn mang đến cho khán giả nước ngoài những bản nhạc sáo, khèn Mông mới lạ, hấp dẫn để qua đó giới thiệu, quảng bá với bạn bè quốc tế về dân tộc, về quê hương nơi anh sinh ra. Luôn đau đáu với sự phát triển nghệ thuật quê nhà, thời gian qua, Cường thường xuyên động viên, giúp đỡ nhiều bạn trẻ có niềm đam mê với âm nhạc dân tộc. Đặc biệt, dự định trong dịp hè này, Cường sẽ trở về Đồng Văn mở lớp dạy sáo trúc, sáo Mông, khèn Mông... miễn phí để truyền tình yêu, sự đam mê âm nhạc dân tộc cho những người trẻ. Ly Mí Cường hy vọng từ những lớp học này sẽ phát hiện, bồi dưỡng để các bạn trẻ dân tộc Mông đến với âm nhạc truyền thống, cùng anh góp sức quảng bá âm nhạc đồng bào Mông nói riêng và âm nhạc dân tộc nói chung đến mọi người.

Là người trực tiếp giảng dạy Ly Mí Cường tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Nghệ sĩ Ưu tú Ngọc Anh (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long) cho rằng, dù xuất phát điểm là người dân tộc thiểu số, chưa được tiếp cận với sáo trúc nhưng Ly Mí Cường đã nỗ lực học tập và có quá trình phát triển vượt bậc. Tiếng sáo của Cường đẹp, trong trẻo, da diết, gợi nhớ cho người nghe đến những vùng cao nguyên đá đậm đà bản sắc của người Mông.

Bài và ảnh: NGÔ KHIÊM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.