Dưới ánh đèn lấp lánh, Bá Dũng thăng hoa cùng những thanh âm trầm bổng. Khi là tiếng sáo du dương, êm đềm tựa khúc hát ru, lúc lại dồn dập tiếng trống như bước chân đoàn quân ra trận. Ngồi phía dưới khán phòng, Đại tá Trần Thanh Hải, Chủ nhiệm Chính trị Cục Bản đồ chia sẻ: “Hòa tấu sáo cùng các nhạc cụ dân tộc giúp truyền tải nhiều cảm xúc ấn tượng, sâu sắc tới người nghe. Đó cũng là nét độc đáo trong chương trình tham dự liên hoan văn nghệ quần chúng của đơn vị”.

leftcenterrightdel

Thiếu úy Nguyễn Bá Dũng biểu diễn tiết mục “Ngày hội non sông”.

Được biểu diễn phục vụ bộ đội là niềm hạnh phúc, Bá Dũng tâm niệm như vậy. Thế nên đã biết bao lần, anh say mê thổi sáo cho đồng đội nghe. Tiếng sáo như là lời động viên, tâm sự, gắn kết tình đồng chí, nhân lên niềm vui trong đơn vị.

Bá Dũng yêu âm nhạc từ nhỏ. Cậu bé ở thôn Cùm Hoa, xã Bản Sen (Mường Khương, Lào Cai) đã được nghe tiếng sáo, tiếng khèn của đồng bào và từ đó nhân lên tình yêu với âm nhạc truyền thống. Đến khi trở thành học viên Trường Sĩ quan Chính trị, Nguyễn Bá Dũng có cơ hội thể hiện niềm yêu thích với âm nhạc. Trong trường có nhóm chơi sáo, Dũng đã tìm đến học hỏi.

Cây sáo đơn sơ, mảnh mai nhưng khi thổi lên chất chứa trong đó hơi thở, tâm hồn con người. Khi buồn, tiếng sáo trầm lắng, da diết; khi vui, sáo rộn ràng nhịp khúc hoan ca. Để có được kỹ thuật thổi sáo điêu luyện là cả một quá trình khổ luyện vất vả. Những kỹ thuật lấy hơi, đánh lưỡi, vuốt ngón được đồng đội chỉ dạy tận tình.

Trong điều kiện sinh hoạt tập trung, để thể hiện niềm yêu thích cá nhân, Dũng tìm đến những nơi vắng trong đơn vị tập luyện mà không làm ảnh hưởng tới mọi người. Cho đến một ngày, anh tự tin đứng trước đồng đội biểu diễn. Tiếng vỗ tay, lời động viên của đồng đội giúp tiếng sáo của Bá Dũng vang xa, ngân nga. Cũng từ đó, trong các dịp sinh hoạt, liên hoan văn nghệ, anh đều góp vui bằng tiếng sáo trúc.

Ra trường, Nguyễn Bá Dũng được điều về công tác tại Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ địa hình quân sự. Nơi mảnh đất Đà Lạt (Lâm Đồng) đẹp như nhạc, như thơ đã gợi trong tâm hồn người sĩ quan trẻ những xúc cảm mới lạ. Rồi tiếng sáo cất lên trong những chiều xa quê. Nguyễn Bá Dũng say sưa biểu diễn trước học viên.

Tất cả học viên quây quần, chìm trong tiếng sáo tha thiết, sâu lắng. Phút giây thư giãn gắn kết tình thầy trò, đồng đội, cùng động viên nhau cố gắng học, rèn. Thiếu úy Nguyễn Bá Dũng chia sẻ: “Cây sáo nhỏ là người bạn tâm tình của tôi. Tôi yêu tiếng sáo và coi đó là nguồn động viên để tinh thần thêm hứng khởi, tích cực trong công tác”.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.