Những thước phim lay động lòng người
Ngồi xem lại bộ phim “Nổi gió” do mẹ của mình-Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thụy Vân-đóng vai nữ chính tên Vân, TS Ngô Anh Đào không cầm được nước mắt, nhất là khi xem cảnh nhân vật Vân bị địch tra tấn bằng cách đốt mười đầu ngón tay.
“Đây là cảnh quay đạo diễn Huy Thành yêu cầu chỉ thực hiện một lần duy nhất. Tay mẹ tôi được quấn băng, đắp thạch cao và đốt bên ngoài. Bên cạnh luôn có người cầm sẵn xô nước để sẵn sàng ứng cứu khi cần. Tôi từng hỏi mẹ có sợ không, mẹ chỉ đáp: “Không. Trong khoảnh khắc đó, mẹ là chị Vân!”. Tôi đã rất cảm phục tinh thần cống hiến vì nghệ thuật của mẹ và rất nhiều nghệ sĩ khác thời đó. Họ thực sự đã dấn thân hết mình, để lại cho nền điện ảnh cách mạng Việt Nam những thước phim vô giá, lay động lòng người”, TS Ngô Anh Đào chia sẻ.
 |
Hình ảnh trong phim “Nổi gió” của đạo diễn Huy Thành. Ảnh do Viện Phim Việt Nam cung cấp |
Bộ phim “Nổi gió” của đạo diễn Huy Thành sản xuất trong những năm chiến tranh đang diễn ra vô cùng ác liệt. Phim được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của tác giả Đào Hồng Cẩm, ra mắt năm 1966, giành giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ nhất năm 1970. “Nổi gió” khắc họa sâu sắc sự đối lập về tư tưởng giữa hai chị em: Vân-chiến sĩ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Phương (NSND Thế Anh)-một viên Trung úy ngụy. Nhân vật Trung úy Phương sau này đã trở thành vai diễn để đời, gắn liền với tên tuổi của NSND Thế Anh trong lòng nhiều thế hệ khán giả.
“Cộng sản, đó là niềm hy vọng của bao nhiêu người. Trong những lúc khó khăn nhất, gian khổ nhất, hai tiếng thiêng liêng đó như có một sức mạnh lạ kỳ”, TS, nhà lý luận phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan nhấn mạnh lời thoại trong phim “Nổi gió”. Theo bà, chính sự chắt lọc trong ngôn ngữ và chiều sâu tư tưởng đã giúp “Nổi gió” vượt lên trên một tác phẩm điện ảnh thông thường, trở thành biểu tượng của dòng phim cách mạng-nơi ký ức, lịch sử và nhân văn được thăng hoa bằng nghệ thuật. Một trong những thành công của “Nổi gió” còn là sự khắc họa hình tượng nhân vật nữ có tính biểu tượng-nhân vật Vân-một người phụ nữ vừa kiên trung, vừa mạnh mẽ nhưng cũng đầy xót thương.
Động lực để cống hiến, sáng tạo
Cùng với “Nổi gió”, điện ảnh cách mạng Việt Nam thời bấy giờ có khá nhiều bộ phim mà ở đó thể hiện rất rõ nét yếu tố đặc sắc-đó là “tính nữ”. Những nhân vật nữ trong các bộ phim không chỉ đại diện cho tình yêu thương, sự thủy chung và hy sinh, mà còn là biểu tượng của sự bền bỉ vượt lên gian khó, đại diện cho phẩm chất người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh.
Một trong những gương mặt nữ diễn viên để lại dấu ấn trong các nhân vật nữ điển hình của điện ảnh cách mạng chính là NSND Trà Giang. Với “Chị Tư Hậu” (năm 1962), “Lửa rừng” (năm 1966), “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (năm 1972), Trà Giang được ví là nữ hoàng của điện ảnh Việt những năm chiến tranh. Nhắc lại những vai diễn của mình, NSND Trà Giang không khỏi xúc động với ký ức về vai Dịu trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” do NSND Hải Ninh đạo diễn.
Bà kể, để hóa thân vào vai Dịu, nghệ sĩ đã nhiều lần gặp người phụ nữ nguyên mẫu ở ngoài đời tên Hoàng Thị Thảo. Nghệ sĩ được chị Thảo, lúc đó là Bí thư Chi bộ kiêm Xã đội trưởng xã Gio Hà (Gio Linh, Quảng Trị), kể cho nghe hoàn cảnh gia đình đầy xót xa của mình. Theo đó, cha chị mất, mẹ bị giặc bắn, anh trai bị tù đày... Tuy vậy, chị Thảo vẫn đứng lên cầm súng gia nhập đội du kích để hoạt động cách mạng. Câu chuyện về cuộc đời của chị Thảo trùng hợp đến kỳ lạ với nhân vật Dịu trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” khiến cho nghệ sĩ Trà Giang nhập vai rất đạt... Những năm tháng sau này, hình ảnh người phụ nữ kiên cường của vùng đất Gio Linh luôn sống mãi trong ký ức nữ nghệ sĩ tên tuổi của điện ảnh cách mạng Việt Nam.
NSND Trà Giang tâm sự: “Tôi nhớ khi đoàn phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” đi dự Liên hoan phim quốc tế Moscow năm 1973, phim đoạt giải nhất của Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới và tôi đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc, đoàn làm phim nước ngoài dành cho chúng tôi lời chia sẻ: “Những người Mỹ rất xúc động và xin lỗi đoàn làm phim vì những gì chiến tranh đã gây ra cho người dân Việt Nam”. Tôi nghĩ, đó chính là điều thành công và cũng chính là nguồn động lực thôi thúc để những người làm phim Việt Nam tiếp tục sáng tạo, cống hiến và cho ra đời những bộ phim quý giá về đất nước và con người Việt Nam trước, trong và sau chiến tranh”.
Với đạo diễn gạo cội, NSND Đặng Nhật Minh, những tác phẩm điện ảnh về chiến tranh cách mạng, người lính của Việt Nam luôn có sức hút và cũng là động lực thôi thúc người làm điện ảnh sáng tạo. Ông nhấn mạnh, phim chiến tranh từng là mạch chủ đạo của điện ảnh Việt Nam. Nhiều năm nay, đề tài này ít đi, đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, phim Việt chủ yếu là phim giải trí, tình cảm, hài... thu hút lượng lớn khán giả trẻ. Điều này không xấu nhưng đang tạo ra sự thiếu cân bằng. Tuy nhiên, dòng phim chiến tranh cách mạng vẫn luôn tồn tại, vận động như một dòng mạch riêng. Thay vì mải “lao xao” bàn tán, khán giả hãy dành thời gian xem phim, bỏ tiền mua vé xem phim để thực sự cảm nhận. Đó là cách thiết thực để ủng hộ, cổ vũ tinh thần những người làm phim.
“Chúng ta đang có những phim “Đào, phở và piano”, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, tới đây là “Mưa đỏ”... đều là các tác phẩm thể hiện cách nhìn mới mẻ, đa diện của những người trẻ về lịch sử. Đó là những tín hiệu để khán giả có thể kỳ vọng về sự thay đổi trong cách làm phim về đề tài chiến tranh, làm sao để có những bộ phim phác họa được gương mặt quen thuộc của lịch sử, song vẫn gửi gắm được những tư tưởng của con người đương đại”, NSND Đặng Nhật Minh chia sẻ.
CHÂU XUYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.