Điều này đặt ra những đòi hỏi về việc tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, góp phần tiếp lửa cho những báu vật nhân văn sống bảo tồn và phát huy những giá trị quý báu của dân tộc.
Trăn trở của những người giữ lửa
Người làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) xưa nay vẫn luôn tự hào là một trong những trung tâm ca trù của cả nước. Nhưng hiện nay, số nghệ nhân còn lại của làng chỉ vỏn vẹn có 3 người, gồm: Ca nương Phạm Thị Mận, Phạm Thị Điền và kép đàn Nguyễn Văn Tuyển. Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Điền trăn trở: “Cơm áo chẳng đùa với ca trù, dẫu cho ngọn lửa tình yêu với nghệ thuật ca trù đã có hơn 600 năm tồn tại ở làng. Nhưng thế hệ trẻ sinh ra, lớn lên tại đây lại đang chọn cho mình những công việc khác, ít cô gái nào dám gán mác thêm cái chữ ca nương”.
 |
Nghệ nhân, ca nương, kép đàn làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) trong một buổi diễn ca trù. Ảnh: ĐINH VÂN. |
Ca trù chỉ là nghề tay trái, không nuôi sống được bản thân cho nên cũng là lý do chính mà lớp trẻ không mặn mà theo đuổi. Bên cạnh đó, học ca trù rất khó, cần sự say mê, nhiệt huyết. Điều khiến người dân địa phương cũng như những người làm công tác gìn giữ ca trù tại Lỗ Khê trăn trở là hiện địa phương vẫn chưa có kế hoạch phát triển, bồi dưỡng cho lớp trẻ cũng như chế độ đãi ngộ hợp lý với những nghệ nhân nên họ khó chuyên tâm, cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Không lo mất di sản như các nghệ nhân làng Lỗ Khê, các nghệ nhân và lương y của đồng bào Dao ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì) lại lo lắng tri thức làm thuốc nam của đồng bào dân tộc mình đang bị lạm dụng danh tiếng, phát triển tràn lan tới nhiều địa phương khác mà không có cơ quan kiểm định. Lương y, nghệ nhân Triệu Thị Dung (là chắt của danh y Hà thành Dương Thị Cao) cho biết: "Việc làm thuốc nam của người Dao ở xã Ba Vì được coi là di sản văn hóa và đang được ngành văn hóa Hà Nội cũng như chính quyền địa phương bảo tồn, phát triển. Tuy nghề thuốc là nghề gia truyền của gia đình nhưng thực tế không phải ai cũng làm được nghề. Để phục vụ tốt hơn cho công việc, tôi phải học hỏi từ sách vở, các vị lương y khác, tích lũy từ kiến thức, kinh nghiệm dân gian để nâng cao tay nghề”.
Ngày nay, mặc dù y học phát triển nhưng các bài thuốc nam vẫn giúp cộng đồng nơi đây bảo vệ sức khỏe và trở thành nghề mang lại nguồn thu nhập chính cho họ. Nhưng, như lời nghệ nhân Triệu Thị Dung, muốn tri thức dân gian được gìn giữ và phát triển bền vững, chỉ dựa vào dòng họ hay cá nhân khó có thể làm được. Cần có sự quan tâm của các cấp trong việc tổ chức những khóa học, lớp học truyền dạy bài bản, khoa học về đông y để nâng cao hiểu biết cho những người làm thuốc nam, với các chuyên đề về sơ chế và bảo quản thuốc, chẩn đoán bệnh... Để làm được điều này cần có chính sách đãi ngộ thích đáng cho các nghệ nhân, lương y lành nghề dành tâm huyết truyền dạy.
Tiếp thêm động lực cho nghệ nhân gìn giữ, phát huy di sản
Trong đợt công bố danh sách đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú mới đây của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Hà Nội tiếp tục dẫn đầu với 71 cá nhân được đề nghị xét tặng các danh hiệu, trong tổng số 671 hồ sơ của cả nước. Đây là sự khích lệ những báu vật nhân văn sống tiếp tục phát huy tài năng, trách nhiệm trong quá trình bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Theo bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội), Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2015. Công tác kiểm kê di sản giúp xác định loại hình cần ưu tiên bảo vệ, nhất là với các di sản có nguy cơ mai một. Cũng trên cơ sở đó, thành phố đã triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác truyền dạy di sản văn hóa tại nhiều địa phương, nhân rộng đối tượng thực hành di sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng; thực hiện giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh trung học phổ thông, với 4 loại hình: Nghề gốm Bát Tràng, múa rối nước, tục ăn trầu và làm đèn kéo quân.
Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Lỗ Khê Nguyễn Văn Đạm cho hay, việc hỗ trợ truyền dạy di sản đã tiếp sức rất nhiều cho các nghệ nhân ở địa phương cả về kinh phí lẫn kinh nghiệm tổ chức. Tuy nhiên, việc quan tâm chính sách đối với nghệ nhân ở Hà Nội vẫn còn những hạn chế cần sớm được khắc phục, trong đó, phải kể đến việc thiếu chế độ đãi ngộ riêng dành cho lớp người nắm giữ di sản. Để hỗ trợ nghệ nhân, nhiều tỉnh như: Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh... đã có cơ chế hỗ trợ riêng, điều còn thiếu ở Thủ đô di sản-thành phố Hà Nội.
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, ngành văn hóa Thủ đô cũng đã có những kiến nghị với thành phố về việc xây dựng cơ chế đãi ngộ cho lớp người nắm giữ di sản. Cụ thể, trong dự thảo Kế hoạch “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội trình UBND thành phố xem xét, ban hành có nội dung xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, qua đó tiếp sức cho di sản mãi trường tồn trong đời sống.
VƯƠNG HÀ