Theo quan niệm của người Xinh Mun, con người tồn tại được là nhờ có các “hồn”. Nếu "hồn" bị lạc, người sẽ sinh bệnh, gia đình gặp rủi ro. Cũng như nhiều dân tộc khác ở vùng Tây Bắc, họ tin rằng chỉ có những người làm thầy cúng - người được thần linh chọn lựa và truyền dạy mới có khả năng giao tiếp với thế giới vô hình để “gọi hồn”, xua rủi gọi may.
 |
Thầy mo và dân bản tái hiện lễ cúng. |
Lễ Mạng Ma (lễ cầu sức khỏe) là một nghi lễ đặc biệt dành cho những người làm nghề thầy cúng. Nghệ nhân Vì Văn Són (bản Nà Dạ, xã Chiềng On, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) - thầy cúng trong buổi tái hiện tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, trước khi hành nghề, mỗi thầy đều phải có một thầy đỡ đầu và để chính thức nhận người đỡ đầu này, họ phải tổ chức nghi lễ Mạng Ma. Sau đó, cứ định kỳ 5 đến 10 năm, thầy cúng lại làm lễ này một lần để cầu sức khỏe, giải hạn. Nếu trong thời gian ấy, thầy đỡ đầu qua đời, người học trò buộc phải nhờ một thầy khác chọn cho mình một người thầy mới, và lại tiếp tục thực hiện nghi lễ.
Ngoài ra, nghi lễ này còn cầu cúng cho những người dân trong bản khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu; vật nuôi không mắc bệnh dịch, sinh sôi nảy nở. Lễ Mạng Ma thường tổ chức vào mùa xuân, khi hoa ban, hoa mạ nở, măng đắng đã mọc nhiều, lúc này thầy cúng xem ngày tốt để tổ chức nghi lễ, những người trong gia đình chuẩn bị lương thực, thực phẩm, mời họ hàng và bà con dân bản đến dự lễ.
Từ sáng sớm chủ nhà tiến hành sửa soạn mâm lễ gồm có: Lợn, gà, bánh chưng, trầu cau, rượu…. Và cắt cử mọi người làm Cây nêu (Cọc đắng), cây nêu được trang trí xung quanh bằng cây dây rau bò khai, hoa ban, hoa mạ, hoa lúa bằng lạt tre, rượu cần…
 |
Trò diễn To miềng (đấu kiếm) trong Lễ Mạng Ma.
|
Khi thực hành lễ, thầy cúng mặc trang phục truyền thống của người Xinh Mun, đầu đội khăn được tạo bằng cách ghép 2 mảnh vải thổ cẩm đỏ, đính các loại vải nhiều màu rực rỡ. Những người dự lễ cũng khoác lên mình trang phục truyền thống của người Xinh Mun.
Nghi lễ bắt đầu, thầy cúng bắt đầu đọc bài cúng mời các thần linh về dự lễ, cầu xin thần linh phù hộ cho gia đình mạnh khỏe, xua đi những điều không may, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con cháu đầy đàn, cuộc sống no đủ. Những lời khấn cổ, được dịch lại trong tiếng Việt, mang vần điệu dân gian đầy hình ảnh:
“Đầu gà to bằng bờ,
Đùi gà lớn bằng mai,
Nắm xôi thơm gạo mới,
Miếng cơm trắng dẻo quẹo,
Về ăn cho no bụng trên,
Đến ăn cho đầy bụng dưới…”.
Lời khấn nối dài theo dòng chảy tâm linh, như một bản tấu trình với trời đất: Từ chuyện sức khỏe, tuổi thọ của gia chủ, đến việc cây lúa, cây ngô tốt tươi, bạc vàng đầy nhà, con cháu khỏe mạnh, vật nuôi đầy chuồng…
“Nuôi bò đẻ nhiều cái,
Nuôi trâu nái đầy đàn,
Nuôi con út cho béo khỏe,
Con đẻ cuối chóng lớn khôn ngoan…”.
 |
Đồng bào Xinh Mun cùng nhau vừa xòe vừa tung thóc lên cây nêu trong trò diễn gieo mạ.
|
Khi lễ cúng hoàn tất, thầy cúng mời dân bản cùng xòe mừng lễ vật. Một chiếc khăn buộc ngang eo, khăn còn lại quàng qua cổ, tay cầm quạt và dao, thầy cúng bước vào vòng xòe. Phụ nữ cầm ô, lọng, hoa, ve sầu, nam giới thì cầm cày, bừa, dao... Điệu xòe được trình diễn xung quanh cây nêu. Phụ nữ nhẹ nhàng uyển chuyển như đang dâng hoa, che nắng, nam giới dứt khoát mạnh mẽ với động tác phát nương, cày ruộng, mô phỏng lao động sản xuất thường nhật.
Khi vòng xòe còn chưa dứt, một trò diễn khác đã bắt đầu: Lác gừa (trò chèo thuyền). Những dải khăn dài được nối với nhau, nam nữ đứng xen kẽ cầm khăn múa theo nhịp chèo, tiến lên phía trước. Trong tiếng chiêng trống đều đều, thầy cúng tay cầm dao và một tay cầm quạt đi qua lại theo nhịp của người chèo thuyền như là người chỉ huy.
Tiếp đến là trò To miềng (đấu kiếm). Bốn người (2 nam 2 nữ) được chọn từ trước cầm kiếm gỗ múa lượn giữa vòng tròn. Tiếng hò reo cổ vũ, tiếng chiêng trống vang dội làm nền cho những bước đấu kiếm mạnh mẽ, khoáng đạt. Trò diễn thể hiện sức mạnh và sự dũng cảm của người dân. Bên cạnh đó, còn biểu thị sự gắn bó cộng đồng, thúc đẩy tinh thần đồng đội và khơi dậy niềm tự hào văn hóa của người Xinh Mun.
 |
Thầy mo và dân bản cùng du khách uống rượu cần. |
Khép lại chuỗi trò diễn là nghi thức gieo mạ - một nghi lễ tượng trưng cho mùa vụ sắp tới. Người tham gia cầm bát thóc, vừa xòe vừa tung thóc lên cây nêu. Trong không khí ấy, một người có uy tín trong bản đọc bài ca gieo mạ với lời chúc vụ mùa tốt tươi, sinh sôi đông đúc:
“Trên rừng hoa ban nở,
Cây măng đắng cao bằng vai,
Cấy vụ này sẽ tốt,
Làm vụ này sẽ được,
Thóc xuống đất nảy mầm,
Thóc xuống nước tốt tươi…”.
Mỗi hạt thóc bay lên, mang theo niềm tin vào một vụ mùa trọn vẹn, vào sự sống đang lan tỏa khắp bản làng. Không khí lễ hội như đọng lại trong ánh mắt rạng rỡ của những người Xinh Mun khi xòe, khi múa, khi khấn nguyện như thể họ đang nói với đất trời, với thần linh và với chính mình về khát vọng sống bình yên, no đủ và đoàn kết.
Năm 2020, nghi lễ này đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, ghi nhận xứng đáng cho giá trị văn hóa mà cộng đồng người Xinh Mun gìn giữ qua bao đời.
Ông Phạm Hồng Thu, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La cho biết: “Lễ Mạng Ma là nghi lễ truyền thống lâu đời, mang ý nghĩa cầu sức khỏe, giải hạn cho các thầy mo và cộng đồng. Đây là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Xinh Mun và hiện vẫn được bảo tồn nguyên vẹn, không lo nguy cơ mai một”.
Bài, ảnh: PHẠM THỨ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc, tôn giáo xem các tin, bài liên quan.