Trong số đó phải kể đến cộng đồng người Hoa tại TP Hồ Chí Minh đang sinh sống ở các quận, huyện nhưng tập trung nhiều nhất ở khu vực Chợ Lớn (quận 5, TP Hồ Chí Minh).
Từ khi đến sinh sống và lập nghiệp tại vùng đất Sài Gòn-Chợ Lớn, người Hoa đã mang theo những nét văn hóa đặc trưng, tục lệ đón Tết Nguyên đán.
Mỗi dịp Tết đến xuân về, như bao gia đình người Hoa khác đang sinh sống tại khu vực Chợ Lớn, bà Ngô Tiên Nữ (ngụ tại Quận 5, TP Hồ Chí Minh) rất coi trọng việc thờ cúng tổ tiên.
Thế nên, dù đã hơn 90 tuổi, bà Nữ vẫn muốn tự tay lau chùi, dọn dẹp bàn thờ tổ tiên để đón Tết Nguyên đán. Đối với bà, bàn thờ tổ tiên là nơi quan trọng nhất trong nhà, để con cháu tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên.
Khi bàn thờ đã tươm tất, những chiếc bánh tổ (còn gọi là bánh niên cao) được dâng lên ông bà. Bánh tổ là một món bánh không thể thiếu trên bàn thờ của người Hoa dịp Tết Nguyên đán, mang ý nghĩa tượng trưng cho sự sung túc, ấm no và hạnh phúc.
Bà Ngô Tiên Nữ chia sẻ: “Việc trang trí bàn thờ vào dịp Tết cũng giống như việc mọi người mặc áo mới để đón Tết. Bàn thờ cũng cần được “mặc áo mới”.
Việc dọn dẹp, lau chùi bàn thờ sạch sẽ, trang trí bằng những vật phẩm mới không chỉ là hình thức, mà còn là cách để con cháu thể hiện lòng thành kính và cầu mong tổ tiên phù hộ cho gia đình một năm mới bình an, không bệnh tật”.
 |
Tại khu vực Chợ Lớn (Quận 5, TP Hồ Chí Minh), cộng đồng người Hoa đi Hội quán Tuệ Thành - Chùa Bà Thiên Hậu cầu mong những điều tốt đẹp nhân dịp Tết Nguyên đán 2025.
|
Đối với người Hoa, việc dọn dẹp nhà cửa đón Tết cũng cần chọn ngày lành tháng tốt, thể hiện sự tôn trọng của người Hoa đối với các yếu tố tâm linh.
Đồng thời, mong muốn mọi việc trong năm mới đều diễn ra suôn sẻ, may mắn. Ngày 24 hoặc 26 tháng Chạp âm lịch thường được chọn là ngày quét dọn nhà cửa sạch sẽ.
Những tấm liễn chúc Tết được viết bằng chữ Hán mạ nhũ vàng trên giấy đỏ được dán trong và trước nhà, với những câu chúc “Ngũ phúc lâm môn”, “Xuất nhập bình an”, “Vạn sự như ý”, “Đại cát đại lợi”… được dán lên tường nhà với mong muốn cầu chúc may mắn, làm ăn phát tài, bình an, hạnh phúc.
Việc trang trí nhà cửa bằng những câu chúc tốt lành không chỉ làm cho không gian thêm tươi vui, rực rỡ, mà còn là cách để người Hoa gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp cho năm mới.
Họ quan niệm rằng, qua mỗi năm, cuộc sống của gia đình sẽ càng phất lên, năm sau sẽ tốt hơn năm trước. Chị Lương Thúy Hà (ngụ tại quận 5, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Sau khi tháo những tấm trang trí cũ, tôi sẽ dùng nước bưởi lau sạch sẽ vị trí dán, rồi dán tấm mới lên tường.
Năm nay gia đình tôi chọn dán 5 chữ “Phúc”, đại diện cho “Ngũ Phúc Lâm Môn”, với ước mong năm loại phúc (gồm: Trường thọ, phú quý, an khang, hảo đức, thiện chung) đến nhà”.
Ngoài việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ cúng tổ tiên, một hoạt động không thể thiếu của người Hoa trong dịp Tết là đi lễ chùa, miếu, đền thờ và hội quán để cầu mong một năm mới an lành, hạnh phúc, tài lộc và may mắn.
Hương, hoa, trái cây và các vật phẩm cúng dường được họ dâng lên để bày tỏ lòng thành kính đối với các vị thần linh, Phật tổ và tổ tiên. Họ tin rằng, việc đi lễ chùa, miếu, đền thờ đầu năm sẽ giúp họ nhận được sự che chở, phù hộ của các vị thần linh, từ đó có thêm sức mạnh để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
“Theo phong tục của người Hoa, việc "cầu gì thì trả nấy" là một nguyên tắc quan trọng trong việc thờ cúng. Nếu cầu xin điều gì đó từ một vị thần linh thì cần phải nhớ đến việc trả lễ khi điều ước đó thành hiện thực. Đầu năm mọi người cầu gia đạo bình an, cầu lộc, cầu tài, thì đến tháng 10 âm lịch họ sẽ chọn ngày tốt đến trả lệ. Cầu ở đâu thì trả ở đó, cầu vị thần nào thì trả vị thần đó”, chị Hoàng Cát Tường (ngụ tại Quận 5, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ.
Không chỉ để cầu chúc cho gia đạo bình an, hạnh phúc, mua may bán đắt, tại các hội quán, cộng đồng người Hoa còn tham gia vào các hoạt động văn hóa, lễ nghi, tập tục truyền thống lâu đời. Những điệu múa uyển chuyển, mạnh mẽ của các con vật linh thiêng trong tục múa lân, sư, rồng góp phần xua đuổi tà ma, mang lại may mắn, bình an cho mọi người.
Ông Lương Hải Nam (ngụ tại quận 5, TP Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Vì những hoạt động văn hóa này, mà dù trải qua bao thăng trầm, Tết Nguyên đán của đồng bào Hoa ở Chợ Lớn vẫn luôn giữ được cốt cách, nét độc đáo không hề bị pha lẫn, làm nên một nét văn hóa đặc sắc của TP Hồ Chí Minh với những gam màu cổ truyền giữa nhịp sống luôn sôi động”.
Bài và ảnh: PHƯƠNG NGÂN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.