Tranh gỗ Nhật Bản Ukiyo-e ra đời và phát triển mạnh mẽ từ thế kỷ 17 đến 20, được gọi dưới cái tên “Phù thế hộ”. Sau 5 tháng miệt mài nghiên cứu dòng tranh Ukiyo-e, 34 tác giả-họa sĩ trẻ Việt Nam đã tái hiện đặc trưng trong văn hóa người Việt, dựa trên 38 tác phẩm sử dụng những nét tinh hoa của dòng tranh gỗ Ukiyo-e như: Bố cục bất đối xứng, màu sắc...

Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu-Quốc Tử Giám đánh giá: "Mỗi bức tranh tại triển lãm đều có một sự đối thoại giữa hai nền văn hóa, liên quan đến cả nội dung, cách thức thể hiện và chất liệu, tạo nên sự kết nối sâu sắc giữa văn hóa Việt-Nhật".

leftcenterrightdel
Du khách tham quan các tác phẩm nghệ thuật tại triển lãm. 

Tại triển lãm, công chúng được chứng kiến một phiên bản khác của tác phẩm “Đám cưới chuột” nổi tiếng của dòng tranh dân gian Đông Hồ, được khoác lên mình một "màu áo mới" với bút pháp ưu nhã, thanh mảnh của dòng tranh Ukiyo-e. Bức tranh là kết quả của quá trình đối thoại, soi chiếu với tác phẩm “Đám cưới cáo” từ Nhật Bản. Tuy mục đích thông điệp của hai bức tranh khác nhau, nhưng đều có mối liên hệ về cách các con vật được nhân hóa, gắn bó gần gũi với đời sống tinh thần, tín ngưỡng, lễ nghi, cảm xúc, lý trí của con người. 

Ngoài ra, tại triển lãm, khách tham quan còn thấy một số chất liệu truyền thống quen thuộc như gốm, lụa, với các tác phẩm “Quái đản”, "Trùng điệp"... Chủ đề đưa di sản vào hội họa cũng là điểm nhấn đáng chú ý với các tác phẩm khắc họa Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Khuê Văn Các. Từ triển lãm này, có thể thấy các họa sĩ trẻ đã tiếp cận với nghệ thuật đa dạng, để sáng tạo dựa trên giá trị của nghệ thuật truyền thống dưới góc nhìn của người trẻ. Đây không chỉ là cách để giữ gìn và phát huy nghệ thuật truyền thống Việt Nam mà còn góp phần thúc đẩy đam mê sáng tạo nghệ thuật của thế hệ nghệ sĩ trẻ.

Bài và ảnh: LAN ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.