Đứng trước nhiều thách thức của thời cuộc, đòi hỏi NXB Văn học phải thay đổi để thích ứng, qua đó phục vụ bạn đọc văn chương tốt hơn. Để tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc-Tổng biên tập NXB Văn học.

Phóng viên (PV): Ông có đánh giá, so sánh thế nào về vị thế sách văn học ngày xưa và bây giờ?

TS Nguyễn Anh Vũ: Sách văn học vẫn luôn là một mảng sách lớn, quan trọng trong hoạt động xuất bản. Từ xa xưa cho đến thời điểm hiện tại, sách văn học chưa bao giờ mất đi vị thế hàng đầu, thậm chí trước thập niên 1990, vị thế sách văn học có thể gọi là độc tôn trên thị trường sách.

      Ra mắt ấn phẩm của tủ sách văn chương và mỹ thuật do Nhà xuất bản Văn học và Đông A Books ấn hành, tháng 12-2021.
Ảnh: BẢO CHÂU 

Trong nhiều năm trở lại đây, sự xuất hiện phong phú của nhiều loại hình giải trí, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội đã tạo cơ hội để các loại hình nội dung số bùng nổ trên nền tảng hệ sinh thái số với sự đa dạng hóa các ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, tiện lợi cùng sự mới lạ, đặc sắc về hình thức thể hiện nội dung thì bên cạnh việc tiếp cận sách văn học, đã có nhiều sự lựa chọn hấp dẫn hơn trong việc tiếp nhận thông tin, tiếp thu kiến thức, giải trí và thư giãn. Tuy nhiên, tôi vẫn khẳng định rằng, sách văn học, một thể loại đặc thù với những đặc trưng về nội dung và nghệ thuật riêng, với lợi thế trong việc tiếp nhận thông tin, tiếp thu kiến thức, giải trí và thư giãn vẫn là một mảng sách không thể thay thế trong hoạt động xuất bản, trên thị trường sách.

 Sau khi hình thức liên kết xuất bản ra đời cùng với Luật Xuất bản có hiệu lực từ năm 2005, thị trường sách càng trở nên sôi động và tác động tích cực đến đời sống văn học trong nước. Số lượng sách xuất bản hằng năm tăng lên, nội dung sách phong phú, đa dạng. Hoạt động xuất bản ngày càng hướng đến tính chuyên nghiệp cao, thể hiện qua việc đặt hàng, khai thác nguồn bản thảo, thực hiện nghiêm túc công ước quốc tế về bản quyền, giao dịch ký kết bản quyền, nghiên cứu tiếp cận thị trường và quá trình lưu thông đưa sản phẩm đến tay người đọc một cách hiệu quả hơn. Chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao về mặt hình thức, thẩm mỹ, kỹ thuật in ấn đã tiệm cận với những công nghệ in tiên tiến, hiện đại của thế giới, xuất hiện nhiều loại hình xuất bản mới song song tồn tại với sách in truyền thống... Nhiều công ty sách tư nhân đã trở thành những thương hiệu có uy tín của thị trường sách văn học như: Alphabook, Văn Lang, Bách Việt, Đông Tây, Đông A, Đinh Tỵ, Phương Nam, Frist News, Thái Hà, Trí Việt, Skybooks, Huy Hoàng...

Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong 3 năm (2019-2021) đã có hơn 100.000 đầu sách được xuất bản. Trong đó, sách văn học chiếm hơn 11%, nghĩa là trong 3 năm đã có hơn 11.000 đầu sách văn học được xuất bản. Trong số đó, nếu tính bình quân mảng sách văn học kinh điển của trong và ngoài nước tái bản chiếm khoảng 50%, các tác phẩm văn học nước ngoài được dịch và xuất bản lần đầu chiếm khoảng 25% thì con số còn lại cho các tác phẩm văn học Việt Nam mới cũng khoảng 25% (xấp xỉ 1.000 đầu sách/năm).

PV: Trong giai đoạn này, các NXB đều đẩy mạnh chuyển đổi số, với NXB Văn học thì điều này đã được thực hiện ở mức độ nào?

TS Nguyễn Anh Vũ: Thời gian qua, NXB đã áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ và đạt được những kết quả khả quan. Trong những ngày tháng giãn cách do đại dịch Covid-19 vừa qua, NXB Văn học đã triển khai ứng dụng công nghệ trong hoạt động như làm việc trực tuyến nhằm hạn chế việc đi lại, tiếp xúc nhưng vẫn giữ được hiệu quả công việc, công việc biên tập quản lý nội dung với các phần mềm ứng dụng đã kết nối được các nhóm làm việc và bảo đảm tiến độ thông suốt.

Chúng tôi cũng đã thích nghi và bắt nhịp với việc phát hành sách trực tuyến thông qua các trang thương mại điện tử. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã xây dựng lộ trình cho việc xuất bản sách điện tử, audio book, podcast... kết hợp với Infographic (đồ họa thông tin) hay Multimedia (đa phương tiện) phát triển trên đa nền tảng để đáp ứng các phương thức đọc mới đa dạng của độc giả hiện nay. NXB Văn học xác định đó là hướng đi lâu dài, bền vững do thành tựu chuyển đổi số mang lại.

PV: Được biết, NXB Văn học đã có những kế hoạch dài hơi, có chiều sâu để phát triển văn học, nhất là văn học trẻ với các đề tài lớn của đất nước. Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về điều này?

TS Nguyễn Anh Vũ: Trong kế hoạch hoạt động của NXB Văn học, chúng tôi đã đặt ra những kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cho lộ trình phát triển của mình. Về dài hạn, chúng tôi xây dựng những tủ sách, những hệ thống sách dài hơi có tính chất mở như: Tủ sách biển đảo quê hương, tủ sách tác giả văn học trẻ, tủ sách các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện đại, hệ thống hóa để xây dựng những bộ toàn tập, tuyển tập của những tác giả tiêu biểu của văn học Việt Nam qua từng giai đoạn, tủ sách tinh hoa văn chương thế giới, dịch thuật, giới thiệu một cách có hệ thống và phù hợp những công trình lý thuyết của lý luận văn học thế giới vào Việt Nam... Bên cạnh phương thức xuất bản truyền thống, chúng tôi sẽ ứng dụng tối đa thành tựu của khoa học công nghệ để sao cho những hệ thống sách này đến được với bạn đọc dưới hình thức phong phú, đáp ứng yêu cầu tiếp nhận đa dạng của họ.

PV: Trân trọng cảm ơn ông! 

THỤY PHƯƠNG (thực hiện)