Tuy nhiên, năm 2021 đã ghi dấu nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra sôi động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ đa dạng của công chúng. Nhìn lại một năm hoạt động của văn học, nghệ thuật, phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Vương Duy Biên, Phó chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tiết mục biểu diễn trong chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Ảnh: TRẦN HUẤN.

Văn học, nghệ thuật luôn đồng hành với đất nước  

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về hoạt động văn học, nghệ thuật năm 2021?

NSND Vương Duy Biên: Năm qua, đất nước ta tiếp tục trải qua nhiều khó khăn do dịch bệnh. Mọi ngành nghề, đời sống xã hội bị tác động nặng nề. Mặc dù không nằm ngoài những khó khăn chung nhưng văn học, nghệ thuật đã tìm ra phương thức hoạt động mới. Gần đây nhất có thể kể đến Liên hoan kịch nói toàn quốc, Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22... được ban tổ chức thực hiện song song hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Trong năm qua vẫn có nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật trực tuyến; nhiều cuộc thi tác phẩm nghệ thuật biểu diễn, sáng tác ca khúc; nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật, địa phương dàn dựng tác phẩm, vở diễn để ghi hình phát sóng truyền hình định kỳ theo tuần, tháng... Rất nhiều tác phẩm mới được công bố, lan tỏa. Nhiều tác phẩm mỹ thuật mới được giới thiệu, phổ biến trực tiếp thông qua triển lãm hoặc đấu giá trên nền tảng online. Chưa kể đội ngũ sáng tác vẫn âm thầm làm việc để khi bệnh dịch được đẩy lùi, nghệ sĩ sẽ công bố đến công chúng... Các văn nghệ sĩ luôn thể hiện nhiệt huyết, tài năng để mang đến những sáng tạo nghệ thuật, “món ăn tinh thần” đáp ứng nhu cầu thưởng thức của công chúng. Năm 2021 có thêm một cụm từ mới: “Liều vaccine tinh thần” khi văn nghệ sĩ đồng hành với cả nước chống dịch, sáng tác các sản phẩm nghệ thuật cổ vũ tinh thần các lực lượng tuyến đầu, cổ vũ nhân dân chống dịch, đúng với tinh thần văn học, nghệ thuật phản ánh đời sống xã hội.

PV: Có thể nói, thời gian qua, văn nghệ sĩ bước đầu thích ứng trong điều kiện mới, nhiều tác phẩm, chương trình, vở diễn liên tục được dàn dựng để giới thiệu đến khán giả. Ông nhận định như thế nào về xu hướng nghệ thuật, chủ đề cũng như giá trị của những tác phẩm này?

NSND Vương Duy Biên: Văn học, nghệ thuật có vai trò kiến tạo đạo đức. Nó đề cao lòng trắc ẩn, tình thương yêu, sự cứu rỗi, lòng vị tha, sự đùm bọc giữa con người với con người. Nó bênh vực lẽ phải, bênh vực kẻ yếu, nâng đỡ con người, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện làm tha hóa phẩm giá con người. Dù đối mặt với dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh thì con người vẫn luôn là chủ thể sáng tạo. Và như vậy, khi cuộc sống có biến động thì nghệ thuật sẽ phản ánh. Năm 2020, tôi làm Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Triển lãm mỹ thuật toàn quốc, tác phẩm điêu khắc chủ đề về những người hùng áo trắng đứng thực hiện ca mổ cho bệnh nhân, đã được hội đồng đánh giá tốt và đoạt giải cao. Thời gian qua, có một số bài hát trở thành thông điệp, giai điệu chống dịch... Có thể nói, văn học, nghệ thuật và nghệ sĩ luôn nhạy bén, kịp thời phản ánh sinh động những thăng trầm của đất nước, xã hội. Có thể chúng ta không thấy hiệu quả ngay như kinh tế nhưng văn học, nghệ thuật tác động, thẩm thấu vào đời sống tâm hồn, tư tưởng, tình cảm con người, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, làm cho nhân cách con người ngày càng hoàn thiện.

NSND Vương Duy Biên. 

Đặt hàng đúng cách, đầu tư hiệu quả

PV: Năm qua, chúng ta bàn nhiều đến thực trạng thiếu tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại, có sức sống lâu bền trong lòng công chúng. Nhìn nhận của ông về vấn đề này như thế nào?

NSND Vương Duy Biên: Đây là nỗi trăn trở của các cấp lãnh đạo và bản thân các văn nghệ sĩ. Trước kia trong các cuộc kháng chiến nhiều gian khổ, ác liệt, hy sinh nhưng chúng ta đã có nhiều tác phẩm giá trị, đi vào lòng nhiều thế hệ người Việt. Để có những thành tựu đó, quan trọng nhất chính là các nghệ sĩ có cảm xúc chung với đất nước. Còn hiện nay chưa thấy nhiều tác phẩm xuất sắc, chưa tương xứng với sự phát triển đất nước. Trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta còn tỏ ra lúng túng, bị động, chưa chủ động tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu có thêm đời sống văn hóa của nhân dân. Việc tiếp thu, ảnh hưởng văn hóa bên ngoài đôi khi bị xô bồ, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật giải trí, ca nhạc, phim ảnh... khiến cho môi trường văn hóa nước nhà bị “ô nhiễm” khá nghiêm trọng. Những hiện tượng bất cập nêu trên đã tác động tới đời sống văn học, nghệ thuật, làm chững lại nhịp phát triển, kéo theo những sa sút về văn hóa và nhân cách con người.

PV: Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm phát triển văn học, nghệ thuật đúng hướng, đúng tầm, đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của nhân dân, theo ông cần phải quan tâm những vấn đề gì?

NSND Vương Duy Biên: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến văn học, nghệ thuật. Điều này thể hiện rõ ở cuộc làm việc mới đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính với lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhằm triển khai, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị văn hóa toàn quốc vừa qua.

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, giới văn nghệ sĩ cần tìm những chất liệu mới cho các sáng tác của mình. Bên cạnh đó, phải tăng cường sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, các địa phương để tạo môi trường sáng tạo thuận lợi cho văn nghệ sĩ. Thời gian qua, tôi thấy khá nhiều đề án về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực tài năng văn học, nghệ thuật, đưa tác phẩm ra quốc tế... dù đã đầu tư khá nhiều công sức, tiền bạc để nghiên cứu, hội thảo, thẩm định, nghiệm thu nhưng hiện nay vẫn nằm trên giấy, không thực hiện được.

Theo tôi, phải đổi mới phương thức đặt hàng và mạnh dạn đầu tư mới có tác phẩm tốt. Chẳng hạn trước đây cứ mở trại sáng tác dàn đều, người đi giao lưu là chính thì bây giờ phải có thêm kiểu đặt hàng khác. Chọn người có năng lực, uy tín, đã thành công, mời đến đặt; hoặc mở trại sáng tác theo yêu cầu, như lần này mở cho người viết về lực lượng vũ trang, lần sau mở trại sáng tác kịch bản sân khấu đề tài lịch sử, hiện đại. Ngoài ra, cũng cần có cú hích về giải thưởng. Nếu cứ duy trì giải vàng quốc gia chỉ 7-10 triệu đồng thì làm nhụt chí và cảm thấy sức sáng tạo không mấy giá trị.

Hy vọng, trong thời gian tới, cùng với sự nỗ lực của các tổ chức hội và giới văn nghệ sĩ sẽ tạo nên một giai đoạn sáng tạo mới, cống hiến nhiều tác phẩm hay, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

VƯƠNG HÀ (thực hiện)