QĐND - Nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945-2014) và 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (1944-2014), NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật đã xuất bản cuốn sách “Nhật ký chiến trường” của Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tiến Bình (1950-2013), nguyên Chính ủy Học viện Quốc phòng.

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tiến Bình sinh năm 1950, quê ở phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1970, khi vượt Trường Sơn vào miền Nam, ông được biên chế về Sư đoàn 5, sau đó là Đoàn 367 Đặc công thuộc Bộ Tham mưu Miền (B2)- Quân Giải phóng miền Nam. Trong thời gian từ năm 1970 đến 1975, ông đã trực tiếp chiến đấu trong các hướng tác chiến độc lập trên chiến trường Phnôm Pênh (Cam-pu-chia); năm 1973, ông cùng Đoàn 367 đặc công trở về nước, tiếp tục chiến đấu trên chiến trường Đông Nam Bộ. Ông đã trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, có mặt tại Sài Gòn vào trưa ngày 30-4-1975.

Cuốn “Nhật ký chiến trường” của Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tiến Bình.

Sau ngày nước nhà thống nhất, đồng chí Nguyễn Tiến Bình đã nỗ lực học tập và bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ triết học. Ông trở thành một trong những vị tướng lĩnh của quân đội đã trải qua chiến tranh, được đào tạo cơ bản, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tư duy lý luận, có trình độ học vấn…; và đặc biệt, được mọi người rất quý trọng vì ông luôn sống chân thành, trung thực, chí tình, chí nghĩa với đồng chí đồng đội, với gia đình, bạn bè.

Nhiều bạn đọc biết đến Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tiến Bình là một trong những cây bút xuất sắc của quân đội, nhiều công trình nghiên cứu khoa học, nhiều tiểu luận, bài viết của ông được đánh giá cao. Nhưng có lẽ ít người biết rằng, ông đã từng là một người lính tham gia nhiều trận đánh ác liệt, đã lập nhiều chiến công. Trong cuốn nhật ký, ông không chỉ viết về đường hành quân gian khổ, về các trận đánh, tình đồng chí đồng đội, tình quân dân, về ý chí của một anh Bộ đội Cụ Hồ đã chiến đấu với tâm nguyện sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, mà còn gửi vào đó nỗi niềm riêng tư, tình cảm quê hương, nỗi nhớ nhà.

Sau ngày Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tiến Bình ra đi, vì giá trị của cuốn nhật ký, được sự đồng ý của gia đình ông, NXB Chính trị Quốc gia-Sự thật đã quyết định xuất bản cuốn sách “Nhật ký chiến trường”. Qua các trang nhật ký, bạn đọc được biết thêm về thế giới riêng vô cùng cao đẹp của anh Bộ đội Cụ Hồ thời chống Mỹ, cứu nước. Thế hệ ấy được thừa hưởng, được giáo dục về lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng, về trách nhiệm của thanh niên khi Tổ quốc lâm nguy; và họ đã rèn luyện được nghị lực phi thường để vượt qua gian khó, như lời Nguyễn Tiến Bình thể hiện quyết tâm: “Dù có ngã xuống trên đường hành quân thì đầu cũng quay về hướng Nam Tổ quốc”, hay như anh viết: “Dù có phải là người ngã xuống cuối cùng trước giờ ngừng bắn, chúng con cũng sẵn sàng vì chúng con hiểu rõ hơn ai hết: Không có chiến công nào không có mất mát, hy sinh. Những điều mà vì chúng, chúng con phải chấp nhận hy sinh, phải chịu đựng mất mát, đau thương hôm nay sẽ góp phần cùng cả nước giành lại cuộc sống yên vui, hạnh phúc vĩnh viễn cho toàn dân tộc. Những ai biết sống xứng đáng với tư cách của một con người thì không thể trốn tránh trách nhiệm lớn lao, nặng nề và vẻ vang đó”…

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng khi đọc những trang trong cuốn nhật ký của Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tiến Bình còn nóng hổi hơi thở chiến trường cách đây mấy chục năm, bạn đọc hôm nay sẽ có điều kiện hiểu thêm về thế hệ cha anh đã trải qua chiến tranh, đã hy sinh quên mình để giành lại nền độc lập, để nước nhà thống nhất, từ đó mỗi người sẽ xác định sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

HÀM ĐAN