Ở rừng ngập mặn U Minh, để có thể trồng trọt và chăn nuôi được, người dân phải xẻ nhiều con kinh chằng chịt và tạo hệ thống đê bao khép kín nhằm ngăn mặn; đồng thời cũng trữ nước ngọt để sinh hoạt, nuôi trồng. Chính vì vậy mà kinh rạch mặn-ngọt nơi đây nằm san sát nhau, xen kẽ nhau đến mức người ở xa đến khó mà nhận ra đâu là con kinh nước lợ, đâu là con kinh nước ngọt.
Vì không cho 2 con nước lợ-ngọt gặp nhau mà các con kinh nơi đây hầu như bao đê khép kín, độc lập, không phải “đồng vị” thì không thông thương với nhau. Trong khi giao thông ở những vùng này chủ yếu vẫn là ghe xuồng, nên việc đi một đoạn nước ngọt phải xuống khiêng xuồng qua đê để đi tiếp con kinh nước mặn quả là nhiêu khê... Không biết ai là người khởi xướng nhưng ở nhiều đoạn kinh như vậy từ mấy mươi năm qua đã xuất hiện một nghề đặc biệt, “độc nhất vô nhị”, chỉ có ở vùng này: Nghề “đẩy” xuồng ghe qua đê.
 |
Vận hành máy để đẩy ghe xuồng. |
Theo ông Năm Quốc ở ấp 12, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau: Những năm 1980 khi hệ thống ngăn mặn ở U Minh mới manh nha phát triển thì việc đẩy xuồng bắt đầu có. Ban đầu người ta dùng một tấm ván để khi xuồng đến thì đặt lườn xuồng lên rồi kéo sang. Về sau, do có nhiều xuồng máy chạy nên phải làm một hệ thống kéo tương tự như tàu hỏa.
Hệ thống kéo gồm có đường ray bằng thép nằm vắt ngang con đê, 2 đầu nằm sâu dưới nước. Trên đường ray có một chiếc xe, gắn bánh ăn khớp với đường ray. Xe được vận hành bởi một hệ thống kéo bằng máy dầu và hệ thống dây thép. Mỗi lần ghe xuồng muốn qua đập thì cứ chạy thẳng vào đường ray phần nằm dưới nước để lườn nằm sát lên xe, rồi vận hành máy cho xe kéo sang bên kia con đê.
Chị Trần Thị Bé Năm chia sẻ, hồi trước cha của chị làm máy đẩy này để đẩy ghe lúa, sau nhiều người đến đi nhờ, họ đề nghị trả tiền để góp dầu cho máy. Sau do số lượng ghe xuồng qua mỗi lúc một đông nên chị cất trại ở nơi đập nước để vận hành máy. Kể cả ngày và đêm, nắng hay mưa trại của chị đều có người luân phiên canh để đẩy xuồng qua đê. Chị nói: “Nghề này bất đắc dĩ, nhưng kiếm sống cũng được! Trung bình mỗi lượt qua đê đối với xuồng là 3.000 đồng, xuồng máy là 5.000 đồng, ghe là 8.000-10.000 đồng tùy vào trọng lượng. Mỗi ngày máy đẩy của tôi thực hiện đẩy khoảng 100 lượt ghe xuồng. Sau khi trừ các chi phí, tôi thu được 150.000-200.000 đồng/ngày”.
Đi một vòng trên những con đê ngăn mặn ở ven rừng U Minh Hạ, không khó để nhận ra những con đập ngăn mặn đều có máy đẩy ghe xuồng. Không chỉ là nét đặc trưng độc đáo trong sinh hoạt, mà còn là nghề mưu sinh của không ít hộ dân nơi đây. Đúng là “Độc lạ, cần thiết và kiếm sống được!”.
Bài và ảnh: LINH AN