Có thể kể tới các bức “tướng quân gà” thần oai lẫm lẫm, chân như bụt mọc, đích thị giống gà Đông Tảo trứ danh đất Bắc. Gà trống có giáp chiến hoa văn ngũ sắc, đuôi cong vút như ngọn “kim sí điểu” cắm trên mũ kim khôi. Cho đến anh gà tre người thì loắt choắt, nghiêng đầu bắt giun, bắt sâu nhưng vẫn tỏ được cái thần của anh chàng con nhà nòi võ vẽ với thế đứng “kim kê độc lập”.

Mảng gia đình nhà gà cũng được thể hiện hết sức sinh động. Gà trống nuôi con mà vẫn thể hiện được cái khí khái của kẻ trượng phu quân tử, gà mẹ gà con ấm áp tình mẫu tử, gà chồng gà vợ son sắt thủy chung. Có cả những bức nhạo những anh gà trống choai lăng quăng, bông phèng như gà mắc tóc, gà ngứa cựa, gà ti toe tập gáy khiến người xem cảm thấy tức cười, mà càng khâm phục tài vẽ của họa sĩ.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
 

Họa sĩ tự họa chân dung mình dưới hình tượng một chú gà. Bạn bè khoái quá đề nghị được thấy chân dung mình. Vậy là tằng tằng mỗi ngày một bức, họa sĩ vẽ gà tặng bạn. Người khoáng đạt, hào phóng thì có chú gà xởi lởi, dễ gần. Người đạo mạo, khách sáo thì có bức gà điệu bộ nghênh ngang. Qua hình tượng con gà, tưởng như tính cách nào của loài người cũng có thể họa lại được.

Lại có nhiều bức tranh gà được vẽ theo lối tranh “nhị bình” như tranh dân gian truyền thống. Các cặp gà trống, mái được vẽ thành bộ “vinh hoa-phú quý”, “tiến tài-tiến lộc”, “chinh đông-chinh tây”. Say mê vẽ gà nhiều khi nửa đêm nổi hứng ông vùng dậy cầm bút họa, họa để thanh minh cho gà. Họa sĩ Lê Trí Dũng cao hứng kể: “Các cụ nhà ta bảo: "Gà đen chân trắng, mẹ mắng cũng mua/ Gà trắng chân chì, mua chi giống ấy". Tớ phản đối câu ấy bằng bức “bạch kê đại tướng” này. Bức tranh hoàn thành lúc 4 giờ”.

Hỏi chuyện họa sĩ mới kể: “Tớ thích vẽ gà từ bé. Hình tượng những chú gà rất sinh động, từ tư thế đến dáng đi. Khi ta quan sát, ngắm nghía thì nó cũng biết làm bộ, làm tịch. Như thể biết ta sẽ vẽ nên chúng khoe khoang vẻ đẹp. Tớ cảm giác như chúng biết làm mẫu. Theo tớ, gà là một con vật rất tinh khôn”.

Có kỷ niệm thế này, một lần có người hâm mộ họa sĩ tặng ông một chú gà Đông Tảo để bồi dưỡng. Chân gà Đông Tảo hầm với thuốc bắc là một vị thuốc bổ, một đặc sản không phải ai cũng được nếm. Họa sĩ tiếc chú gà đẹp mã, để lại nuôi rồi làm mẫu vẽ. Nhờ đó chú gà thoát chết mà họa sĩ cũng kiếm được bộn tiền.

Tranh vẽ gà của họa sĩ bán có đắt không? Họa sĩ chẳng nói nhưng có một lần họa sĩ tặng bức tranh gà của mình cho một tổ chức từ thiện, người ta đã đem nó đi đấu giá. Giá khởi điểm là 5 triệu đồng, đến khi chốt giá cũng gần 100 triệu đồng. Bức tranh đã góp phần xây dựng một ngôi trường cho học sinh xã nghèo vùng cao. Họa sĩ Lê Trí Dũng đã nâng tầm cái đẹp của những chú gà, góp phần làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa.

ĐÔNG HÀ