Với hơn 200 nghệ sĩ, nhà thiết kế tham gia sáng tạo trong hơn 60 hoạt động đã góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vô cùng năng động và hướng đến giới trẻ tại lễ hội, Hà Nội đã chứng minh văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế-xã hội, để Hà Nội thành một nơi có cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi công dân của mình.

 “Dòng chảy” kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai

Với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 mang giá trị kết nối những không gian hai bên bờ sông Hồng như: Vườn hoa Vạn Xuân và tháp nước Hàng Đậu; ga Long Biên; cầu Long Biên; ga Gia Lâm và Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.

Tại địa điểm gần 120 năm tuổi-Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, không gian của phân xưởng gia công nóng B1 có diện tích 2.000m2 được kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Hồng Quang sáng tạo thành “Không gian kiến trúc và nghệ thuật phân xưởng nóng” lấy cảm hứng thiết kế về sự di chuyển của thời gian, như một dòng chảy vô tận không điểm dừng. KTS Nguyễn Hồng Quang cùng đội ngũ thiết kế đã khéo léo tạo ra một chức năng kiến trúc nhằm tôn vinh vẻ đẹp nguyên bản của phân xưởng. “Mong muốn nhỏ của tôi là mọi người khi bước vào nơi này hãy chậm lại, thả lỏng tâm trí để cảm nhận rõ hơn vẻ đẹp không gian và thời gian của một di sản công nghiệp thực sự có giá trị. Mục tiêu của lễ hội là giúp mọi người yêu di sản hơn và phát triển nó trong tương lai. Đó là lý do đội ngũ thiết kế quyết định giữ nguyên hiện vật ở đây, hầu như không động gì vào, chỉ làm sạch và cung cấp những chú thích để công chúng hiểu về hoạt động của phân xưởng. Qua đó truyền tải thông điệp rằng, những máy móc này đã có thời kỳ phục vụ cho những người công nhân, cho nhà máy, là một phần lịch sử của Thủ đô nói riêng và đất nước nói chung”, KTS Nguyễn Hồng Quang chia sẻ.

Hệ sinh thái Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được thiết kế trở thành một không gian sinh hoạt cộng đồng, quy tụ các gian hàng, hội chợ với sự xuất hiện của những sản phẩm thuộc nhiều lĩnh vực: Thủ công mỹ nghệ, sáng tạo, thời trang, mỹ thuật... Ông Đặng Sỹ Mạnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết: “Năm nay kỷ niệm 142 năm hình thành đường sắt đầu tiên, 118 năm xây dựng Nhà máy Xe lửa Gia Lâm. Qua những hoạt động của lễ hội, chúng tôi muốn truyền tải đến mọi người về giá trị đích thực của sáng tạo từ di sản, khơi nguồn cho những sự sáng tạo tiếp nối về sau. Chúng tôi cũng đề xuất với UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng cần phải duy trì những không gian nghệ thuật này lâu dài để tôn vinh giá trị của chúng”.

Với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 kết nối truyền thống và hiện đại trên sân khấu biểu diễn nghệ thuật. Ảnh: VIỆT TRUNG 

 

TS, KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam hào hứng chia sẻ: “Việc chuyển đổi Nhà máy Xe lửa Gia Lâm thành tổ hợp sáng tạo trong lễ hội năm nay chính là nền tảng, tiền đề thúc đẩy ý tưởng biến những di sản công nghiệp thành không gian sáng tạo trở thành hiện thực trong tương lai gần. Sự đam mê sáng tạo, tinh thần trách nhiệm cùng những khát khao được cống hiến của đội ngũ KTS và giới nghệ sĩ sẽ là động lực để phát triển hoạt động sáng tạo của Thủ đô ngày càng lớn mạnh, khẳng định Hà Nội thực sự là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế”.

Khơi thông nguồn lực, định vị thương hiệu thành phố sáng tạo

Tại lễ khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023, bà Ramla Khalidi, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam khẳng định: “Lễ hội là một sự kiện quan trọng đối với người dân Hà Nội cũng như du khách nhằm tôn vinh nguồn lực văn hóa sáng tạo phong phú của Thủ đô. Qua những công trình nghệ thuật và sáng tạo, chúng ta có thể nhìn, cảm nhận cách mà sự phát triển của các nguồn lực văn hóa trong thành phố đã và đang đem lại sức sống mới cho đô thị này. Với hơn 1.000 năm bề dày truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ, Hà Nội đang sở hữu tiềm năng để trở thành đơn vị tiên phong trên mọi lĩnh vực phát triển”.

Từ năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Sau gần 4 năm, Hà Nội đã có nhiều hoạt động để cụ thể hóa những cam kết xây dựng thành phố sáng tạo. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước ban hành nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, nâng cao ý thức cộng đồng, hướng đến kết nối, mở rộng hợp tác giữa các tổ chức, chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế về phát triển văn hóa, đồng thời thực hiện cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới thành phố sáng tạo, Hà Nội đã tổ chức lễ hội thiết kế sáng tạo thường niên. Bên cạnh đó, thành phố đã thúc đẩy phát triển những không gian văn hóa sáng tạo, tạo ra bản sắc với khoảng 60 không gian sáng tạo; trong đó có 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa-nghệ thuật, đẩy mạnh những không gian văn hóa sáng tạo tại các tuyến phố đi bộ, không gian bích họa Phùng Hưng, không gian tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội, không gian đi bộ xung quanh Văn Miếu-Quốc Tử Giám; không gian đi bộ khu đô thị Bắc An Khánh-Splendora...

Bên cạnh đó, chính sách di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô đã và đang để lại những di sản công nghiệp giàu tiềm năng khai thác, nhằm tạo ra những trải nghiệm mới mẻ, tái tạo di sản công nghiệp thành tổ hợp văn hóa sáng tạo, thu hút đầu tư, tạo ra việc làm, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, hướng đến phát triển bền vững.

Phát biểu trong Hội nghị diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á diễn ra sáng 18-11, tại Hà Nội, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà khẳng định: “Việc gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững”.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế-cộng đồng-sáng tạo. Do đó, tuyến trải nghiệm chính của mùa lễ hội được thiết kế vắt ngang qua dòng sông Hồng lịch sử, “đánh thức” các di sản công nghiệp và kết nối cộng đồng. Lần đầu tiên tại lễ hội, người dân và du khách có hành trình trải nghiệm từ tham quan tháp nước Hàng Đậu đến ga Long Biên và trải nghiệm đi tàu hỏa-phương tiện kết nối độc đáo các điểm đến trên hành trình trải nghiệm xuyên qua cầu Long Biên trên con sông Hồng lịch sử, thưởng ngoạn phong cảnh và cuộc sống cũng như những màn trình diễn thời trang, nghệ thuật...

 

VƯƠNG HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.