Đến lễ đình Phúc Xá vào một chiều xuân, tôi gặp hai bậc cao niên là cụ Nguyễn Văn Chính và Chu Văn Uông. Hai cụ trước đây là thủ từ đình Phúc Xá, nay tuổi cao nên xin về nghỉ, thi thoảng mới ra thăm đình. Cụ Chính chòm râu bạc, mặt hồng hào hiền từ nắm lấy tay tôi dẫn vào đình chiêm bái những bức hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng rực rỡ. Bấy nhiêu Hán tự hiển hiện ngợi ca quê hương cũng như công đức của bậc hiền tài. Thế rồi cụ Chính kể về lịch sử của làng. Trước đây, làng có tên là An Xá với hàm nghĩa yên ổn trù phú. Xưa kia, làng An Xá nằm ở phía Nam hồ Dâm Đàm (hồ Tây), khi Vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Đại La đã hạ chiếu di dân An Xá ra bãi giữa sông Hồng để lấy đất xây dựng kinh thành.

Thế rồi bãi bể nương dâu, sông Nhị Hà bên lở bên bồi, người làng An Xá cơ động sang bên bờ Bắc. Cũng chính vì thế làng có tên Cơ Xá với nghĩa là cơ động di dời. Cho đến sau này, do cuộc sống khó khăn, các bậc cao niên cho rằng từ “cơ” có nghĩa là cơ cực, bần hàn nên mới đổi thành Phúc Xá những mong phúc lộc, ấm no. Trong đình lưu câu đối “Xuyên đại châu phì vạn thế hương dân thịnh vượng/ Địa linh nhân kiệt thiên thu sinh thái phong quang (Dòng sông lớn, bờ bãi phì nhiêu muôn đời nhân dân thịnh vượng/ Đất linh sinh người tài mãi mãi về sau cảnh sắc đẹp tươi).

leftcenterrightdel

Nhân dân thăm viếng kính lễ tại đình Phúc Xá. 

Nói về danh tướng Lý Thường Kiệt được thờ trong đình, cụ Uông cho biết: “Lý Thường Kiệt là người của làng. Khi tại vị, Thái úy Lý Thường Kiệt thấy làng có công với triều đình nên tâu vua xin xác định mốc giới và miễn mọi phu phen, tạp dịch, thuế khóa. Nhờ công đức ấy, nhân dân tôn Lý Thường Kiệt là tổ địa của làng”.

Để minh chứng cho điều vừa nói, cụ Uông giới thiệu tại chùa Phúc Xá có giữ quả chuông cổ khắc bài minh ghi rõ Lý Thường Kiệt quê ở làng An Xá. Đình Phúc Xá có tấm bài vị ghi tên hiệu của Lý Thường Kiệt. Ông sinh năm Kỷ Mùi 1019, sau được ban quốc tính họ Lý, lấy tên là Thường Kiệt. Ông có công dẹp giặc Tống ở phương Bắc, bình quân Chiêm Thành ở phương Nam. Sau khi Lý Thường Kiệt mất, quê hương Cơ Xá dựng đền thờ ông ở phía Bắc bãi giữa sông Hồng. Sau này, đền bị lở, nhân dân đưa bài vị Lý Thường Kiệt vào đình để thờ. Hiện trong đình còn phối thờ tam vị tướng của Vua Hùng, nhị vị công chúa có công trợ giúp dân làng.

Đình Phúc Xá trải qua bao biến thiên của lịch sử. Những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, đình bị giặc thiêu trụi. Hòa bình lập lại, nhân dân đồng tâm góp sức dựng đình. Qua nhiều lần trùng tu xây dựng, đình Phúc Xá nay bề thế khang trang với tòa đại đình, hậu cung thờ Lý Thường Kiệt cùng các vị tiên thánh. Ông Hoàng Văn Lực, Chủ tịch UBND phường Ngọc Thụy cho biết: “Đình Phúc Xá được xếp hạng Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia năm 1993. Đây là trung tâm sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân địa phương. Các đoàn học sinh trên địa bàn thường đến lễ đình, tìm hiểu lịch sử, truyền thống quê hương”. Ngôi đình Phúc Xá linh thiêng có tiếng trong vùng cũng bởi uy danh của người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt. Khách thập phương về đây ngắm cảnh sắc, thành tâm tiến lễ thể hiện sự tri ân đối với vị tướng tài đức của dân tộc, cầu ngài gia hộ cho quốc thái dân an, đời đời no ấm.

Bài và ảnh: HỒNG GIANG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.