 |
Nghi môn đình làng Cót.
|
Đình làng Cót xưa thuộc Bạch Liên Hoa hương, nay là phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội. Đình được xây dựng lần đầu vào thời Minh Mạng thứ 12 năm 1831. Những cụ có công lên kế hoạch và xây đình phải kể tới như: Hoàng Thời Bình, Nguyễn Danh Nho, Nguyễn Viết Ôn, Nguyễn Gia Tuy, Nguyễn Quốc Y, Nguyễn Sĩ Phú và Nguyễn Huệ. Họ đã tỉ mỉ từ việc tính toán mua gỗ, mượn người nung gạch ngói cho tới tìm kiếm thợ giỏi trong và ngoài làng.
Thời kháng chiến chống giặc giữ nước, đình làng Cót là nơi họp bàn bí mật của các cán bộ và nhân dân yêu nước đứng lên giành chính quyền từ tay Nhật và Pháp. Cùng với Miếu Chợ, Miếu Cả, Miếu Chùa của làng trở thành nơi tụ họp của dân làng tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám; nơi học tập bí mật của Đoàn Thanh niên cứu quốc và huấn luyện quân sự của tự vệ chiến đấu và quân du kích của làng. Có thể nói, đây chính là địa chỉ lịch sử khiến người làng Cót tự hào.
Theo thời gian, kiến trúc đình làng Cót bắt đầu xuống cấp nên năm 2017, dân làng đã đóng góp tiền để trùng tu đình. Hiện trạng đình làng khá khang trang gồm cổng, nghi môn, lư hương lớn, gian thờ xây hình chữ công, ban thờ chính được trang trí bằng câu đối, hoành phi, kiệu sắc. Đình làng Cót hiện đang thờ 5 vị thánh, gồm: Đức thánh Cao Sơn Đại vương, Diêm La Anh Đoán Đại vương, Hoàng Cung Chinh Thục phu nhân, Mộc Đức Tinh Quân Đại vương và Tràng Hám Anh Linh Đại tướng quân.
 |
Ban thờ năm vị thánh được bày trí tại đình làng Cót. |
Thực tế tìm hiểu tại đình làng Cót cho thấy 5 vị thánh được thờ ở đây đều là thờ vọng (tức không phải là nơi thờ chính). Mỗi vị thánh gắn với một thần tích khác nhau về công lao giúp nước nói chung và làng Cót nói riêng nay vẫn được lưu truyền qua lời kể của các cụ cao niên. Đặc biệt, những thần tích này đã được ghi chép trong ba cuốn sách, gồm: “Bạch Liên khảo ký”, “Hồ Sơ di tích đình, chùa, đền, miều làng Cót”, “Thần tích – Thần sắc làng Hạ Yên Quyết”.
Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử, ông Quản Xuân Trường, thành viên Ban quản lý di tích của làng Cót cho biết: “Chúng tôi mong muốn lưu giữ giá trị truyền thống để lại cho thế hệ sau về tích truyện dân gian của 5 thánh đang được thờ tại đình làng Cót. Đặc biệt, ngày húy nhật của Cao Sơn Đại Vương có mở hội nên được giữ gìn và tổ chức thường niên thu hút được sự tham gia của đông đảo dân làng”.
Hội đình làng Cót được tổ chức vào từ ngày 12 đến ngày 15-2 âm lịch hằng năm. Tuy nhiên, những năm làng tổ chức hội lớn, ngay từ 10-2 dân làng sẽ tổ chức rước kiệu thánh từ ba Miếu về đình để mở hội. Đến chiều ngày 15, dân làng lại tổ chức rước kiệu từ đình làng Cót về các Miếu trong làng gọi là rước dã. Khi rước kiệu, người làng thường cho trẻ con chui qua kiệu với quan niệm cầu sức khỏe hay ăn chóng lớn.
Được biết, do hai năm dịch Covid-19 nên hội hoãn tổ chức khiến nhiều người dân trong làng tỏ ra nuối tiếc, đặc biệt là người lớn tuổi và trẻ con. Thủ thư đình Hoàng Văn Tiến cho biết: “Nói chung, ngày thường cũng ít khách thăm và lễ đình, đặc biệt thời điểm hai năm dịch Covid-19. Hầu hết mọi người tới lễ đình vào ngày mồng một và ngày rằm. Dù vậy, chúng tôi vẫn có gắng giữ gìn khuôn viên đình để sẵn sàng đón tiếp khách bất cứ khi nào”.
 |
Lễ hội truyền thống đình Cót đã trở thành nét văn hóa đặc sắc. |
Cùng với kiến trúc cổ và thần tích gắn với di tích, đình làng Cót đã được xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1994. Đến nay, đình vẫn được bảo tồn và gìn giữ bởi những người có tâm như các vị thủ từ hay ban quản lý di tích và cả một thế hệ trẻ tiếp nối.
Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG