QĐND - Mùa phim hè năm nay phải nhận “Điểm trừ” khi có khá nhiều bộ phim được thực hiện chưa được chăm chút kỹ lưỡng. Điểm sáng duy nhất là thể loại phim “siêu anh hùng” (super-hero) đạt đến đỉnh cao chưa từng có nhờ những dự án dài hơi từ nhiều năm về trước. Nhưng phải chăng khi đạt đến đỉnh cao, nối tiếp sẽ là sự thoái trào không thể tránh khỏi?
Kế hoạch hoàn hảo của Marvel
Hơn chục năm về trước, những bộ phim "siêu anh hùng" được chuyển thể từ truyện tranh được sản xuất riêng lẻ chỉ gây chú ý dư luận chút ít chứ chưa bao giờ thực sự trở thành các “bom tấn”. Thế nên, Công ty Marvel (Mỹ) đã tự đưa các "siêu anh hùng" đang có quyền sở hữu lên phim thay vì nhượng quyền cho những công ty khác. Marvel đã lập ra một kế hoạch hoàn hảo để làm phim về các “siêu anh hùng” tái xuất ấn tượng. Từ năm 2008, công ty này bắt đầu tung ra các bộ phim riêng lẻ về từng nhân vật siêu anh hùng. Rồi bốn năm sau, họ tung ra siêu phẩm là bộ phim “The Avengers” (Biệt đội siêu anh hùng) quy tụ tất cả siêu anh hùng cùng nhau chống lại đạo quân của Loki-em nuôi của “Thấn sấm Thor”.
Ý tưởng cho các “siêu anh hùng” hội ngộ trong một nhiệm vụ chung nghe có vẻ đơn giản nhưng thực ra không dễ dàng chút nào. Mỗi một bộ phim đơn lẻ cần phải có tính độc lập riêng, lại phải hay để có doanh thu đầu tư cho các phim còn lại; mặt khác, quan trọng hơn là cần cài cắm nhiều chi tiết để dần kết nối thành một bộ phim chung gây thích thú cho người xem. Lẽ dĩ nhiên, để làm được điều này đòi hỏi sự tập trung vật lực và nhân lực ở đẳng cấp cao nhất. Từ đạo diễn, người viết kịch bản đến dàn diễn viên được chọn từ trước rất lâu, được ký hợp đồng sẽ tham gia liền mạch nhiều bộ phim khác nhau.
 |
Cảnh trong phim "Dị nhân: Những ngày cũ của tương lai". Ảnh: Dienanh.net. |
Nối tiếp đà thành công, mùa phim hè 2014, Marvel tung ra hai bộ phim về siêu anh hùng là “X-Men: Days of future past” (Dị nhân: Những ngày cũ của tương lai) và “Guardians of the Galaxy” (Vệ binh dải ngân hà). Xét về độ mới mẻ thì “Vệ binh dải ngân hà” đáng xem hơn khi có cốt truyện độc đáo, kể về năm “siêu anh hùng” bình thường nhất. Phim đáng xem bởi nội dung hài hước thay vì suy nghĩ của nhiều người xem là phim “siêu anh hùng” toàn là chuyện nghiêm túc gắn với những sứ mệnh to tát. Trong khi đó “Dị nhân: Những ngày cũ của tương lai” đã sử dụng một cốt truyện quen thuộc, kể về chuyện các dị nhân trở về quá khứ để ngăn chặn sự trỗi dậy của các Sentinel-loại rô bốt khổng lồ được lập trình để tiêu diệt những dị nhân. Song, nhờ dàn diễn viên giỏi, cốt truyện hay, kỹ xảo miễn chê nên “Dị nhân: Những ngày cũ của tương lai” vẫn có thể thắng lớn ở các phòng vé.
Nhưng khi mùa phim hè 2014 kết thúc, những người hay lo xa đã đặt câu hỏi loạt phim về những dị nhân nói riêng và các “siêu anh hùng” nói chung sẽ đi về đâu? Khi các “siêu anh hùng” đã hội ngộ, giỏi lắm các nhà sản xuất phim cũng sẽ chỉ xoay quanh vài ba nhân vật, vài ba cốt truyện quen thuộc thêm vài năm nữa. Lúc đó khán giả đã no nê với phim “siêu anh hùng”, doanh thu chắc chắn sẽ giảm xuống. Hiển nhiên, không đời nào Marvel phải dừng sản xuất các bộ phim về “siêu anh hùng”, thay vào đó là khoảng tầm 2 đến 3 năm tung một siêu phẩm chứ không mỗi năm một "bom tấn" như hiện nay. Từ giờ cho đến khi phim “siêu anh hùng” thoái trào, chắc chắn các nhà làm phim Hollywood đã bắt tay vào những dự án làm phim mới lại khiến người xem sửng sốt.
Phim Việt: Âm thầm chuyển động
Mấy mùa phim hè gần đây, thay vì những bộ phim thử nghiệm táo bạo, nhiều đơn vị sản xuất phim hoàn toàn nghiêng lệch về những giá trị giải trí đơn giản. Khán giả thì không hài lòng khi chất lượng các bộ phim ngày càng đi xuống, nhiều người bi quan đã vội kết luận là chu kỳ khởi sắc phim Việt bắt đầu những năm 2000 đã kết thúc. Tuy nhiên với sự ra mắt hai bộ phim kinh dị trong mùa hè 2014 là “Đoạt hồn” (đạo diễn Hàm Trần) và “Mất xác” (đạo diễn Đỗ Thành An), có thể nói phim Việt vẫn âm thầm chuyển động.
Phim “Đoạt hồn” sau bốn ngày phát hành đã đem về doanh thu 12 tỷ đồng với 1140 suất chiếu mỗi ngày. Con số 12 tỷ đồng, vượt kỳ vọng của nhà sản xuất khi phim đã giới hạn là không dành cho khán giả dưới 16 tuổi. Bộ phim quy tụ dàn diễn viên sáng giá như NSƯT Ngọc Hiệp, Thương Tín, Trần Bảo Sơn… nên về diễn xuất không có gì đáng chê trách. Điểm đáng nói của bộ phim là tuy khai thác về đề tài kinh dị nhưng bộ phim lại không nhằm hướng vào những ấn tượng thị giác, thính giác rùng rợn mà đằng sau đó là câu chuyện nhân văn. Tương tự, “Mất xác” lấy cảm hứng từ vụ án ở thẩm mỹ viện Cát Tường gây xôn xao dư luận nhưng nội dung và cách kể lại theo chiều hướng tân kỳ, không sa vào khai thác chi tiết phi nhân tính.
Qua sự thành công hai bộ phim này, đánh dấu tư duy bước vào độ chín của các nhà làm phim giải trí ở Việt Nam khi biết xây dựng một kịch bản phim phù hợp với người Việt Nam. Ở các nền điện ảnh khác, phim kinh dị chỉ chú trọng đến yếu tố gây sợ cho người xem, trái lại người Việt Nam với những thói quen, tập tính và rộng ra là bầu văn hóa không thích thú với những bộ phim chỉ thuần yếu tố kinh dị mà không chứa đựng một thông điệp hay một câu chuyện nào đó đi kèm. Từ đây, người xem có thể yên lòng bởi đi xem một bộ phim Việt Nam mà không cảm thấy xa lạ.
Với một nền điện ảnh đang bước những bước đầu tiên vào xây dựng một nền công nghiệp điện ảnh, rõ ràng không nên kỳ vọng mỗi mùa phim hè, điện ảnh Việt Nam lại có các bộ phim đáng xem như mùa phim hè 2014. Chỉ cần nhà làm phim vẫn duy trì được đam mê, nghiêm túc và kỹ lưỡng trong các khâu của quy trình sản xuất, chắc chắn những bộ phim hay vẫn sẽ ra đời. Và đó là cơ sở để tin về các thành tựu của sự chuyển động chậm mà chắc của điện ảnh Việt Nam hiện nay.
TRẦN HOÀNG HOÀNG