    |
 |
Các vật dụng để phục vụ thầy mo khi làm lễ. |
    |
 |
Giấy chà là các “Su”, được dỡ ra và bện lại với nhau để chuẩn bị cho lễ cúng. |
    |
 |
Các ghế được xếp thành vị trí ngồi làm lễ của thầy mo. |
Lễ Dù Su (còn gọi là Lễ cúng dòng họ) được tổ chức mỗi năm một lần. Theo tiếng dân tộc Mông, “Dù” có nghĩa là nhốt lại, gói lại; “Su” có nghĩa là những rủi ro, không thuận lợi, may mắn trong cuộc sống. Lễ Dù Su là ngày lễ xua đuổi vận hạn, cầu chúc sự may mắn sẽ đến từng thành viên của dòng họ trong năm.
Đối với từng dòng họ sẽ có cách tổ chức, ấn định ngày giờ khác nhau, tùy thuộc vào sự thống nhất cũng như quan niệm ngày tốt, ngày xấu của dòng họ đó. Với họ Giàng ở xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, thì 29-7 hằng năm sẽ là ngày tổ chức cố định Lễ cúng dòng họ. Trong ngày này, các hộ gia đình của dòng họ Giàng ở trong và ngoài tỉnh sẽ tiến hành dùng giấy bản tự làm, nhuộm màu xanh, đỏ, vàng khác nhau để phủi, chà lau qua các vật dụng trong nhà, tượng trưng cho sự đen đủi, vận xui đeo bám; sau đó kẹp vào hương rồi gói lại mang tới nhà người đăng cai tổ chức lễ.
    |
 |
Thầy mo làm lý tại lễ cúng với việc đi xung quanh vòng tròn, vừa khấn vừa đánh chiêng xua đuổi “Su”. |
    |
 |
Làm lý xong, các hộ sẽ lần lượt ra khỏi khu vực làm lễ. |
    |
 |
Thầy mo đeo khăn đỏ che mặt khi làm lễ. |
    |
 |
...và gõ chiêng khi làm lễ. |
Tại Lễ Dù Su, trưởng họ là người cúng lễ, còn những người khác phụ giúp việc dỡ hương, tháo giấy và sắp xếp lại cho ngay ngắn. Thầy mo sẽ tập trung đại diện các hộ gia đình trong vòng tròn bằng dây vải màu, vừa đọc lời cúng vừa đánh chiêng để xua đuổi vận xui. Sau đó, mọi người tổ chức dâng vật tế là một con dê. Con dê được đeo vòng với những răng gỗ nhọn, dùng để treo giấy của các hộ gia đình mang tới (tượng trưng cho “Su”). Thầy mo sẽ đeo khăn đỏ che mặt, mỗi tay một vật phẩm được làm từ kim loại, vừa làm lễ vừa nhảy tròn trên 9 chiếc ghế đè lên nhau. Sau khi đọc hết lời khấn, thầy mo ném thẳng chiếc vòng gắn chuông từ nhà ra sân; người giữ dê sẽ thúc dê chạy đến rừng cách xa bản làng. Tại đây, chiếc vòng giấy mang những điều xui rủi sẽ bị đốt, lọ đựng các tờ giấy nhiều màu được gấp gọn gàng sẽ được mọi người chôn, lễ vật được mổ thịt, dâng lên các vị thần, các linh hồn lành, dữ lẩn khuất gần bản làng.
    |
 |
Các vận đen, không may mắn sẽ được đốt, nắp kín và đem chôn xuống đất. |
    |
 |
Lễ vật gánh “Su” sẽ được dắt chạy lên rừng. |
    |
 |
Lễ vật được làm thịt, dâng lên thần linh… |
Lâu nay, Lễ Dù Su được đồng bào dân tộc Mông ở Điện Biên và nhiều tỉnh khác duy trì và không ngừng phát triển. Đây được coi là một nghi lễ đặc sắc, độc đáo, không chỉ thể hiện những quan niệm, tín ngưỡng văn hóa truyền thống, mà nó còn thể hiện lối sống cộng đồng, đoàn kết, gắn bó cùng nhau phát triển của đồng bào dân tộc Mông.
HÀ KHÁNH - TRẦN DŨNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.