“Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh hướng đến một không gian học thuật cho các nhà nghiên cứu trẻ trong và ngoài nước. Do đó, bảo tàng là nơi trưng bày hiện vật - văn bản gốc, góp phần làm nổi bật từng giai đoạn cuộc đời của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh”, PGS, TS Bùi Chí Trung nói.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Các đại biểu tham dự sự kiện “Mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội”. 

Theo PGS, TS Bùi Chí Trung, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ hướng việc kết nối lịch sử của Việt Nam thông qua “triết lý số” trên toàn cầu. Bởi lẽ, 10% hiện vật tại bảo tàng có thể thấy bằng mắt thường; 90% còn lại sẽ phụ thuộc vào phương tiện số như tư liệu, phim, ảnh… của bảo tàng.

Nhờ vậy, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tạo nên một thiết chế văn hóa mạnh mẽ, trở thành địa chỉ đỏ rực sáng giữa lòng Thủ đô về người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc của cách mạng, vị tướng tài ba, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam.

Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đánh giá, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mang dấu ấn về sự tôn vinh, tri ân. Cùng với hơn 162 bảo tàng, 36 bảo tàng ngoài công lập, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh sẽ đóng góp to lớn vào mạng lưới bảo tàng quốc gia.

leftcenterrightdel
Các em học sinh hào hứng tham quan bảo tàng.  
leftcenterrightdel
Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tới tham dự sự kiện “Mở cửa đón khách tham quan thử nghiệm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Hà Nội”. 

Tại sự kiện mở cửa, Đại tá Phạm Văn Phi, Giám đốc Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng cho biết, cùng với hệ thống hiện vật trưng bày, bảo tàng cũng giới thiệu về những tài liệu lần đầu được công bố, như: Thư của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Ba Lan gửi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Chí Thanh đề nghị giúp đỡ trong công tác trưng bày triển lãm của Bảo tàng Quân đội Ba Lan.

Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tọa lạc tại số 81 Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được xây dựng theo kiến trúc ngôi nhà số 34 Lý Nam Đế (Hà Nội), nơi đại tướng và gia đình đã ở trong giai đoạn từ năm 1955 đến năm 1986, với 3 tầng nổi, 1 tầng hầm, trưng bày theo 8 chủ đề, 105 hiện vật, 90 tài liệu, 214 hình ảnh và trên 100 đầu sách.

Từ ngày 6-7, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh mở cửa đón khách tham quan theo 2 khung giờ, buổi sáng (từ 8 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút), buổi chiều (từ 14 giờ đến 16 giờ 30 phút). Theo kế hoạch, Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chính thức khánh thành đúng ngày kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1-1-1914/ 1-1-2024).

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tên thật là Nguyễn Vịnh, sinh ngày 1-1-1914 tại làng Niêm Phò, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông tham gia cách mạng từ năm 1934 và được phong hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam vào năm 1959.

Từ năm 1965 đến năm 1967, ông được phân công vào Nam, giữ chức Bí thư Trung ương Cục miền Nam, kiêm Chính ủy Quân Giải phóng miền Nam. Năm 1967, thời điểm chuẩn bị vào Nam để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột qua đời.

Ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Cúc và có 4 người con. Trong đó, nổi bật nhất là Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Tin, ảnh: HỒNG PHÚC