Và ngược lại, những công trình kiến trúc tầm cỡ, đỉnh cao cũng sẽ mang lại niềm tự hào cho con người, trở thành những biểu tượng, những dấu ấn của sự phát triển xã hội.

Kiến trúc - nghệ thuật tiên phong của nhân loại

Những công trình kiến trúc, so với các tác phẩm nghệ thuật khác có sự tác động xã hội mạnh mẽ hơn trên cả phương diện không gian lẫn theo thời gian bởi những đặc thù của lĩnh vực nghệ thuật này. Thứ nhất, các công trình kiến trúc chiếm lĩnh những vị trí xác định trong không gian và phần nào chi phối những công trình khác bởi sự ảnh hưởng và danh tiếng của chúng. Những tác động về không gian này càng rõ nét hơn với các công trình kiến trúc có quy mô lớn, phục vụ đông đảo đối tượng sử dụng và những hoạt động thường xuyên của xã hội. Thứ hai, theo thời gian, bởi sự tích lũy các giá trị nghệ thuật thẩm mỹ và kiến trúc của bản thân công trình, cộng thêm những giá trị văn hóa phát sinh do quá trình tồn tại và khai thác xã hội, những công trình như những kho dữ liệu lịch sử đầy giá trị để có thể hiểu về các thế hệ tiền nhân, đồng thời thôi thúc những con người hiện tại noi gương và tiếp bước cha ông, tạo ra những giá trị mới bồi đắp thêm bề dày lịch sử đó.

leftcenterrightdel
    Nhà Quốc hội - công trình kiến trúc đoạt Giải thưởng Lớn, Giải thưởng Kiến trúc quốc gia năm 2014.Ảnh: THANH QUANG 

Lịch sử kiến trúc thế giới vẫn thường nhắc đến nhiều công trình đỉnh cao, hoành tráng của các nước phương Tây, trong khi kiến trúc phương Đông lại ít được đề cập hơn. Điều này không có nghĩa là nền kiến trúc phương Đông không có những công trình đỉnh cao mà do bản tính con người sống gắn bó với môi trường. Vì vậy, cách thực hành kiến trúc phương Đông nghiêng về sự tinh tế, sự hòa hợp với bối cảnh tự nhiên nên có quy mô nhỏ nhắn, xinh xắn, mặt khác lại sử dụng các vật liệu thiên nhiên và thân thiện, đặc biệt các vật liệu có nguồn gốc từ thực vật, khiến công trình có tuổi thọ không cao, dễ bị tác động, thậm chí bị phá hủy sau những biến cố hay biến động xã hội. Kiến trúc Việt Nam không phải là ngoại lệ. Trong quá khứ, chúng ta từng có những công trình kiến trúc thực sự hoành tráng, là những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao nhưng giờ đây, chúng ta lại chỉ biết điều đó qua mô tả từ sách vở, thay vì được tận mắt chứng kiến những gì cha ông đã cố gắng kiến tạo trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Lịch sử với quá nhiều biến động khiến nền kiến trúc Việt Nam không thể lưu giữ được những giá trị đỉnh cao dưới góc độ vật chất, nhưng rõ ràng, dưới góc độ tinh thần, những công trình này vẫn hiện diện trong tư tưởng của mỗi con người Việt Nam, trở thành niềm tự hào pha lẫn chút tiếc nuối giá như những tác phẩm đấy vẫn còn tồn tại.

Có gì đáng nói về diện mạo kiến trúc Việt Nam đương đại?

Những người làm kiến trúc Việt Nam hiện nay luôn nỗ lực sáng tạo ra những công trình để bù đắp phần nào sự “thiệt thòi” của quá khứ, đồng thời bằng những công trình kiến trúc mới, họ viết tiếp những câu chuyện đã qua của một nền kiến trúc mà cha ông ta đã gây dựng. Họ vẫn đang nỗ lực hằng ngày để định vị kiến trúc Việt Nam trên bản đồ kiến trúc thế giới bằng những tác phẩm ảnh hưởng xã hội cao không chỉ gói gọn trong đất nước mà còn vươn tầm ra khu vực hay thế giới. Tuy nhiên, có vẻ như những nỗ lực này vẫn là nhỏ bé, chưa được như kỳ vọng. Mặc dù trong những thập kỷ vừa qua, đặc biệt là kể từ sau đổi mới năm 1986, khi có những thay đổi mạnh mẽ về quan điểm và tư tưởng theo hướng cởi mở, hội nhập hơn với thế giới, các hoạt động sáng tạo nghệ thuật nói chung, sáng tạo kiến trúc nói riêng đã có nhiều khởi sắc và cho ra đời những tác phẩm mới. Sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân, những doanh nghiệp nước ngoài đã thúc đẩy các công trình kiến trúc được đầu tư xây dựng nhiều hơn, trở nên đa dạng, phong phú với nhiều chức năng, biểu hiện và ý nghĩa mới, hướng đến những đối tượng sử dụng khác nhau trong xã hội, tạo nên những trào lưu, xu hướng và phong cách kiến trúc mới cho một Việt Nam đương đại.

Trong thời gian vừa qua, không thể phủ nhận chúng ta đã có những tác phẩm kiến trúc chất lượng, thể hiện qua nhiều công trình đã đoạt nhiều giải thưởng uy tín trong nước lẫn quốc tế của các tổ chức, hội nghề nghiệp nhưng có vẻ như điều đó là chưa đủ. Công chúng vẫn khát khao những tác phẩm kiến trúc tầm cỡ (hơn) và đỉnh cao (hơn), tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Giới chuyên môn lẫn xã hội cũng đã có nhiều cuộc thảo luận để tìm ra các nguyên nhân về vấn đề này.

Thứ nhất, mặc dù số lượng tác phẩm kiến trúc nhiều nhưng chất lượng tác phẩm, thể hiện thông qua phong cách sáng tác kiến trúc vẫn là một điều đáng bàn. Nhìn lại, chúng ta chưa thực sự thấy một phong cách chủ đạo đại diện cho Việt Nam đương đại. Đa số các công trình kiến trúc đang là những tác phẩm nghệ thuật riêng lẻ với những phong cách sáng tạo độc lập, quyết định chủ quan bởi người thiết kế hay nhà đầu tư nên nếu xét từng tác phẩm, có thể có hiệu quả nghệ thuật, nhưng nếu đặt vào hệ thống, chúng lại chưa tạo được sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau. Thậm chí, có những công trình còn “nhập khẩu” nguyên bản các phong cách ngoại lai và được xem là một sự “hiện đại hóa” nền kiến trúc bản địa. Ngoài ra, một số trào lưu “phục cổ”, “nệ cổ” hay “nhại cổ” cũng đang được đẩy mạnh hơn khi xã hội gắn những “phong cách” này với biểu hiện của sự giàu sang, đẳng cấp đã làm mờ nhạt tính thời đại của các tác phẩm kiến trúc. Từ đó, chúng ta vẫn đau đáu với câu hỏi về bản sắc, về một phong cách kiến trúc thực sự của Việt Nam, do người Việt Nam tạo ra và vì cuộc sống của người Việt Nam.

Thứ hai, nền kinh tế thị trường, một mặt đã làm cho nền kiến trúc Việt Nam khởi sắc với nhiều công trình được đầu tư đa dạng, nhưng mặt khác, cũng chính nền kinh tế thị trường phần nào đã làm cho công trình kiến trúc Việt Nam mất đi tính độc lập trong sáng tạo của một tác phẩm nghệ thuật khi chịu sự chi phối mạnh mẽ của đồng tiền đầu tư và áp lực lợi nhuận mang lại. Điều này đã làm cho các kiến trúc sư, đôi khi trở thành những người vẽ thuê, diễn họa lại ý tưởng của các nhà đầu tư, vốn tính toán kinh tế rất giỏi nhưng chưa chắc đã am hiểu tường tận những giá trị nghệ thuật mà tác phẩm kiến trúc có thể mang lại. Sự chiều lòng công chúng bằng những tác phẩm mang tính thời vụ đã làm cho công trình kiến trúc mất đi vai trò định hướng sáng tạo và nghệ thuật cho xã hội, khiến chúng trở nên tầm thường khi chỉ giải quyết những vấn đề thực dụng trước mắt hơn là những giá trị nghệ thuật lâu dài.

Thứ ba, sự lệch pha về quan điểm nghệ thuật giữa các kiến trúc sư với xã hội là một vấn đề quan trọng. Với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông, các quan điểm và tư tưởng nghệ thuật mới được các kiến trúc sư nắm bắt kịp thời. Các cơ sở đào tạo cũng thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình để mang đến cho sinh viên-những nhà thiết kế tương lai những kiến thức, kỹ năng thiết kế mới. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, có nhiều công trình kiến trúc được giới thiết kế đánh giá cao nhưng lại không được quan tâm bởi công chúng, và ngược lại, có những công trình nhận được sự hài lòng của công chúng thì lại gây bức xúc cho các nhà chuyên môn. Sự lệch pha này còn thể hiện qua vai trò của các nhà đầu tư công trình lẫn người xét duyệt những tác phẩm kiến trúc khi các chủ thể này bằng khả năng và “quyền lực” của mình, can thiệp, thậm chí là rất sâu vào quá trình thiết kế những tác phẩm, khiến chúng “méo mó”, không hoàn chỉnh, trở thành kết quả của những sự chắp vá nhiều quan điểm.

Kỳ vọng về những công trình kiến trúc xứng tầm thời đại 

Từ những nguyên nhân nói trên, để kiến trúc Việt Nam có những tác phẩm lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người như mong mỏi của xã hội, bên cạnh những giải pháp chủ quan như giới thiết kế cần nâng cao hơn nữa năng lực sáng tác và sáng tạo nghệ thuật lẫn kỹ thuật kiến trúc, đã đến lúc, không chỉ các kiến trúc sư, mà chính xã hội cần suy ngẫm về những vấn đề hiện tại để tìm các giải pháp thực sự hiệu quả cho những công trình kiến trúc trong tương lai.

Đầu tiên, thông qua các giải thưởng, các phương tiện truyền thông đại chúng, cần tôn vinh những tác phẩm kiến trúc có nhiều đột phá trong sáng tạo, mang lại giá trị nghệ thuật và sử dụng cao cho xã hội. Qua đó tạo ra những hiệu ứng xã hội, giúp người dân thấy được ý nghĩa, cái hay, cái đẹp của tác phẩm, một mặt xây dựng niềm tự hào với nền kiến trúc Việt Nam, tin tưởng vào giới kiến trúc sư của nước nhà; mặt khác, thay đổi quan điểm, định kiến về kiến trúc, tránh tư tưởng “trọng tây, bài ta”, giúp các kiến trúc sư Việt Nam có nhiều cơ hội hơn để phát huy, sáng tạo, đóng góp cho quê hương. Ngược lại, cũng cần có những phản biện xã hội sâu sắc với các tác phẩm kiến trúc đi ngược thời đại, phân tích những cái chưa được, chưa hợp lý để mọi người cùng hiểu, giảm dần khoảng cách về quan điểm nghệ thuật giữa nhà chuyên môn với công chúng.

Tiếp theo, bên cạnh các công trình kiến trúc dân dụng được nghệ thuật hóa vốn đã quen thuộc với xã hội, chúng ta cũng nên "kiến trúc hóa” các công trình hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị, để chúng trở thành những tác phẩm nghệ thuật thay vì chỉ mang tính chuyên môn kỹ thuật thuần túy. Đây là một xu hướng mới không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, một mặt, bởi các hạ tầng kỹ thuật và xã hội đô thị thường tác động đông đảo đến số đông người dân; mặt khác, chúng thường có quy mô lớn hơn và thời gian tồn tại lâu hơn nhiều so với một công trình kiến trúc. Như vậy, nếu được các nhà thiết kế đầu tư sự sáng tạo, khoác lên những giá trị nghệ thuật nhất định, chắc chắn chúng sẽ mang đến sự thú vị và tác động xã hội còn to lớn hơn nữa. Trong những năm gần đây, xu hướng này đã manh nha xuất hiện tại Việt Nam, chẳng hạn những công trình giao thông lớn như cầu, hầm, nút giao thông, cửa ngõ đô thị... đã có sự hợp tác chặt chẽ trong thiết kế giữa kiến trúc sư-những người đóng vai trò tạo hình và những kỹ sư giao thông-những người bảo đảm yếu tố kỹ thuật. Mặc dù một số tác phẩm ra đời từ sự hợp tác này đã gây tiếng vang nhưng có vẻ như chúng vẫn chưa tạo ra được một trào lưu thực sự.

Giải pháp quan trọng nữa là cần hoàn thiện các quy chế, quy định về tổ chức thi tuyển kiến trúc, đặc biệt là những công trình kiến trúc có quy mô, mang tầm ảnh hưởng cao, để có thể tập hợp và phát huy được hết sự sáng tạo của xã hội thông qua sự tham gia rộng rãi của giới chuyên môn và cả cộng đồng. Những cuộc thi này còn có thể được xem như những kênh phản biện hiệu quả giữa các chủ thể. Bằng các phép đo những phản ứng xã hội, các nhà thiết kế hiểu hơn về quan điểm và mong mỏi của công chúng. Đồng thời, với những phản hồi của giới chuyên môn về các phương án, các nhà đầu tư hay những người có thẩm quyền ra quyết định có thể cân nhắc về những quyết định của mình, để cùng các kiến trúc sư tạo ra những tác phẩm "win-win": Vừa thỏa mãn thị hiếu công chúng, vừa phát huy tính sáng tạo của nhà thiết kế, vừa mang lại lợi nhuận kinh tế cho chủ đầu tư, đồng thời giúp chính quyền và các nhà quản lý nhận được hiệu ứng xã hội tích cực, xây dựng hình ảnh phát triển mới cho các đô thị và cho đất nước.

Cùng với công cuộc đổi mới đất nước, nền kiến trúc Việt Nam đã có những thay đổi tích cực, góp phần đưa hình ảnh Việt Nam trở nên năng động hơn, cởi mở hơn trong những đánh giá của cộng đồng quốc tế. Chúng ta có thể tự hào về những nỗ lực của giới kiến trúc Việt Nam, nhưng bối cảnh mới với những yêu cầu phát triển mới lại khiến xã hội đòi hỏi các kiến trúc sư Việt phải nỗ lực hơn nữa để có những tác phẩm kiến trúc thực sự đại diện cho đất nước kể với bè bạn năm châu những câu chuyện phát triển của Việt Nam. Nói cách khác, cỗ xe đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực kiến trúc đã chuyển động nhưng cần phải vượt qua các chướng ngại vật và tăng tốc để đi vào một quỹ đạo phát triển mới với những tác phẩm đạt tầm cao mới, tương xứng với vị thế, thương hiệu quốc gia Việt Nam trên trường quốc tế.

Tiến sĩ TRẦN MINH TÙNG (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội)