Tôn vinh những người làm điện ảnh, tác phẩm điện ảnh

Trong tối diễn ra Lễ trao giải Cánh diều 2015, các thế hệ làm điện ảnh và khán giả đã có dịp ôn lại những mốc son của điện ảnh cách mạng Việt Nam với hình ảnh các bộ phim: “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”, “Mối tình đầu”, “Thành phố lúc rạng đông”… tôn vinh nhà biên kịch nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam-Hoàng Tích Chỉ, tác giả gắn với nhiều kịch bản nổi tiếng kể trên và đã vinh dự nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật; tôn vinh Nhà giáo Nhân dân Lê Đăng Thực với những đóng góp cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo ngành điện ảnh nước nhà.

Tận tình dìu nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ bước vào khán phòng của Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt-Xô đêm tôn vinh và trao giải Cánh diều 2015, NSND Trà Giang rơm rớm nước mắt xúc động. Bà bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ-một trong những tác giả kịch bản điện ảnh hàng đầu đã viết nên các tác phẩm điện ảnh làm rạng rỡ nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Trong đó, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” với nhân vật Dịu đã đánh dấu vai diễn để đời trong sự nghiệp diễn viên điện ảnh của NSND Trà Giang. Cho đến ngày hôm nay, những bộ phim như “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” hay “Thành phố lúc rạng đông”… mãi mãi là các tác phẩm điện ảnh bất hủ, ghi dấu vào lòng những thế hệ người yêu điện ảnh; đồng thời cũng đã đưa nền điện ảnh cách mạng Việt Nam vươn tầm khu vực, đến với rất nhiều khán giả và người làm điện ảnh trên thế giới.

Phần trao giải Nam, Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyện điện ảnh. 

Với diễn viên Nhã Phương, nữ diễn viên trẻ đoạt giải Cánh diều Vàng 2015 hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc phim truyền hình, thì đây không chỉ là ngày hội của những người làm điện ảnh, mà còn là cơ hội quý giá đối với những diễn viên trẻ để được gặp gỡ, được bày tỏ sự mến mộ và học hỏi các thế hệ làm điện ảnh đi trước như NSND Trà Giang, NSND Lan Hương, NSND Minh Châu…

Đề cao tính sáng tạo

Kết quả ở các hạng mục giải thưởng Cánh diều 2015: Phim “Trúng số” của đạo diễn Việt kiều Dustin Nguyễn (Công ty TNHH MTV Vùng trời mơ ước) đoạt giải Cánh diều Vàng; 3 phim khác gồm “Người trở về” (Đạo diễn Đặng Thái Huyền, Điện ảnh Quân đội nhân dân), “Cuộc đời của Yến” (Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, Công ty TNHH MTV Hãng phim truyện Việt Nam) và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (Đạo diễn Victor Vũ, Cục Điện ảnh và Công ty Cổ phần Truyền thông, giải trí Galaxy) cùng giành giải Cánh diều Bạc. Dễ thấy những thành phần sáng tạo đều là những người trẻ, làm nên những bộ phim có giá trị nghệ thuật cao và được đông đảo khán giả đón nhận.

Nếu so với các “đối thủ” là “Người trở về”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cuộc đời của Yến” và 4 phim khác nữa được Nhà nước đầu tư sản xuất đều được đánh giá cao và từng đoạt giải thưởng đáng kể (trong đó “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” giành giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, tổ chức hồi tháng 12-2015; “Cuộc đời của Yến” giành Bông sen Bạc…) thì “Trúng số” hay 9 phim khác của các đơn vị sản xuất tư nhân được liệt kê vào danh sách các phim giải trí thu hút phòng vé. Thế nhưng, “Trúng số” đã làm nên chuyện khi cùng lúc ẵm giải cao nhất cho phim và diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc cũng đã được xướng tên lên nhận Cánh diều Vàng cho hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất phim điện ảnh.

Ra mắt dịp Tết Ất Mùi (2015), “Trúng số” được đánh giá có tính nhân văn, có tìm tòi, sáng tạo và đặc biệt đậm đà bản sắc Việt Nam. Dựa trên câu chuyện có thật năm 2011, “Trúng số” xoay quanh những chuyện đảo lộn cuộc sống thường ngày của một nhóm người lao động lam lũ ở miền Nam nước ta, khi một người đàn ông vừa mãn hạn tù trúng vé số độc đắc. Từ sau phim “Cánh đồng bất tận”, diễn viên Ninh Dương Lan Ngọc trở lại màn ảnh rộng trong vai diễn cô Thơm, là một điểm nhấn mới, có chiều sâu của nữ diễn viên, mang đến cảm xúc cho người xem. Đây cũng là bộ phim đã được Hội đồng duyệt phim quốc gia chọn đưa đi tham dự giải Oscar lần thứ 88 diễn ra hồi tháng 3 vừa qua tại Mỹ ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài”.

Một tác phẩm điện ảnh phải kể đến nữa là bộ phim “Người trở về”. Đây là bộ phim truyện nhựa duy nhất trong số 18 phim tranh giải Cánh diều Vàng năm nay, cũng là bộ phim truyện mang màu cờ sắc áo của Quân đội nhân dân Việt Nam sau 10 năm vắng bóng trong hạng mục phim truyện ở các mùa giải thưởng của điện ảnh nước nhà. Ra mắt đúng dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, ngay lập tức, “Người trở về” đã tạo sự hứng khởi và niềm tin đối với người yêu điện ảnh về dòng phim chiến tranh cách mạng. Phim dựa theo ý tưởng truyện ngắn “Người về bến sông Châu” của nhà văn quân đội Sương Nguyệt Minh, một đề tài tưởng chừng đã cũ, nhưng qua sự nhào nặn kịch bản của Đại úy, đạo diễn Đặng Thái Huyền và Thiếu tá, biên kịch Nguyễn Thu Dung, “Người trở về” đã có sự sáng tạo tươi mới cùng sự thể hiện của dàn diễn viên tài năng: Lã Thanh Huyền (vai Mây-nữ chính), Trương Minh Quốc Thái, Tiến Lộc, Thu Thủy… Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, Trưởng ban giám khảo hạng mục Phim truyện điện ảnh giải Cánh diều 2015 từng nhận xét, Việt Nam đã có nhiều bộ phim chiến tranh, phim về đề tài hậu chiến, nhưng trong bối cảnh của điện ảnh Việt Nam hiện nay, thì “Người trở về” thực sự có giá trị. 

Lễ trao giải điện ảnh Cánh diều 2015 khép lại, nhưng đã mở ra không gian mới cho những cánh diều bay lên-những người đang giữ lòng đam mê, nhiệt huyết với sự phát triển, hội nhập của điện ảnh nước nhà. Hơn ai hết, khán giả yêu điện ảnh đang chờ đợi nhiều hơn những bứt phá, những tư duy đổi mới, khẳng định mới trong các tác phẩm điện ảnh của một thế hệ làm điện ảnh trẻ, tài năng.


Giải thưởng Cánh diều Vàng 2015 trao cho các tác giả và tác phẩm xuất sắc:

Hạng mục Phim truyện điện ảnh: Biên kịch: Nguyễn Mạnh Tuấn-“Trúng số”; Đạo diễn: Đinh Tuấn Vũ-“Cuộc đời của Yến”; Nam và Nữ diễn viên chính: Nguyễn Thanh Tú-“Cầu vồng không sắc”, Ninh Dương Lan Ngọc-“Trúng số”. Quay phim và Thiết kế mỹ thuật: Ka Linh-“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, họa sĩ Phạm Quốc Trung-“Nhà tiên tri”; Nhạc sĩ và Âm thanh: Lê Cát Trọng Lý-“Cuộc đời của Yến”, Trần Mạnh Hoàng-“Cầu vồng không sắc”; Diễn viên triển vọng trao cho Bùi Trọng Khang (12 tuổi)-“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Hạng mục Phim truyền hình: Cánh diều Vàng thuộc về phim “Tuổi thanh xuân”; Đạo diễn phim truyền hình: Nguyễn Danh Dũng-“Khi đàn chim trở về”; Nam, Nữ diễn viên chính phim truyền hình: Việt Anh, Quang Tuấn và Nhã Phương. Phim khoa học: “Dấu tích Sa Huỳnh”-Phạm Ngọc Tú; Đạo diễn phim khoa học: Vũ Hoài Nam phim-“Vận động hoàn hảo”. Phim tài liệu xuất sắc và Đạo diễn xuất sắc trao cho “Mẹ ơi con đã về” của Lương Minh Đức. Phim ngắn: “Cách khác”-Lã Tùng Tâm và “Dành tặng ông Điều”-Nguyễn Hiền Anh. Công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh trao cho hai tác giả Trần Luân Kim và Đỗ Lệnh Hùng Tú. Phim hoạt hình và Đạo diễn xuất sắc trao cho Phạm Ngọc Tuấn, phim “Mèo trắng và mèo mun”

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ