Nỗ lực thực hiện theo cam kết Công ước 2003
Chiềng làng chiềng chạ/ Thượng hạ hai làng/ Dẹp trống vào tang/ Để tôi giáo cá, tiếng hò mở màn điệu hát xoan như thúc giục người dân, du khách tìm về phường xoan An Thái (xã Phượng Lâu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Sau một tuần lao động hăng say, những nghệ nhân lại tụ họp về đây để thực hành và truyền dạy hát xoan.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống 5 đời hát xoan, từ lúc lên 9 tuổi, bà Nguyễn Thị Lịch đã biết múa, hát xoan. Năm 1979, bà bắt đầu truyền dạy hát xoan cho dân làng. Trải qua bao khó khăn và tâm huyết, năm 2006, bà Lịch được cộng đồng tín nhiệm bầu làm Trùm phường xoan An Thái. Đến nay, phường xoan An Thái có hơn 100 người tham gia sinh hoạt thường xuyên. Ở tuổi 73, điều mong ước lớn nhất của Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Nguyễn Thị Lịch là có thật nhiều sức khỏe để cống hiến cho nghệ thuật và "truyền dạy hát xoan tới thế hệ trẻ đến hơi thở cuối cùng".
Sự tâm huyết của NNND Nguyễn Thị Lịch cùng nhiều nghệ nhân khác tại Phú Thọ đã góp phần duy trì sức sống trường tồn của nghệ thuật hát xoan. Năm 2011, hát xoan Phú Thọ được UNESCO ghi danh vào danh mục DSVH phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Chỉ 6 năm sau, hát xoan được UNESCO ghi danh vào danh mục DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đây, toàn tỉnh Phú Thọ chỉ còn 7 nghệ nhân có khả năng truyền dạy hát xoan thì đến nay đã có gần 100 nghệ nhân, cùng 1.560 người tham gia thực hành hát xoan thường xuyên. Nghệ thuật hát xoan cũng được tỉnh Phú Thọ đưa vào chương trình học ngoại khóa cho học sinh trong các nhà trường.
 |
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Thị Lịch truyền dạy hát xoan cho học sinh. Ảnh: VIỆT THẮNG |
Từ nhiều năm qua, tỉnh Bắc Ninh đã có chính sách khuyến khích, hỗ trợ trong việc bảo vệ, phát huy dân ca quan họ, như: Hỗ trợ mỗi làng quan họ gốc trên địa bàn 30 triệu đồng/lần/năm; hỗ trợ câu lạc bộ (CLB) dân ca quan họ ngoài tỉnh 20 triệu đồng/lần/năm... Hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có 44 làng quan họ gốc, 150 làng quan họ thực hành và 369 CLB quan họ. Ngoài ra, tỉnh Bắc Ninh có 11 nhà quan họ được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí khoảng 80 tỷ đồng.
Là thành viên tích cực của CLB quan họ làng Lũng Giang (thị trấn Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh), nghệ nhân Nguyễn Hữu Biển vui mừng trước sức sống của quan họ như mạch nguồn tuôn chảy. Ông Biển tâm sự: “Trước đây, chúng tôi thường phải bỏ tiền túi ra để duy trì hoạt động cho CLB, đến nay có sự quan tâm của các cấp chính quyền đã giúp cho những người thực hành quan họ có điều kiện tốt hơn để theo đuổi đam mê và bảo vệ, phát huy giá trị DSVH quý báu của dân tộc. Ngoài hoạt động tại CLB, tôi còn mở hát canh quan họ tại nhà vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về”.
Nghệ thuật hát xoan Phú Thọ và dân ca quan họ là hai ví dụ tiêu biểu, hai bài học kinh nghiệm của Việt Nam trong việc thực hiện cam kết theo Công ước 2003. Trên khắp mọi miền đất nước, các loại hình DSVH phi vật thể duy trì sức sống bền bỉ trong nhân dân, góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Tôn trọng cộng đồng và quy tắc của UNESCO
Công ước 2003 của UNESCO ra đời là cơ sở quan trọng để các quốc gia thành viên thực hiện cam kết trong bảo tồn và phát huy giá trị DSVH phi vật thể, như: Sử dụng các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm công tác bảo vệ DSVH phi vật thể hiện có trên lãnh thổ mình; cần nhận diện và xác định rõ các loại hình khác nhau của DSVH phi vật thể hiện có trên lãnh thổ mình, có sự tham gia của các cộng đồng, nhóm người và các tổ chức phi chính phủ có liên quan... Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đưa nội dung về DSVH phi vật thể vào Luật DSVH năm 2001 và Luật DSVH sửa đổi, bổ sung năm 2009. Ngày 5-9-2005, Việt Nam chính thức tham gia và trở thành một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước 2003.
Theo PGS, TS Lê Thị Thu Hiền, Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Việt Nam vinh dự 2 lần trúng cử thành viên Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003. Tính đến nay, Việt Nam có gần 7 vạn DSVH phi vật thể được kiểm kê; trong đó có 534 di sản cấp quốc gia, 15 DSVH phi vật thể được UNESCO ghi danh, 1.881 NNND và nghệ nhân ưu tú. Bà Lê Thị Thu Hiền khẳng định: “Việt Nam là quốc gia đầu tiên đề nghị và Ủy ban liên Chính phủ đồng ý đưa 1 DSVH phi vật thể ra khỏi danh sách cần bảo vệ khẩn cấp mà cụ thể là trường hợp của hát xoan Phú Thọ. Thông qua tăng cường thực hiện và hoàn thiện pháp luật về DSVH, Việt Nam cam kết mạnh mẽ việc thực hiện Công ước 2003; đồng thời đóng góp kinh nghiệm, thể hiện nỗ lực bảo vệ DSVH phi vật thể của nhân loại, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia trên trường quốc tế".
Việt Nam hiện có 15 DSVH phi vật thể được UNESCO ghi danh và hiện các cấp, ngành, địa phương đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh các loại hình như: Nghệ thuật hát chèo, nghệ thuật Mo Mường, võ cổ truyền Bình Định, Vovinam-Việt Võ Đạo... Các chuyên gia dự báo, trong tương lai, Việt Nam sẽ có thêm những loại hình DSVH phi vật thể được UNESCO ghi danh; đồng thời lưu ý rằng việc ứng xử với các loại hình DSVH phi vật thể không giống nhau, nhưng cần tuân thủ những quy định của các văn kiện quốc tế và văn bản pháp luật Việt Nam.
PGS, TS Nguyễn Thị Hiền, Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhận định: “Khi nói và bàn về DSVH phi vật thể thì phải tuân theo quan điểm của cộng đồng, những người sáng tạo và gắn bó một phần đời sống với di sản. Họ có quyền thể hiện tiếng nói và bảo vệ di sản của họ. Việc ghi danh di sản phải theo đúng bản chất của DSVH phi vật thể sống tại thời điểm được ghi danh, nhưng di sản vẫn có thể thay đổi cùng với thời gian và bối cảnh thực hành. Di sản và các thành tố của chúng có thể vận dụng trong công nghiệp sáng tạo, phát triển du lịch bền vững, nhưng vẫn phải tuân thủ các quy định hiện hành và tôn trọng tập tục của người thực hành để không làm tổn hại đến chức năng, giá trị của di sản. Điều quan trọng là tất cả chúng ta, cộng đồng rộng lớn cần bảo đảm sức sống của DSVH phi vật thể cho thế hệ hiện tại và tương lai”.
15 DSVH phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh, gồm: Nhã nhạc Cung đình Huế; không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; dân ca quan họ Bắc Ninh; hát ca trù; hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc; hát xoan Phú Thọ; tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ; nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ; dân ca ví, giặm ở Nghệ Tĩnh; nghi lễ và trò chơi kéo co; tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt; nghệ thuật bài chòi ở Trung Bộ; thực hành then của người Tày, Nùng, Thái; nghệ thuật xòe Thái; gốm Bàu Trúc. |
HỮU TRƯỞNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.