Sinh trưởng tại làng nghề chuyên làm sơn mài, khảm trai ở xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên (Hà Nội), từ tuổi thiếu niên, cô bé Hậu đã được định hướng sẽ nối tiếp nghề gia truyền.
Vóc sơn mài là cốt gỗ để họa sĩ sáng tạo bức tranh sơn mài hoàn chỉnh. Một bức tranh sơn mài có tuổi đời vài chục năm hay hàng trăm năm phụ thuộc vào chất lượng của tấm vóc. Một bức tranh sơn mài công phu đến đâu nhưng vóc không bảo đảm chất lượng, bị nứt thì cả bức tranh phải bỏ đi. Điều quan tâm trước tiên là chất lượng gỗ bền chắc; ngày nay, bên cạnh gỗ tự nhiên có thể thay thế bằng các loại gỗ công nghiệp chất lượng cao.
 |
Nghệ nhân Đinh Thị Hậu giới thiệu về quy trình kỹ thuật làm vóc truyền thống. |
Quy trình kỹ thuật làm vóc sơn mài truyền thống trải qua 30 thao tác, tóm tắt lại có 4 bước: Làm mộc, chống thấm, đi hom, lót gỗ. Một tấm vóc sẽ trải qua việc quét một lớp keo chuyên dụng nhằm bảo vệ cốt gỗ khỏi bị nấm mốc, mối mọt. Tiếp đó sử dụng giấy bả, loại giấy chế từ gỗ gió, dai hơn cả vải. Cách bó hom vóc được dùng từ đất phù sa trộn sơn ta giã nhuyễn cùng giấy bả rồi hom, chít các vết rạn, nứt của tấm gỗ.
Mỗi lớp sơn sẽ lại lót một lớp giấy hoặc vải màn và mỗi lớp sơn cần để tấm vóc khô tự nhiên từ 2 đến 3 ngày. Khi sơn khô, đem ra chà nhám bề mặt rồi cứ thế hom thêm 4-5 lần nước tương tự cho đến khi tấm vóc đủ hoàn chỉnh. Ngày nay, thay vì đất trộn phù sa và sơn ta, thợ thủ công có thể bọc vải xô, quét sơn chống thấm và chít bột thạch cao cho tấm vóc. Tuy nhiên, bà Hậu vẫn thường bó hom bằng đất phù sa theo truyền thống.
Lót gỗ là công đoạn cuối cùng để tạo nên tấm vóc sơn mài hoàn chỉnh, thợ sẽ dùng sơn pha loãng quết đều lên bề mặt tấm vóc 3-4 lớp mỏng. Giống với công đoạn đi hom, mỗi lớp sơn cần để khô tự nhiên. Tiếp đến sẽ dùng giấy nhám mài vóc trong nước trước khi quết lớp sơn tiếp theo.
Chất sơn được sử dụng trong quá trình làm vóc có tên là sơn ta. Đây là nhựa của cây sơn, mọc nhiều ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Phú Thọ. Đối với những người làm vóc, đây là một nguyên liệu quý bởi sơn ta rất khó khai thác và bảo quản.
Khó khăn nhất khi làm vóc sơn mài là thao tác thảo sơn khi sơn đang ở nhiệt độ 60oC. Bà Hậu tâm sự: “Trong một lần sơ suất không đeo tạp dề, hơi sơn bốc lên làm cơ thể tôi bỏng rát. Không chỉ vậy mà trong suốt 40 năm làm vóc, nhiều lần tôi tiếp xúc với nhựa sơn khiến da bị lở loét, để lại vết sẹo chằng chịt. Cho nên mỗi lần làm việc, vợ chồng tôi đều mặc kín nhằm giảm tác hại từ nhựa sơn”.
Để làm nên một tấm vóc sơn mài, thợ thủ công cần ít nhất 20 ngày. Tuy công việc vất vả nhưng vợ chồng nghệ nhân Đinh Thị Hậu luôn giữ được ngọn lửa đam mê với nghề, giúp tác phẩm của họa sĩ bền vững với thời gian.
Bài và ảnh: HẠ ANH