Với niềm đam mê sâu sắc dành cho dân ca ví, giặm, Quỳnh Trâm là gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể này.
Quỳnh Trâm bén duyên với dân ca ví, giặm từ năm 10 tuổi, khi còn là học sinh Trường Tiểu học Xuân Viên. Được mẹ-một hạt nhân dân ca ví, giặm dìu dắt, Trâm đã thuộc lòng và thể hiện xuất sắc bài hát “Lời mẹ hát trong khúc dân ca” chỉ sau một đêm luyện tập. Chất giọng mượt mà, đầy cảm xúc của em đã gây ấn tượng mạnh với bà con dân làng trong buổi lễ khánh thành nhà văn hóa thôn. Buổi biểu diễn ở sân khấu làng quê ấy, các thầy, cô giáo Trường Tiểu học Xuân Viên cũng tham dự và bất ngờ phát hiện ra cô học trò nhỏ bé lại có thể hát được dân ca ví, giặm sâu lắng đến vậy. Từ đó, Quỳnh Trâm tích cực tham gia nhiều hoạt động biểu diễn dân ca ví, giặm tại trường học và địa phương.
 |
Quỳnh Trâm biểu diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Trong những năm học THPT, không chỉ đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt 3 năm liền, em còn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ, nhiều năm giành giải cao trong các cuộc liên hoan tiếng hát dân ca học đường của địa phương và được kết nạp vào Đảng ngay tại trường. Năm 2023, Quỳnh Trâm cùng Câu lạc bộ Dân ca ví, giặm Nguyễn Công Trứ xuất sắc giành giải A tại Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với tác phẩm “Ấm tình nông thôn mới”.
Đối với Quỳnh Trâm, việc học luôn là ưu tiên hàng đầu, nhưng niềm đam mê dân ca ví, giặm vẫn luôn cháy bỏng. Dù bận rộn, em vẫn sắp xếp thời gian tham gia các sự kiện và liên hoan văn hóa, đồng thời không quên nhiệm vụ học tập; có những ngày phải thức khuya hoàn thành bài tập, soạn giáo án để dành thời gian tham dự các buổi tập luyện và biểu diễn. Những sự kiện trùng với thời điểm đến kỳ thi, Quỳnh Trâm mang theo sách vở vừa ôn bài vừa luyện tập và biểu diễn. Trâm luôn cân bằng giữa việc học và niềm đam mê với dân ca ví, giặm. Vì thế, hai năm qua, Quỳnh Trâm luôn là sinh viên giỏi và xuất sắc, được nhận học bổng của Trường Đại học Vinh.
Quỳnh Trâm chia sẻ: “Em muốn trở thành giáo viên tiểu học. Ngoài truyền đạt kiến thức cho học sinh, bằng tiếng hát của mình, em sẽ mang dân ca ví, giặm đến gần hơn với các bạn trẻ”.
Trong một góc quán nhỏ, Trâm cất tiếng hát cho chúng tôi nghe. Giọng ca mượt mà, trong trẻo, ánh mắt cô gái trẻ lấp lánh tình yêu và trách nhiệm với dân ca ví, giặm. Những người trẻ như Quỳnh Trâm chính là cầu nối giúp di sản văn hóa của dân tộc tiếp tục được lưu giữ và lan tỏa.
HOÀNG HOA LÊ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.