Bùng nổ năm 2016 với vở diễn “Quẫn” gặt huy chương vàng tại Liên hoan sân khấu Thủ đô, tiếp tục làm khán giả ngạc nhiên với “Cơn ghen của Lọ Lem” năm 2017, nhưng phải đến tháng 11-2017, LucTeam-đoàn kịch của đạo diễn Trần Lực mới chính thức ra mắt, khi đó được giới làm nghề đánh giá đem lại niềm hy vọng mới cho sân khấu nước nhà. Đoàn kịch LucTeam với những diễn viên mà tuổi đời, tuổi nghề còn rất trẻ (hầu hết là sinh viên) được đạo diễn Trần Lực trực tiếp đào tạo diễn xuất tại Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội.

Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Trần Lực. Ảnh do nghệ sĩ cung cấp 

LucTeam kết hợp nhuần nhuyễn, sáng tạo các thể loại ngôn ngữ trình diễn hiện đại trên thế giới để tạo nên một giọng điệu hoàn toàn mới cho ngôn ngữ kịch nói Việt Nam hiện đại: Ngôn ngữ biểu hiện ước lệ. “Cơn ghen của Lọ Lem” mang hình thức hài kịch, “Quẫn” mang hình thức bi kịch và “Bà Triệu” với hình thức thể hiện bi tráng. Những vở diễn với các buổi diễn “cháy vé” và mở ra xu hướng khán giả đặt vé online, xếp hàng vào xem kịch.

“Trước đây, chúng tôi thuê các nhà hát ở trung tâm thành phố, thầy trò chúng tôi hay nói vui với nhau là “gánh hát rong”. Nay LucTeam đã có “nhà hát” riêng của mình, dù nhỏ nhưng có điểm diễn cố định, diễn thường xuyên, sẽ thu hút được lượng khán giả đến với mình”, NSND Trần Lực bày tỏ.

Sân khấu của LucTeam dàn dựng trên một mặt phẳng chứ không có bục sân khấu và hàng ghế khán giả cố định như nhà hát truyền thống. Ở đây, diễn viên diễn gần gũi, sát cạnh khán giả và mỗi vở có thể đặt “sân khấu” ở một góc khác nhau. Khán giả được hòa cùng diễn viên, có sự tương tác trực tiếp giữa nghệ sĩ và người xem. “Trong thời đại công nghệ phát triển, chúng ta phải cạnh tranh bằng cách có sản phẩm hay. Đừng bao giờ cho rằng khán giả quay lưng, họ muốn xem chứ, vấn đề là anh có gì để cho người ta xem? Đó cũng là lý do tôi quay lại làm sân khấu và luôn cố gắng để mình không đi vào lối mòn. Định hướng nghệ thuật của LucTeam không chỉ diễn kịch nói mà còn kết hợp nhiều loại hình như âm nhạc, hội họa, nghệ thuật trình diễn. Khán giả được xem đúng nghĩa một cuộc trình diễn, có múa đương đại, âm nhạc...”, đạo diễn Trần Lực say sưa nói.

NSND Trần Lực xuất thân trong một gia đình nhà nòi nghệ thuật ở Hà Nội. Ông nội nghệ sĩ là nhà văn Trần Tiêu, tác giả tiểu thuyết “Con trâu”, tiểu thuyết đầu tiên của nền văn chương hiện đại viết về nông thôn; bố là GS, NSND Trần Bảng-một trong những tên tuổi gạo cội của sân khấu chèo Việt Nam-người từng mang “Quan âm Thị Kính” làm rung động sân khấu hàng loạt nước châu Âu; mẹ anh là Nghệ sĩ Ưu tú chèo Trần Thị Xuân.

Lớn lên, trưởng thành trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật biểu diễn như vậy nên Trần Lực trở thành một diễn viên, một đạo diễn tài năng không chỉ của điện ảnh mà của cả sân khấu với những dấu ấn nổi bật. Với một phong cách lạ mà quen của sân khấu LucTeam, bằng cách thể hiện theo phương pháp tiết giản tối đa đang thịnh hành trên sân khấu thế giới, đạo diễn Trần Lực đã tìm ra và sử dụng thành thạo phương pháp gián cách của chiếu chèo sân đình để làm mới các kịch bản kinh điển của Việt Nam và thế giới.

Ở tuổi 62, đạo diễn Trần Lực vẫn luôn tràn đầy khao khát và sáng tạo. Ở ông toát ra ngập tràn hứng khởi khi nói chuyện về nghệ thuật, về sân khấu. Đạo diễn đa tài Trần Lực khẳng định luôn sẵn sàng với những thể nghiệm mới và không ngại làm khó chính mình.

CHÂU XUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.