Phóng viên (PV): Bảo tồn thì khó phát triển mà phát triển thì vất vả cho bảo tồn. Câu chuyện này có đúng với Tiên Yên không, và huyện gặp khó khăn gì khi thực hiện các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tại địa phương, thưa ông?
Ông Hoàng Văn Sinh: Đây là câu chuyện không mới nhưng mỗi địa phương lại gặp khó khăn riêng. Khó khăn đầu tiên của chúng tôi là hạ tầng cơ sở, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Bởi vì muốn du khách biết đến Tiên Yên thì không gì bằng họ phải được tiếp xúc trực tiếp với văn hóa giàu đẹp của địa phương. Thế nhưng, Tiên Yên nằm ở vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, đi lại khá khó khăn.
 |
Ông Hoàng Văn Sinh. |
May mắn là thời gian qua được Nhà nước quan tâm, cũng như cả hệ thống chính trị đồng lòng vào cuộc nên con đường đến với Tiên Yên đã ngắn đi khá nhiều. Tuy nhiên, đặc trưng địa hình miền núi lại nằm ở ven biển, bị chia cắt nhiều bởi sông ngòi nên hạ tầng của Tiên Yên vẫn cần tiếp tục được đầu tư với hy vọng đi lại thuận tiện, bảo đảm thời gian, sức khỏe cho du khách. Bên cạnh đó, khôi phục văn hóa từ ngàn xưa không thể là câu chuyện ngày một ngày hai. Chúng tôi cần thời gian để truyền tải cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự cần thiết và những lợi ích của việc giữ gìn những nét văn hóa đẹp của dân tộc, để họ có sự đồng lòng, chung sức bảo tồn văn hóa Tiên Yên.
Tiên Yên là một trong những huyện nghèo của Quảng Ninh. Chúng tôi xác định cần phát huy thế mạnh là các sản phẩm vốn có của địa phương để phát triển kinh tế. Song song với đó là giữ gìn môi trường. Vì thế, các bạn thấy đấy, đến Tiên Yên rất sạch. Ngoài bảo đảm các chỉ tiêu về môi trường, xử lý nước thải, Tiên Yên còn quan tâm phát triển kinh tế rừng, bảo tồn được các khu rừng ngập mặn với diện tích lớn nhất các huyện khu vực Đông Bắc.
PV: Ông có nói đến việc phát huy các sản phẩm vốn có của địa phương để phát triển kinh tế. Ông hãy chia sẻ về cách địa phương đã làm để phát huy văn hóa bản địa?
Ông Hoàng Văn Sinh: Nhiều năm nay, Tiên Yên đã tổ chức thành công Tuần Văn hóa, Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong những sự kiện giới thiệu nhiều nét đẹp văn hóa các dân tộc sinh sống tại Tiên Yên và một số địa phương bạn; thu hút đông đảo người dân, du khách tham gia.
 |
Giới thiệu đặc sản Tiên Yên với du khách. |
Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy phát triển sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) là cách giúp người dân thoát nghèo bền vững. Sản phẩm OCOP cũng giúp chúng tôi giữ gìn được rừng và môi trường sống trong lành. Vấn đề là lấy sản phẩm gì để làm OCOP? Tiên Yên đặt ra vấn đề phải tìm các sản phẩm thế mạnh của địa phương, trên cơ sở văn hóa truyền thống chứ không làm sản phẩm mà mình không có.
Gà Tiên Yên là sản phẩm chúng tôi nghĩ đến đầu tiên và đã được triển khai thành công. Thương hiệu gà Tiên Yên giờ đây rất được yêu thích. Mỗi năm, con gà mang về thu nhập không dưới 300 tỷ đồng cho Tiên Yên. Năm 2022, Tiên Yên có gần 1 triệu con gà thành phẩm. Thậm chí, đợt dịch Covid-19 đầy khó khăn, số lượng đàn gà giảm nhưng giá gà thậm chí ngày càng tăng. Ngoài gà, Tiên Yên còn một sản phẩm nuôi chủ lực nữa là tôm. Tiên Yên có 10 xã và 1 thị trấn thì gà được nuôi ở 5 xã vùng cao, còn tôm được nuôi ở 5 xã ven biển.
Đến nay, Tiên Yên có 18 sản phẩm OCOP đã được gắn sao và sắp tới dự kiến có thêm 33 sản phẩm nữa. Trứng vịt biển Đồng Rui, mật ong, bánh gật gù, kẹo lạc hồng... cũng được nhiều người tìm đến mỗi khi về Tiên Yên.
PV: Trong khi nhiều nơi gặp thất bại với sản phẩm tương tự nhưng phố đi bộ lại khá thành công ở Tiên Yên, theo ông đó là nhờ đâu?
Ông Hoàng Văn Sinh: Thực tế, Tiên Yên không có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Để thu hút du khách, năm 2016, Ban Thường vụ Huyện ủy Tiên Yên đã lên ý tưởng về việc xây dựng điểm đến thể hiện được những bản sắc vốn có của địa phương. Chúng tôi nghĩ đến phố cổ và đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm thực hiện phố đi bộ. Sau khi bàn bạc kỹ lưỡng, chúng tôi lấy ý kiến người dân, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ về cách thức vận hành, duy trì phố đi bộ.
Năm 2017, sản phẩm du lịch Phố đi bộ Tiên Yên ra đời, hoạt động vào cuối tuần. Để phố đi bộ hấp dẫn, chúng tôi chia phố thành các đoạn phố ẩm thực, trình diễn văn hóa, tháng nào cũng tổ chức sự kiện ở đây. Ngày 8-3, phố lấy điểm nhấn theo chủ đề phụ nữ; ngày truyền thống một số ngành nghề cũng được tổ chức tại phố đi bộ thay vì ở cơ quan, công sở. Những tuần không có ngày lễ đặc biệt thì các câu lạc bộ tự do đăng ký tham gia đóng góp. Trên phố cũng duy trì 3 sân khấu phục vụ cho các đối tượng khác nhau gồm một sân khấu chính, một sân khấu dành cho thanh niên và một sân khấu dành cho đồng bào tự do trình diễn nghệ thuật, hát karaoke...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
THANH BÌNH (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.