Họ là các sứ giả mang những giá trị văn hóa hiện tồn, nhân sinh quan và thế giới quan riêng có của sắc tộc người thiểu số ra thế giới trên nền phông chung của tiếng Việt.
Nhìn lại tiến trình phát triển đội ngũ người viết là người DTTS, dễ dàng nhận thấy tác giả thể loại thơ xuất hiện sớm hơn, giành được nhiều thành tựu hơn các tác giả văn xuôi. Các nhà thơ: Nông Quốc Chấn, Bàn Tài Đoàn, Pờ Sảo Mìn, Lò Ngân Sủn, Y Phương, Inrasara, Dương Khâu Luông... đã khẳng định tài năng của mình trên văn đàn, làm giàu có thơ ca Việt Nam hiện đại. Có thể bắt đầu từ nguồn tri thức dân gian được truyền tải qua truyện thơ, ca dao hoặc khả năng biểu đạt của ngôn ngữ, thơ nói được tiếng lòng sâu thẳm, gần gũi với những vấn đề con người muôn thuở nên dễ đồng cảm hơn (cô đơn, ly hương, tìm về bản thể cội nguồn...). Văn xuôi đòi hỏi ở khía cạnh tổ chức tổng hợp, khái quát và cấu trúc thi pháp đa dạng, nhiều tầng lớp ngữ nghĩa hơn (và viết bằng tiếng Việt cũng là một cản trở không nhỏ đối với các nhà văn người DTTS). Cho nên, tác giả văn xuôi là người DTTS rất ít người thành danh như: Cao Duy Sơn, Vi Hồng...
 |
Giờ học môn Ngữ văn của cô và trò Trường Tiểu học và THCS Ea Trol, huyện Sông Hinh (Phú Yên).Ảnh: HOÀNG VINH. |
Hiện nay, thế hệ nhà văn trẻ 8X, 9X có những cái tên đáng chú ý như: Phạm Tú Anh, Phạm Tiến Triều, Lý A Kiều, Triệu Hoàng Giang, Nông Quốc Lập, Nông Quang Khiêm, Nông Hồng Cư, Ngô Bá Hòa, Hà Sương Thu, Đàm Hải Yến, Nguyễn Luân... Điểm đáng mừng đầu tiên là sự cân bằng giữa thơ và văn xuôi, thậm chí nhiều người viết cả hai thể loại khá đều tay. Một đặc điểm khác đáng chú ý là họ không xa lạ với các trường phái nghệ thuật, phong cách sáng tác hiện đại trên thế giới. Trước hết, nhờ sự phổ biến, giới thiệu sâu rộng các phương pháp sáng tác đương đại tại Việt Nam, bản thân họ cũng được học hành bài bản hoặc được tiếp cận từ nhiều nguồn tài liệu. Vì vậy, đọc tác phẩm của các nhà văn trẻ là người DTTS hiện nay, tính hiện đại trong thủ pháp nghệ thuật là điểm mạnh so với các thế hệ trước.
Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa khiến một bộ phận người DTTS sinh ra và lớn lên ở không gian văn hóa hiện đại. Không chỉ cách biệt về môi trường sinh thái với rừng núi, với bản làng mà văn hóa trong gia đình, nhà trường cũng không còn đậm bản sắc tộc người. Điều đó dẫn đến nhiều cây bút là người DTTS có thể viết hay nhưng không lấy đề tài DTTS làm cảm hứng, không hề có bản sắc tộc người trong tác phẩm. Vậy có thể gọi họ là nhà văn người DTTS được nữa hay không? Cho nên, trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai, bản sắc văn học DTTS vẫn là phải khai thác lợi thế và kho tàng văn hóa dân gian giàu có, ưu tiên lấy bản sắc văn hóa, vốn sống cũng như lối sống, lối nghĩ của dân tộc bản địa làm chất liệu chính cho các tác phẩm của mình, theo nhiều cách khác nhau, từ nhiều điểm nhìn nhằm trình diễn cho độc giả những chân giá trị của tổ tiên, của bản làng nơi sinh trưởng qua lăng kính của nhà văn.
Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang làm cho đời sống vật chất, tinh thần và giá trị tộc người thiểu số đứng trước những thay đổi quan trọng, sự tiếp biến văn hóa cũ-mới này mang lại những thang giá trị tốt đẹp và cũng đầy thử thách đối với đội ngũ nhà văn là người DTTS. Điều đó đòi hỏi nhà văn phải linh hoạt trong việc khai thác, đẩy mạnh các yếu tố bản địa trong tác phẩm của mình, định hình chân dung có giá trị và hình thành một dạng ký ức tập thể sắc tộc. Không những thế, ở tư cách một nhà văn, trách nhiệm cảnh báo, ghi chép và lưu trữ những tầng vỉa văn hóa tốt đẹp tộc người trước khi trở thành trầm tích là một hành động thiêng liêng, đáng được mở rộng.
Một nền văn học có bản sắc, định hình chân dung không đồng nghĩa với sự bó hẹp không gian sinh trưởng và ảnh hưởng hạn hẹp. Thế hệ nhà văn là người DTTS đương đại phải xác tín cho mình những góc nhìn, điểm nhìn đa dạng, góc cạnh hơn (cũng là cách bù trừ cho sự thiếu vốn sống và những trầm tích văn hóa lâu đời đang dần mai một), tâm thế chủ thể và định dạng đối tượng hướng đến không những chỉ trong sắc tộc mình mà còn phải hàm chứa yếu tố thời đại, yếu tố cộng đồng chung (về mối giao thoa giữa dân tộc đa số và thiểu số), tạo nền kiến thức hiểu biết lẫn nhau, cảm thông với nhau trên quan điểm hiểu biết, chia sẻ để tồn tại và phát triển.
Đại đa số cây bút người DTTS hôm nay được đào tạo, học tập và được tiếp cận những giá trị công nghệ tiên tiến, tư duy cởi mở hơn, “một thế giới” trở nên phẳng hơn với mặt bằng kiến thức chung cao, chưa nói về tài năng thiên bẩm, sẽ đáng cho công chúng tin tưởng về sự bứt phá của họ để sáng tạo nên những tác phẩm lớn.
Nhà thơ LÝ HỮU LƯƠNG