Cách trung tâm Hà Nội 20km, dọc theo Quốc lộ 1A, chúng tôi có dịp ghé thăm làng nghề làm vàng mã Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) vào những ngày gấp rút hoàn thiện những đơn hàng để rước ông Công-ông Táo về Trời. 

leftcenterrightdel
Mũ ông Táo ba cỗ gồm hai mũ của hai Táo ông và một mũ của Táo bà. Mũ dành cho Táo ông sẽ có thêm hai cánh chuồn, còn mũ của Táo bà thì không. Những chiếc mũ này được trang trí với các gương nhỏ hình tròn lấp lánh và kim tuyến nhiều màu sắc.

Điều khiến chúng tôi bất ngờ hơn cả chính là khắp các ngả đường của “thủ phủ” vàng mã lớn nhất ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc tấp nập lại rất hiếm gia đình còn sản xuất hàng ông Công-ông Táo. Đa số đều là sản phẩm như hình nộm ngựa, voi, thuyền rồng, nhà, xe... chủ yếu phục vụ cho những khách hàng đi đền, phủ, miếu…

Đi theo sự chỉ dẫn của người dân làng Phúc Am, chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất của ông Phùng Văn Vinh (sinh năm 1967, thôn Duyên Trường, xã Duyên Thái), nơi được xem là “công xưởng” sản xuất vàng mã thủ công ông Công-ông Táo còn lại của làng nghề. 

leftcenterrightdel
Ông Phùng Văn Vinh đang gấp rút hoàn thiện những đơn hàng để rước ông Công - ông Táo về Trời. 

Gìn giữ văn hóa làng nghề

“Hưởng” lộc từ nghề của gia đình nên ông Vinh là đời thứ 3 duy trì, tiếp nối, gìn giữ nghề bằng cách áp dụng phương pháp thủ công truyền thống để tạo ra những sản phẩm vào mùa “Táo quân chầu Trời”.

“Nghề làm vàng mã của làng Phúc Am cũng đã tồn tại được gần 40 năm. Trước kia, Phúc Am là làng nghề truyền thống chỉ làm nghề đan lát. Tuy nhiên, khi kinh tế thị trường phát triển đã khiến các hộ dân chuyển sang nghề vàng mã. Đến nay, cả làng Phúc Am cũng có tới gần 200 hộ sống nhờ vào nghề ‘phục vụ người âm’”, ông Vinh chia sẻ. 

Phải lòng với chàng trai của làng Am, bà Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1968) đã nên duyên vợ chồng cùng ông Vinh. Cùng chung mong muốn thay đổi cuộc sống xuất phát từ lòng yêu nghề nên hai vợ chồng già cứ thế cần cù, sáng tạo ở “công xưởng” chừng 20m2 của mình. Mỗi năm, công xưởng của ông Vinh đưa ra thị trường khoảng 400-500 bộ ông Công -ông Táo có mẫu mã đẹp mắt. 

leftcenterrightdel
Bên cạnh những sản phẩm thủ công thì cũng có sản phẩm được gia đình bà Thúy nhập hàng in sẵn bằng máy từ làng nghề Song Hồ (Bắc Ninh) để về ghép lại cho thành phẩm như trên 

Chia sẻ về lý do chọn gìn giữ làm vàng mã thủ công của ông Công-công Táo, ông Vinh cho biết: “Theo quan niệm của người Việt cứ đến ngày 23 tháng Chạp hằng năm, Táo quân sẽ cưỡi cá chép về trời, tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cách đối nhân xử thế của gia đình trong năm. Do đó, gia đình nào cũng chuẩn bị thịnh soạn mâm cơm truyền thống và vàng mã, lau dọn sạch sẽ và thay mới ông Công-ông Táo, hy vọng năm tới sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Vì vậy, tôi quyết định phải giữ bằng được nghề để góp phần nào đó cho việc gìn giữ truyền thống dân tộc”.

Độc đáo đục hàng mã thủ công

Ông Vinh cho biết: “Để làm ra một sản phẩm ông Công-ông Táo phải trải qua các công việc như: Vẽ mẫu sản phẩm, photo mẫu theo kích thước, dán mẫu vào giấy bạc, đục, khoét (cắt), dán lót giấy màu và cuối cùng là hoàn thiện thành phẩm. Mỗi công đoạn đều yêu cầu người thợ phải tính toán tỉ mỉ, luôn phải tạo ra các mẫu mã mới đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Để kịp đủ số lượng hàng đặt, nguồn nguyên liệu được chuẩn bị từ tháng 6”. 

leftcenterrightdel
leftcenterrightdel
Các chi tiết rồng đều được đục và dán vào giấy kim tuyến ống ánh, màu sắc bắt mắt tạo nên sự khác biệt giữa đồ mã Phúc Am với các nơi khác. 

Theo ông Vinh, một bộ ông Công - ông Táo do gia đình ông sản xuất được bán ra với giá 100.000 đồng. Thế nhưng, lợi nhuận thu lại không cao so với công sức và thời gian bỏ ra, việc này đòi hỏi người làm phải cân đối chi phí sản xuất và nguyên liệu vẫn đảm bảo tính thủ công truyền thống. 

Nói về việc không áp dụng công nghệ máy móc vào sản xuất giúp tăng sản lượng của “công xưởng”, ông Vinh bày tỏ: “Nếu có máy móc thì khâu sản xuất sẽ trở nên dễ dàng và tốn ít công sức hơn, nhưng kinh phí quá lớn và không còn gìn giữ được bản sắc văn hóa của cha ông để lại”. 

leftcenterrightdel
Bộ cúng ông Công - ông Táo của gia đình ông Vinh đưa ra thị trường năm nay cháy hàng. 

Một bộ ông Công-ông Táo thủ công được tạo ra từ phương pháp thủ công đều trải qua các công đoạn riêng, mỗi công đoạn lại có khó khăn khác nhau. Tuy nhiên, việc đục khuôn các họa tiết là vẫn là khâu vất vả hơn cả, khâu này đòi hỏi người làm phải có độ tập trung cao, thợ phải lành nghề, từ đó mới tạo ra được những họa tiết nhỏ, cầu kỳ. Khuôn được đục trên bàn trổ làm từ sáp ong, từng nét đục là từng hơi thở của người làm nghề. 

Có thể thấy, việc gìn giữ tinh hoa của làng nghề truyền thống Phúc Am đã góp phần lưu giữ giá trị quý giá của ngày Tết ông Công-ông Táo của dân tộc. Đã là nghề truyền thống của làng nghề, cho dù làm vàng mã cũng sẽ góp phần truyền tải thông điệp phát huy bản sắc làng nghề Phúc Am nói riêng và làng nghề truyền thống đồng bằng Bắc Bộ nói chung. 

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC