Ngày đó, có 4 Việt kiều cùng Bác Hồ về Việt Nam là các ông: Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ), Trần Hữu Tước, Võ Quý Huân và Võ Đình Quỳnh. Đúng 70 năm sau, trong đợt tiếp nhận tài liệu, hiện vật và gặp gỡ nhân chứng về Chủ tịch Hồ Chí Minh, các con của họ cùng gặp lại nhau tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ôn lại những ký ức hào hùng của ông cha, kể cho chúng tôi về cha họ và về người con vĩ đại nhất của dân tộc-Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ bỏ cuộc sống yên ổn về nơi gian khó
Sau Hội nghị Phông-ten-nơ-blô (Pháp), Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn lên tàu trở về Việt Nam. Trên chuyến tàu ấy có thêm 4 thành viên mới là những trí thức yêu nước được Bác Hồ thuyết phục trở về giúp Tổ quốc đang gặp nhiều khó khăn. Bà Trần Tố Dung, con gái cố Giáo sư, bác sĩ Trần Hữu Tước kể lại: “Chúng ta đều biết, chuyến thăm Pháp của Bác diễn ra vào thời điểm rất nhạy cảm, một nền hòa bình mong manh và cuộc chiến tranh khó có thể tránh khỏi giữa ta với chủ nghĩa thực dân Pháp. Trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc về vận mệnh của đất nước, của một nền độc lập còn non trẻ, đặt trên vai Bác trách nhiệm về sự sống còn của dân tộc, vậy mà Bác vẫn điềm tĩnh, ung dung, thư thái, chủ động, luôn hướng về tương lai với một niềm tin mà Bác gửi gắm vào những con người được Bác chọn để đi theo Người về với quê hương vốn đang vô cùng nghèo khó, gian nan. Niềm tin về xây dựng một xã hội mới, hoàn toàn do bàn tay, khối óc những người Việt Nam ở cả ba miền chung tay góp sức xây dựng nên”.
Đông đảo khách đến Bảo tàng Hồ Chí Minh để tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Người.
Trong 4 trí thức Việt kiều, có lẽ trường hợp của ông Võ Quý Huân là khó khăn nhất. Khi Bác Hồ sang Pháp năm 1946, ông Võ Quý Huân đang làm nghiên cứu sinh nhưng đã xin nghỉ để giúp đoàn, tổ chức nghênh đón Bác, tổ chức họp báo, gặp gỡ, kêu gọi kiều bào, bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình ủng hộ Việt Nam… Khi cùng Bác Hồ về nước, ông Võ Quý Huân đã có vợ (là con một gia đình người Pháp gốc Nga có tiếng) và một con gái tên là Võ Quý Việt Nga. Do phải giữ bí mật, Bác Hồ chỉ kịp trao đổi với ông Võ Quý Huân trước khi về nước 48 giờ đồng hồ nên ông gần như không kịp chuẩn bị cho ngày về. Vào thời điểm đó, vợ của ông vẫn đang đi vắng. Con gái lúc thường đi cùng cha, ông Võ Quý Huân phải gửi cho người quen để về Việt Nam. Lúc đó, ông định về nước vài ba tháng rồi quay lại. Nhưng cuộc kháng chiến bùng nổ nhanh chóng và ông không thể trở lại Pháp. Cả cuộc đời mình ông luôn đau đáu về con gái bị bỏ lại Pháp. Khi thấy sức khỏe của mình kém, ông kể lại với con gái Võ Quý Hòa Bình, về người con gái ở Pháp: “Khi bố đi bố nói vài ba tháng, vài ba tháng có phải là mãi mãi không? Bố đã nói dối con gái bé bỏng của mình và với một đứa trẻ, điều đó là không chấp nhận được. Bố không giúp được gì cho chị, từ nhỏ cho đến khi trưởng thành. Cả đến khi chị lấy chồng, nếu có của hồi môn, vị trí của chị cũng được tôn trọng hơn. Vậy mà, bố cũng không có gì cả. Bố chỉ mong con cố gắng tìm chị…”.
Hơn 50 năm sau, bà Hòa Bình mới tìm được chị gái. Ba lần liên lạc đều bị chị từ chối. Phải tới lần thứ tư khi bà quyết sang Pháp và tìm đến nhà bà Võ Quý Việt Nga. Thì ra, người chị của bà vẫn luôn nhớ bố. Qua những câu chuyện bà Hòa Bình kể, bà Nga dần hiểu và thông cảm cho bố. Bức ảnh bà Việt Nga ngồi thoải mái trong lòng Bác Hồ gia đình tặng lại Bảo tàng Hồ Chí Minh trong buổi lễ tiếp nhận tài liệu, hiện vật chính là minh chứng sinh động nhất cho tình cảm của Bác Hồ với bà con Việt kiều.
Một tình yêu vô tận với Bác Hồ
Bà Trần Tố Dung cho biết, cha mình tìm thấy ở Bác Hồ một tâm hồn đồng điệu, một người cha về mặt tư tưởng. “Cha tôi vẫn nói, trên đời có hai người mà cha tôi yêu quý nhất. Đó là mẹ của ông-người đã cho ông cuộc sống và Chủ tịch Hồ Chí Minh-người đã cho ông lý tưởng sống và cuộc sống vì người khác”. trên con tàu trở về, những lúc được gần Bác, được nghe Bác trao đổi về văn hóa, lịch sử, cuộc sống, ông đã rất cảm động khi Bác nhận xét rằng “Chú không bị mất rễ”. “Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một trí thức Việt Nam vĩ đại nhất. Bản thân Người tượng trưng cho một nền văn minh mới, chủ nghĩa nhân văn mới, một phương pháp tư duy Hồ Chí Minh”, bà Trần Tố Dung nhắc lại lời của cha mình lúc còn sống.
Khách tham quan đọc thông tin tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong mắt bà Nguyễn Thị Quang (vợ ông Trần Dũng Trí, con trai cả cố Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa), bố chồng bà là người ông, người cha hiền lành, nhân hậu, sống giản dị. Ông Trần Đại Nghĩa không nói nhiều mà thường làm gương cho con cháu qua những hành động cụ thể. Tính cách ấy cũng được ông thể hiện với bất kỳ công việc gì được giao, ông đều hoàn thành xuất sắc. “Đối với ba tôi, Bác Hồ thường quan tâm tới công việc, gia đình, thân thiết và tình cảm như người cha đối với con. Ba tôi coi Bác là thần tượng, người đã chỉ ra con đường cách mạng cho ông, làm thay đổi cuộc đời ông. Trên chuyến tàu từ Pháp về Việt Nam, 4 người được học lớp chính trị mà Bác trực tiếp lên lớp bằng các bài giảng do Người tổng hợp, ngắn gọn, cô đọng. Đó là lần đầu tiên ông được nghe giảng một cách có hệ thống tình hình trong nước, thế giới, chủ nghĩa Mác - Lê-nin… Ông từng nói rằng, tuy chỉ một người thầy, nhưng những kiến thức đó đủ làm hành trang để ông bước vững chắc trong cuộc sống và công việc sau này”.
Theo lời kể của bà Võ Quý Hòa Bình, về nước, kỹ sư Võ Quý Huân góp phần nghiên cứu thành công gang, thép trong bối cảnh thiếu thốn trăm bề. Ông ít nói, nhưng tình cảm của ông với quê hương đất nước một phần được thể hiện qua cách ông đặt tên cho các con. Con trai cả, sinh năm 1948, khi ra lò thành công mẻ gang đầu tiên, được ông đặt là Võ Quý Gang Anh Hào. Con trai thứ, sinh năm 1951, khi ông lên Việt Bắc và thành công với mẻ thép đầu tiên, có tên Võ Quý Thép Hăng Hái. Vì quá tha thiết hòa bình, năm 1953, ông đặt tên con gái là Võ Quý Yêu Hòa Bình (sau để thuận tiện bà Hòa Bình cắt bỏ chữ “Yêu” trong tên mình). Đến năm 1955, ông đặt tên người con trai mới sinh là Võ Quý Quốc Hưng để thể hiện ước vọng muốn đất nước hưng thịnh. Đó là tất cả những gắn bó của ông với Tổ quốc. Khi mất ông còn hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” và dặn dò các con phải sống xứng đáng với Đảng, với Bác...
Những câu chuyện về Bác dường như dài vô tận. Bà Nguyễn Thúy Đức, quyền Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh cho rằng: “Các gia đình trí thức theo Bác về từ Pháp năm 1946, đã đóng góp rất nhiều cho bảo tàng. Những câu chuyện của nhân chứng giúp chúng ta hiểu hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi tặng hiện vật, tài liệu cho bảo tàng đủ thấy họ kính yêu Bác và hơn nữa họ mong muốn mọi người dân Việt Nam đều hiểu tình thương bao la của Bác đối với dân tộc; bạn bè quốc tế biết đến tình cảm của Bác đối với hòa bình thế giới... Bảo tàng sưu tầm những kỷ vật, tài liệu được tặng không chỉ với mục đích lưu giữ, mà điều lớn nhất là mong muốn những kỷ vật, tài liệu đó phát huy được tác dụng, để di sản của Bác Hồ đến nhiều hơn với công chúng trong nước và bạn bè quốc tế".
Bài và ảnh: MINH NHÃ